Đồng Tâm - nghĩa, tình sâu nặng

Thứ tư, 21/07/2010 20:48

Với những người có công với cách mạng, nghĩa, tình không thể đo đếm bằng vật chất hay bằng tình thần. Hướng về năm kỷ niệm 63 năm ngày TBLS (27/7/1947-27/7/2010) năm nay, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” ấy lại được Đồng Tâm (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) nhân lên thông qua những việc làm hết sức ý nghĩa và thiết thực…

Đã thành thông lệ, cứ đến dịp 27-7 hàng năm, phường Đồng Tâm lại tổ chức khám bệnh, cấp thuốc và tư vấn sức khoẻ miễn phí cho các đối tượng, gia đình chính sách trên địa bàn. Đến thời điểm này (năm 2010), kể từ khi thành lập (1-1-1999), đây đã là năm thứ 11 liên tiếp, các đối tượng, gia đình chính sách của phường được hưởng chế độ khám bệnh, cấp thuốc và tư vấn sức khoẻ miễn phí. Vào ngày nghỉ thứ bảy (17-7-2010), Trạm Y tế phường bố trí đủ số lượng y, bác sĩ, cán bộ hỗ trợ, với 5 bàn khám, cấp thuốc nhằm đáp ứng tối đa số lượng đối tượng chính sách đến khám, không phải chờ đợi lâu. 7 giờ 30 phút, sân Trạm Y tế phường đã đông nghịt, nhưng lượng người vẫn cứ nườm nượp kéo đến. Anh Đỗ Ngọc Linh, Trưởng trạm Y tế phường cho biết: Năm nay, dự kiến số đối tượng chính sách đến khám bệnh đông hơn năm trước, có khoảng 240-250 người. Đảng uỷ, UBND phường đã lên kế hoạch, giao nhiệm vụ cách đây hàng tháng, nên công tác chuẩn bị rất chu đáo; đã tăng từ 4 lên 5 phòng khám so với năm trước, làm rạp, bố trí 150 ghế ngồi chờ. Ngoài ra, chúng tôi đã mời thêm các y, bác sĩ của Bệnh viện Điều dưỡng và PHCN, để tổ chức khám hết số đối tượng đến khám trong ngày.

Có mặt từ đầu giờ sáng, chứng kiến cảnh tượng hàng trăm người đông đúc như vậy, nhưng với cách tổ chức, bố trí làm việc rất khoa học, chúng tôi không thấy cảnh lộn xộn, chen chúc, xô đẩy khám bệnh. Đến lượt ai người ấy khám, lần lượt theo thứ tự đầu tiên cho đến người cuối cùng đến khám. Bác Nguyễn Văn Thân, thương binh hạng 4, thôn Đông Phú 2 cho biết: Đã 11 năm nay, năm nào tôi cũng được đến đây khám bệnh miễn phí. Biết ơn Đảng, biết ơn Nhà nước nhiều lắm; không chỉ quan tâm, chăm lo, giúp đỡ, động viên kịp thời về vật chất, tinh thần mà còn tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí, chăm lo đến sức khoẻ đến chúng tôi thật không gì quý bằng. Được khám bệnh thường xuyên, biết được sức khoẻ chúng tôi lại có điều kiện cống hiến sức lực, trí tuệ, tiếp tục tham gia lao động sản xuất, giúp đỡ gia đình, xã hội, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Có mặt tại buổi khám bệnh hôm đó, chúng tôi còn được gặp mẹ liệt sĩ Trần Thị Thinh, 94 tuổi, hiện đang sống tại thôn Đông Nhân. Mẹ sống một mình, nhưng hôm nay đi khám bệnh đã có xóm giềng, khu phố, người thân đưa đi. Sống một mình đã gần 20 năm nhưng chưa bao giờ mẹ cảm thấy cô đơn bởi Hội Phụ nữ phường, trực tiếp là chi Hội Phụ nữ Đông Nhân (với 5 tình nguyện viên) đứng ra nhận chăm sóc, giúp đỡ những công việc thường ngày và cả những lúc sớm khuya, ốm đau, bệnh tật. Khi tiếp chuyện chúng tôi, mẹ không còn minh mẫn lắm, chỉ nhớ người con trai là liệt sĩ Nguyễn Minh Thuỳ đã hy sinh chiến trường Miền Nam và cô con gái út duy nhất còn sống vì bệnh hiểm nghèo đã mất, mới hết giỗ đầu. Nói đến đây, trong 2 con mắt đã mờ của mẹ lại ứa ra những giọt nươc mắt, bởi những hình ảnh của những đứa con dứt ruột đẻ ra, khắc sâu trong tâm khảm, trí nhớ của mẹ không còn nữa. Nhưng giờ đây, với mẹ vẫn còn xóm giềng, những tình nguyện viên phụ nữ Đông Nhân luôn bên cạnh đã phần nào giúp mẹ quên đi nỗi xót thương, mất mát quá lớn về gia đình, quên đi bệnh tật và quên đi cả nỗi cô đơn hàng ngày.

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều việc làm hết sức ý nghĩa tôi tận mắt chứng kiến Đồng Tâm dành sự ưu ái, quan tâm chăm sóc đến các đối tượng, gia đình chính sách và người công với cách mạng. Nhưng, những việc làm đó dù thế nào đi nữa cũng không thể xoá hết nỗi đau thương, mất mát của chiến tranh để lại. Trưởng ban TB-LĐ&XH Nguyễn Quang Ngọc kể: Do có nhiều cơ quan trọng yếu đóng trên địa bàn như: Bệnh viện 109, Cầu Lính nằm trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, Cầu Oai nằm trên tuyến giao thông đường bộ, Trường Cao đẳng Giao thông, Trường Trung cấp Đường sắt… chính vì thế trong 2 cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, Đồng Tâm là trung tâm bắn phá của kẻ địch. Kết thúc chiến tranh, hy sinh, mất mát với mảnh đất này không gì sánh nổi, với 167 liệt sĩ, 180 thương binh (hiện nay còn 75 thương binh, 52 bệnh binh, 24 đối tượng nhiễm chất độc da cam, trong đó có 12 cháu lây từ bố mẹ); có 8 mẹ được phong Mẹ VNAH (nay chỉ mẹ Phùng Thị Ý đã 90 tuổi còn sống). Nhằm xoa dịu những đau thương, mất mát đó, trong những năm qua, Đảng uỷ, UBND phường Đồng Tâm luôn coi công việc chăm sóc gia đình chính sách và người có công là một nhiệm vụ chính trị quan trọng. Đảng uỷ, UBND phường đã chỉ đạo Ban TB-LĐ&XH xã kịp thời triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách đối với người có công một cách nhanh chóng đầy đủ, đồng thời cũng phát động nhiều phong trào tình nghĩa khác mang ý nghĩa thiết thực và hiệu quả cao. Công tác xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa đã được toàn phường hưởng ứng nhiệt tình, đã vận động, quyên góp được 187 triệu đồng. Với số tiền này, phường đã tặng sổ tiết kiệm cho 380 gia đình chính sách, mỗi sổ trị giá từ 100 - 200 ngàn đồng (giai đoạn từ 1999-2004); tiếp nhận 5 hài cốt liệt sĩ từ chiến trường Miền Nam về quy tập tại nghĩa trang liệt sĩ phường, hỗ trợ gia đình chính sách gặp khó khăn, xây nhà, giúp họ có chỗ ở ổn định, bền vững, lâu dài… Đến nay, bằng nguồn ngân sách địa phương và sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, phường đã xây dựng được 10 ngôi nhà tình nghĩa, xây dựng nghĩa trang đặt tại vị trí đàng hoàng, to đẹp. Ngoài ra, mẹ VNAH Phùng Thị Ý đã được Xí nghiệp Đường sắt Vĩnh Yên phụng dưỡng suốt đời, các đối tượng gia đình chính sách và người có công được phường thường xuyên đến động viên, thăm hỏi giúp đỡ, chia sẻ những lúc vui buồn. Vào các ngày: 27-7, 2-9 và Tết Nguyên đán hàng năm, phường đều cử cán bộ, lãnh đạo đến thăm hỏi, động viên và tặng quà… động viên, chia sẻ kịp thời động viên, chia sẻ kịp thời, giúp họ vượt vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Cùng với phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên, Đồng Tâm đã tổ chức, triển khai kịp thời các phong trào, “Gia đình chính sách tiêu biểu”, “Gia đình cách mạng gương mẫu”, “Người công dân kiểu mẫu”… Đến nay, 100% số gia đình chính sách của Đồng Tâm đạt gia đình văn hoá, không có con em mắc các tai tệ nạn xã hội. Không có gia đình nào thuộc diện nghèo. Đây là những thành tích chung góp phần đưa Đồng Tâm trở thành phường bình yên văn hóa.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực