(ĐCSVN) - Vào một chiều hè nắng chói chang, chúng tôi đến thôn Bồng Mạc, xã Liên Mạc, Mê Linh, Hà Nội, tìm gặp nữ kiện tướng gánh đất xây dựng hồ Đại Lải cách đây hơn nửa thế kỷ - Phạm Thị An.
|
Nữ kiện tướng gánh đất năm xưa (bà là người đi đầu) - Ảnh tư liệu |
Lớn lên, cô thôn nữ Phạm Thị An xây dựng gia đình với người thanh niên cùng xóm Tạ Văn Duệ. Anh chị sinh được một người con gái, nhưng chị chỉ được hưởng niềm vui làm mẹ vẻn vẹn trong 1 ngày. Nỗi đau mất con chưa nguôi, thì tháng 6/1954 chồng chị lại hy sinh. Chị An trở thành vợ liệt sĩ. Cũng từ đó trở đi, người phụ nữ ấy đã dồn hết tâm trí, sức lực vào công việc xã hội cho vơi nỗi đau riêng. Và bước ngoặt đến với cuộc đời chị chính là sự kiện ngày 2/9/1959, hồ Đại Lải được khởi công xây dựng. Chị Phạm Thị An đã tham gia đội thanh niên xung phong xây dựng công trình đại thuỷ nông Đại Lải.
Ngày ấy, hàng ngàn trai thanh, gái tú, ai ai cũng phấn khởi hào hứng, nhiệt huyết được đóng góp sức trẻ cho công trình đại thuỷ lợi. Mặc dù trong điều kiện ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, anh chị em phải ở trong các lán tạm dựng bằng nứa lá, mỗi khi nghĩ đến hàng ngàn mẫu lúa khi thì bị khô hạn, lúc thì bị ngập úng, đặc biệt nhớ đến lời dạy của Bác đối với thanh niên xung phong: "Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên". Thế là mọi mệt nhọc tan biến, thay vào đó là những câu hát, tiếng cười và lòng quyết tâm. Buổi tối là các hoạt động văn hoá, văn nghệ, dạy đọc, dạy viết cho số người chưa biết chữ...làm cho công trường như một mái nhà chung.
Chị Phạm Thị An khi ấy được phân công phụ trách nữ thanh niên xung phong của công trường. Chị luôn gương mẫu trong lao động, trong sinh hoạt, nên được anh chị em quý mến. Công việc đào đất, đắp đập ở công trường khá nặng nhọc, không có máy móc hỗ trợ mà hoàn toàn bằng lao động chân tay. Ban chỉ huy công trường và anh chị em đã phát động các phong trào thi đua lao động đạt năng suất cao giữa các tổ, đội.
Vào một ngày cuối năm 1959, Ban chỉ huy công trường tổ chức thi gánh đất, đẩy xe cút kít. Một gánh đất gồm 6 thúng, mỗi thúng 20 kg được chuẩn bị sẵn. Những người khoẻ mạnh nhất đều ra thử sức. Chị An đứng ngoài quan sát. Rất nhiều người không thể nhắc nổi gánh đất gấp hơn 2 lần trọng lượng cơ thể mình. Vốn là một trong số nữ thanh niên xung phong có sức vóc to lớn khoẻ mạnh, chị cũng muốn thử sức. Bấy giờ, chị liền hỏi mọi người "Có còn ai gánh nữa không để đến lượt tôi?" Một số người đáp "Chúng tôi chịu. Chị ra mà gánh". Lại có cả tiếng trêu chọc chị xen lẫn tiếng cười "Đàn ông còn không làm gì được nữa là đàn bà".
Chị An tiến gần gánh đất. Lấy hết sức lực và quyết tâm, chị gánh bổng được gánh đất và vận chuyển đến đổ đúng nơi quy định trong tiếng reo hò vỗ tay của bao người. Chị được suy tôn là "kiện tướng" là như vậy.
|
Nữ kiện tướng hiện nay trong căn nhà đơn sơ (Ảnh: LTĐ) |
Sau khi trở thành "Kiện tướng" gánh đất, chị được các cấp biểu dương, khen thưởng. Tháng 1/1960, Tỉnh đoàn Thanh niên lao động Vĩnh Phúc đã khen tặng chị vì: Tích cực bền bỉ lao động và công tác, đoàn kết tương trợ bạn, thực hiện nội quy tốt, đạt nhiều thành tích trên công trường thuỷ nông Đại Lải. Cũng ngay trong tháng 1/1960, chị An được kết nạp Đảng ngay trên công trường. Tháng 6/1960, Uỷ ban hành chính tỉnh Vĩnh Phúc tặng Bằng khen cho chị Phạm Thị An: luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ đợt 1 của công trường xây dựng hồ chứa nước 1959-1960. Với chị, đó là phần thưởng vô giá, là những kỷ vật, kỷ niệm mà chị mãi khắc ghi. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở công trường Đại Lải, chị được điều động về làm cán bộ Tỉnh Hội phụ nữ Vĩnh Phúc.
13 năm sau khi chồng mất, một người quê miền Nam vợ mất, có hai con gái đã thương cảm hoàn cảnh và tự nguyện về sống cùng chị. Hai người nương tựa sẻ chia niềm vui, nỗi buồn nhưng cũng không sinh được mụn con nào. Khi tuổi tác cao, người chồng thứ hai do nặng tình quê hương, nặng gánh gia đình riêng, đã về miền Nam, không có điều kiện trở về quê thăm chị nữa. Chị lại đơn côi từ đó.
Năm 2013 này, nữ kiện tướng Nguyễn Thị An nay đã 81 tuổi đời, 53 năm tuổi Đảng. Ngôi nhà cấp 4 bà đang sống đã làm cách đây mấy mươi năm. Mọi thứ đều cũ kỹ, lạc hậu cùng năm tháng và tuổi tác của bà. Trong nhà không có vật dụng gì đáng giá, chỉ có mấy khung treo tấm Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương kháng chiến hạng Nhì, Bằng khen và tấm hình đen trắng nữ kiện tướng Phạm Thị An đang gánh trên vai 6 thúng đất.
Đại Lải xưa kia là một vùng đất cằn cỗi, bạc màu, với hơn 2,3 triệu ngày công, đào đắp hơn 1 triệu m3 đất đã trở thành công trình đại thuỷ nông phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Đại Lải giờ đây đã trở thành khu du lịch sinh thái nổi tiếng. Mặt nước biếc mênh mang thơ mộng ở Đại Lải hôm nay đã chất chứa bao mồ hôi, nước mắt của hàng ngàn thanh niên xung phong, dân công, trong đó có nữ kiện tướng Phạm Thị An.
Chia tay nữ kiện tướng, chúng tôi thầm cảm phục về một thế hệ cựu thanh niên xung phong và cũng mong muốn các cấp, các ngành và xã hội quan tâm giúp đỡ, động viên nữ kiện tướng Phạm Thị An trong những tháng năm còn lại của cuộc đời.