Dự án khới nghiệp "Sữa gạo lứt" (Vĩnh Phúc) đạt giải khởi nghiệp 2023

*Nàng dâu khởi nghiệp từ sự đồng lòng của gia đình cứu người mẹ bị ung thư
Thứ ba, 07/11/2023 15:42
(ĐCSVN) – Các sản phẩm của gia đình Hoàng Thị Thùy Linh đến từ Vĩnh Phúc đã được công nhận OCOP 4 sao, được cấp “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2022” của Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam. Mới đây nhất, 14/10/2023, dự án “Sữa gạo lứt” của gia đình đã vượt qua hơn 2.000 dự án trên khắp cả nước, giành giải cao nhất trong cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa".

Nhân dịp này, nàng dâu Thùy Linh đã cảm ơn mẹ chồng vì chính bà là người đã truyền cảm hứng cho mình khởi nghiệp. "Biến cố mẹ bị ung thư những tưởng là án tử nhưng thực sự là một lần tái sinh, gia đình tôi càng thêm đồng lòng, trân trọng và yêu thương nhau hơn"- nàng dâu Vĩnh Phúc nói.

Hoàng Thị Thùy Linh đến từ Vĩnh Phúc nhận giải đặc biệt của cuộc thi (Ảnh: Hội LHPN Việt Nam)  

Cách đây 4 năm, bà Đặng Thị Kim Phúc, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phúc Yên (Vĩnh Phúc) phải mổ cấp cứu và bác sỹ xác định “ung thư cổ tử cung giai đoạn 3”. Biết tin này, cả gia đình đều sửng sốt và bàng hoàng, nàng dâu Thùy Linh tạm gác lại mọi công việc, cùng với bố chồng chăm sóc và sáng chế ra một loại sữa gạo để mẹ uống mà không cần nhai.

"Mẹ tôi mới qua sinh nhật tuổi 58 được một ngày. Lúc biết kết quả tôi sốc và thương mẹ vô cùng", Hoàng Thị Thùy Linh, 28 tuổi, ở Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, chia sẻ. Khi biết tin mẹ bệnh, cô con dâu lập tức gọi về cho bố chồng, ông Phạm Việt Trung cũng sốc: "Cả nhà đều suy sụp. Chúng tôi thường khóc sau lưng bà ấy", ông Trung nói.

Bà Kim Phúc đọc tin nhắn động viên từ chồng (trái) và cuốn sổ con dâu Thùy Linh ghi về quá trình đi viện của mẹ, trong thời gian điều trị tại Bệnh viện K Tân Triều, Hà Nội năm 2019 (Ảnh: Gia đình cung cấp) 

Khi mẹ bị như vậy, Linh đã đề xuất với chồng chuyển về nhà sống để hai con bốn và hai tuổi có thêm người trông nom, còn cô đi theo chăm mẹ ở bệnh viện. Ông Trung cũng ủy quyền quản lý công ty xây dựng của gia đình cho con trai, lui về lo chạy chữa cho vợ.

Sau bao nhiêu năm làm bàn giấy, bà Kim Phúc không có đủ thể lực khi mỗi tuần phải tia năm mũi xạ trị và truyền một đợt hóa chất. Chỉ trong tuần đầu tiên thuốc vào bà đã quỵ hẳn. "Mẹ yếu đến độ ngồi xe lăn đi lại mà tôi phải giữ đầu", Linh kể.

Vốn biết gạo lứt là sản phẩm lành tính, nay đi viện thấy người nhà bệnh nhân truyền tai gạo lứt rất tốt cho bệnh nhân ung thư, nên Linh đun thành cháo lấy nước cho mẹ uống. Ngày đó, bà Phúc duy trì sự sống bằng truyền dịch đạm sữa của bệnh viện, thi thoảng thèm bữa quá uống thêm được vài hớp nước cơm, chứ không thể ăn uống gì khác, ngay cả nước lọc cũng nôn. "Một ngày tôi chợt nghĩ nếu chỉ uống nước cơm sẽ không thể đảm bảo dinh dưỡng, nên nảy ra ý tưởng đưa thêm các loại hạt vào", Linh nói.

