Về mặt chủ trương, chính sách, Vĩnh Phúc đã ban hành Thông tri số 20/Ttr-TU ngày 5/7/2013 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn". Trên cơ sở đó, các ngành chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, yêu cầu, nội dung của chỉ thị. Tiếp đến phải kể đến Nghị quyết số 37 của HDND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo giai đoạn 2012-2015 cùng Nghị quyết số 207 về một số chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực dạy nghề, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 57/2016/NQ-HĐND tỉnh về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh. Thông qua các giải pháp đã nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Cũng 5 năm qua, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh không ngừng được kiện toàn, củng cố và đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nông thôn ở các địa phương tham gia học nghề. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 49 cơ sở dạy nghề, trong đó, có 5 trường cao đẳng nghề; 2 trường trung cấp nghề; 9 trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp có dạy nghề, 27 trung tâm dạy nghề và 6 cơ sở khác có chức năng đào tạo dạy nghề.
Chăm lo cho đào tạo và dạy nghề cho lao động nông thôn (Ảnh: HNV)
Công tác đào tạo nghề đã có những chuyển biến tích cực theo hướng đào tạo gắn với thị trường lao động. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo hàng năm đạt hơn 80%, trong đó, hệ đào tạo cao đẳng nghề đạt hơn 95%; hàng nghìn lao động được đào tạo tại các cơ sở dạy nghề, các làng nghề tiểu thủ công nghiệp, bồi dưỡng nâng cao kiến thức. Với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, năm 2017, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho hơn 25.300 lao động, tăng 1,7% so với năm 2016. Trong đó, giải quyết việc làm trong nước cho hơn 23.300 người; đưa gần 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Thống kê cho thấy, trong 5 năm qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh đã dành hơn 111 tỷ đồng để đầu tư trang thiết bị dạy nghề. Việc đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy nghề của tỉnh được thực hiện đúng quy định; trang thiết bị đầu tư tương đối đồng bộ, đáp ứng nhu cầu dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nguồn nhân lực của tỉnh.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 46.800 lao động được hỗ trợ học nghề theo nghị quyết của HĐND tỉnh với tổng kinh phí hơn 124 tỷ đồng; có 90.867 lao động nông thôn được dạy nghề; trong đó, 7.866 lao động dân tộc thiểu số; 16.778 người thuộc hộ nghèo; 9.703 người thuộc hộ cận nghèo; 384 người khuyết tật… Trong đó, số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề là 5.315 người; số người có việc làm sau học nghề là 70.366 người, đạt 80%. Thông qua chương trình đào tạo nghề, người lao động đã chủ động tạo thêm việc làm và mạnh dạn trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi… qua đó, tạo nhiều sản phẩm nông nghiệp an toàn, có chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người lao động.
Tới đây, để thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Chỉ thị số 19, tỉnh cũng đề ra các nhóm giải pháp, trong đó nhấn mạnh: cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; đổi mới công tác tuyên truyền, phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, tập trung cho các nghề trọng điểm theo nhu cầu của xã hội; đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa trong công tác đào tạo nghề; gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp trên địa bàn…