Song song với đó là thu hút đầu tư, triển khai một số dự án trọng điểm về giao thông, hạ tầng đô thị, khu công nghiệp và khu du lịch để lấy đó làm nền tảng cho quá trình đô thị hoá sau này.
Trong năm 2008, sau khi huyện Mê Linh được sáp nhập về thành phố Hà Nội, Vĩnh Phúc đã báo cáo Chính phủ và Bộ Xây dựng cho chủ trương triển khai lập đồ án Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồ án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1883/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 với phạm vi gồm 7 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: Thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên, huyện Bình Xuyên và một phần diện tích huyện Yên Lạc, huyện Vĩnh Tường, huyện Tam Dương và Tam Đảo với tổng diện tích tự nhiên khoảng 318,6 km2, quy mô dân số quy hoạch 1 triệu người.
Đây là đồ án quy mô lớn, có tầm nhìn chiến lược và là tiền đề để tỉnh triển khai nhiều quy hoạch, chương trình, dự án trong giai đoạn tiếp theo như: Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và triển khai Quy hoạch xây dựng các vùng liên huyện phía Bắc, phía Nam và phía Tây đô thị Vĩnh Phúc; 15 đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 cụ thể hóa Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc; các quy hoạch chi tiết cải tạo chỉnh trang đô thị; các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu du lịch, khu công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn tỉnh; quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới (hoàn thành vào năm 2011, đứng đầu cả nước).
Hiện nay, Vĩnh Phúc đã thực hiện phủ kín quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch nông thôn mới và quy hoạch phân khu cụ thể hóa quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc. Diện mạo đô thị, nông thôn trong tỉnh cũng thay đổi rõ rệt, thành phố Vĩnh Yên được công nhận đô thị loại II năm 2014, thị xã Phúc Yên được nâng cấp thành phố năm 2018, hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc bước đầu hình thành theo quy hoạch, huyện Bình Xuyên bước đầu đạt các tiêu chí của đô thị loại IV; về nông thôn, có 109/112 xã và 4/9 đơn vị hành chính cấp huyện đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả tích cực, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, tỉnh vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đô thị hóa như: Khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, sự cạnh tranh thu hút đầu tư của các địa phương lân cận, các chính sách về đất đai, đầu tư xây dựng và phân loại, phân cấp đô thị của nhà nước có nhiều thay đổi, vấn đề di cư lao động ra tỉnh ngoài và khó khăn trong thu hút dân số cơ học của tỉnh, việc thu hút và cân đối nguồn vốn cho đầu tư xây dựng hạ tầng…
Vì thế, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVI, nhiệm kì 2016-2020 đã đề ra một số giải pháp trọng tâm trong đó nhấn mạnh: “Phấn đấu đến năm 2020, cơ bản hoàn thành hạ tầng khung đô thị tiến tới trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỉ XXI”. Hơn nữa, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI còn ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 20/10/2017 về đầu tư tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2025, trong đó xác định nhiệm vụ: “Xây dựng Vĩnh Phúc sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Cụ thể, đến năm 2020, cơ bản hoàn thành hạ tầng kỹ thuật khung đô thị Vĩnh Phúc theo quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội trọng điểm; thành phố Vĩnh Yên cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh, thị xã Phúc Yên trở thành thành phố; huyện Bình Xuyên cơ bản đủ yếu tố của đô thị loại III; từng bước xây dựng huyện Tam Đảo hướng tới trở thành đô thị du lịch. Đến năm 2025, tiếp tục đầu tư tập trung kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I; huyện Tam Đảo và huyện Bình Xuyên trở thành thị xã”.
Thực tế, tỉnh đang đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng, phát triển đô thị:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các quy hoạch, kế hoạch; rà soát, đánh giá, điều chỉnh các quy hoạch, chương trình, kế hoạch cho phù hợp. Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Phúc (tích hợp vào Quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch), Quy hoạch chung xây dựng đô thị tỉnh Vĩnh Phúc, Chương trình phát triển đô thị Vĩnh Phúc, Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Vĩnh Phúc…
Thứ hai, tập trung xác định và triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, dự án lớn có khả năng tạo động lực phát triển kinh tế và có sức lan tỏa lớn để ưu tiên đầu tư, như hạ tầng kỹ thuật khung đô thị, hạ tầng xã hội trọng điểm và hạ tầng các khu sản xuất công nghiệp, khu du lịch, dịch vụ; các dự án đều được thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn, tạo điều kiện phân bổ vốn đầu tư tập trung, đầu tư dứt điểm, giảm thiểu tối đa việc thất thoát lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp.
Thứ ba, đầu tư xây dựng chỉnh trang, nâng cấp đô thị, nông thôn; nâng cao chất lượng kiến trúc cảnh quan đô thị, hướng đến đô thị hiện đại văn minh; rà soát thu hồi các dự án khu đô thị chậm triển khai; triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về bồi thường giải phóng mặt bằng; chủ động quỹ đất sạch cho các khu công nghiệp, khu dịch vụ có lợi thế về hạ tầng và đầu tư xây dựng hạ tầng sản xuất, dịch vụ làm động lực thúc đẩy quá trình đô thị hóa; thực hiện đồng bộ các giải pháp để tạo nguồn thu và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công.
Thứ tư, phân bổ và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư công; trong đó, ưu tiên tập trung để thực hiện các dự án trọng điểm theo danh mục đã được xác định và thực hiện theo kế hoạch phân bổ hàng năm đảm bảo đúng quy định; ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích, thu hút, khai thác, huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư các công trình thiết yếu, quan trọng của tỉnh.
Tin và hy vọng rằng, với những giải pháp trên, công cuộc đô thị hóa của tỉnh sẽ thực sự bền vững và hiệu quả, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.