Bố chồng Linh vốn là một kiến trúc sư nhưng lại đam mê công nghệ thực phẩm, cầu kỳ trong ăn uống. Nghe con dâu gợi ý, ông liền tìm tòi đặt mua về các loại hạt macca, óc chó, hạt điều, sachi... để kết hợp với gạo lứt. Sản phẩm đầu tiên là bột gạo lứt nghiền mịn, quấy chín, rồi pha thêm bột từ hạt vào. Tuy nhiên, bà Phúc rất khó ăn vì sữa vẫn còn dầu và không mịn.

Với thể trạng của bà rất khó đủ sức khỏe tiếp nhận lộ trình điều trị đều đặn, một khi gián đoạn sẽ không đạt hiệu quả, hoặc phải sử dụng đến thuốc kích cầu để đủ chỉ số điều trị sẽ gây đau đớn. Càng nghĩ đến những tình huống đó, bố con ông Trung càng lo. "Ngày đêm chúng tôi đau đáu nghĩ cách nào để cho bà xã nuốt mà không cần nhai nữa", ông Trung nói.

 Hoàng Thị Thùy Linh bên mẹ chồng Đặng Thị Kim Phúc tại lễ trao giải cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa", ngày 14/10 tại Hà Nội (Ảnh: Việt Trang).

Những ngày vợ con đi viện cũng là những ngày ông không ngồi yên. Từ khoa Ung bướu (Bệnh viện đa khoa Phúc Yên, Vĩnh Phúc), đến Viện Dinh dưỡng quốc gia hay Viện di truyền nông nghiệp, ông đều đến gặp các y bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia lúa gạo để học hỏi kinh nghiệm. Trong khi đó, cứ cuối tuần từ viện về là Linh lại đèo bố đi đến không biết bao nhiêu nhà bệnh nhân ung thư vẫn sống khỏe sau 5-10 năm, để học hỏi kinh nghiệm sinh hoạt và ăn uống của họ. Hồi đó, hai cha con đọc sách báo liên quan đến ung thư, tiểu đường để tìm được những thông tin hữu ích. Ông Trung còn sang cả Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản để tham khảo công nghệ làm sữa hạt của họ.

Một trong các bước ngoặt là khi ông Trung kết nối được với một giáo sư người Pháp và một số chuyên gia lúa gạo Việt Nam, qua đó biết được cách tách dầu và kết hợp các loại hạt sao cho tự ức chế nhau tạo ra bảo quản một cách tự nhiên, chứ không thêm hương liệu hay chất bảo quản. Đặc biệt, còn biết thêm về loại gạo lứt xanh - gạo thu hoạch khi chín già khoảng 85% sẽ cho hàm lượng vi chất và khoáng chất cao nhất.

"Linh vừa phải chăm mẹ, lo việc kế toán của công ty mà đầu óc luôn có rất nhiều ý tưởng. Cứ mỗi lần kiểm nghiệm sản phẩm ra chất gì, tôi chỉ cần nhắn cho cháu là sau đó có kết quả ngay", ông Trung kể.

Qua hàng chục lần thử nghiệm, đến hơn một tháng sau khi bà Phúc vào hóa trị, hai cha con đã làm ra được sản phẩm hoàn chỉnh đầu tiên là sữa gạo lứt kết hợp các loại hạt có vị gần gũi với nước cơm. Giai đoạn sau, họ tiếp tục nghiên cứu về công nghệ, làm được loại sữa hạt mịn, không dùng bảo quản mà để lâu không bị tách nước.

Nhìn thấy cả nhà quay cuồng vì mình, bà Phúc cũng cố ăn uống, kiên cường điều trị. Bước sang tháng thứ hai, sức khỏe khá hơn, bà ngồi dậy được, tự sinh hoạt cá nhân và đi lại được từ nhà nghỉ vào bệnh viện mỗi ngày. Lúc này, bà bỏ truyền dịch đạm sữa, chỉ uống 3-4 lần sữa gạo lứt mỗi ngày và bổ sung thêm nước hoa quả. Suốt lộ trình năm lần hóa chất và 25 mũi xạ không bị gián đoạn ngày nào. Với các chỉ số ổn định, bà được chuyển sang năm đợt xạ áp sát. "Sự hồi phục của mẹ khiến rất nhiều người tò mò, hỏi thăm cách chăm sóc của gia đình tôi", Linh chia sẻ.

Từ hiệu quả trong cách dùng cho mẹ, gia đình quyết định đưa sản phẩm ra thị trường, trong lúc đang làm hồ sơ tham gia "mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) thì được Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Vĩnh Phúc động viên tham gia hội chợ OCOP tại tỉnh Lào Cai vào tháng 9/2020. Lần đầu tiên sản phẩm đến tay khách hàng đã nhận về những phản hồi tích cực ngoài mong đợi. "Nếu chỉ nhìn qua thì sẽ không có ai lựa chọn vì hoàn toàn mới, nhưng khi thử, khách rất khen và lựa chọn mua nhiều", Linh chia sẻ.

Ông Phùng Xuân Tiến, Phó Chánh văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, nhận thấy sản phẩm của gia đình áp dụng công nghệ cao và chất lượng tốt nên Văn phòng đã hỗ trợ tham gia OCOP và mang quảng bá nhiều hội chợ. "Tại hội chợ ở nhiều tỉnh, thành, sản phẩm này đều được tiêu thụ tốt và đánh giá cao", ông Tiến nói.

Quá trình đánh giá kiểm định hồ sơ đã đưa sản phẩm sữa gạo lứt của gia đình được công nhận OCOP 4 sao và nhận danh hiệu “ Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2022” của Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam. Doanh thu từ sản phẩm trong năm 2021 là 2,7 tỷ đồng, năm 2023, dự kiến sẽ đạt được 5,7 tỷ đồng. Vui mừng và phấn khởi nhất là, vừa mới ngày 14/10 vừa qua, dự án “Sữa gạo lứt” của gia đình đã vượt qua hơn 2.000 dự án trên khắp cả nước, giành giải cao nhất trong cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa". Dịp này, nàng dâu Thùy Linh cảm ơn mẹ chồng đã truyền cảm hứng cho mình khởi nghiệp, bà Phúc cảm ơn chồng con đã vì mình làm ra sản phẩm đó còn ông Trung và con trai Tiến Dũng cảm ơn hai người phụ nữ quan trọng nhất của mình đã luôn hy sinh vì gia đình.

Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp", thuộc khuôn khổ "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" (Đề án 939) được triển khai từ năm 2018. Sau 5 năm triển khai, đến nay có 80.000 ý tưởng kinh doanh, hơn 70.000 phụ nữ khởi nghiệp và 60.000 doanh nghiệp do phụ nữ thành lập. Năm 2023, cuộc thi hướng mục tiêu các dự án giữ gìn giữ, phát triển và nâng cao giá trị tài nguyên bản địa, khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gene, tri thức và công nghệ của địa phương hình thành từ các địa phương. Những sáng kiến xuất sắc trong cải thiện quy trình sản xuất các sản phẩm, dịch vụ mới, có mô hình kinh doanh mới sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, sản xuất hữu cơ, sạch, tuần hoàn, thân thiện với môi trường, góp phần thúc đẩy bản sắc, đáp ứng nhu cầu thương mại. Theo đó, dự án của nàng dâu Vĩnh Phúc là 1 trong 33 dự án thắng giải phụ nữ khởi nghiệp 2023.

 

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực