(ĐCSVN) - Ông Nguyễn Văn Quý, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng, với vai trò là “bà đỡ” cho nông dân, Hội nông dân các cấp sẽ đảm nhận vai trò tư vấn, giúp đỡ về khoa học kỹ thuật, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, giúp nông dân những điều kiện cần thiết để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Đồng thời, lấy kết quả mô hình để thuyết trình, vận động bà con nhân ra diện rộng.
Riêng với các cấp Hội Nông dân Vĩnh Phúc, việc triển khai đề xuất các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và mô hình kinh tế tập thể sẽ được thực hiện căn cứ trên bối cảnh, phù hợp đặc điểm tình hình của tỉnh. Nông dân Vĩnh Phúc có thế mạnh là sản xuất đa ngành, đa nghề, tiếp thu tiến bộ kỹ thuật nhanh và cần cù, sáng tạo. Hiện ở một số địa phương đã xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp như su su Tam Đảo, gạo Long Trì. Nhiều địa phương khác đã xây dựng được mô hình sản xuất hàng hóa chất lượng cao. Đó là mô hình chuối tiêu hồng ở vùng đất bãi Yên Lạc, nuôi lợn rừng lai ở Tam Đảo, sản xuất rau an toàn ở Vân Hội, Tam Dương, trồng cây dưới tán cây lâm nghiệp ở Ngọc Mỹ, Lập Thạch… Các mô hình này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Để giúp hội viên phát triển và mở rộng sản xuất, Hội Nông dân sẽ tiến hành hỗ trợ giới thiệu sản phẩm qua với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ; quảng bá qua các phương tiện thông tin đại chúng và các Hội Nông dân trong toàn quốc. Đồng thời, xây dựng thành các dự án phát triển sản xuất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Về mô hình kinh tế tập thể, Hội Nông dân tỉnh đang hướng đến mô hình trồng chuối, trồng cỏ, nuôi bò ở vùng đất bãi. Dự kiến ban đầu sẽ thí điểm xây dựng hợp tác xã trồng chuối, trồng cỏ, nuôi bò ở xã Liên Châu, Yên Lạc. Chuối tiêu hồng là loại cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao; thân chuối còn có thể tận dụng làm thức ăn cho bò, vừa giảm chi phí chăn nuôi vừa đạt hiệu quả. Ngoài việc cho vay vốn, Hội Nông dân tỉnh sẽ hỗ trợ nông dân các máy thái cây chuối và hướng dẫn kỹ thuật ủ thân chuối lên men làm thức ăn cho bò. Ngoài ra, còn có thể thành lập các tổ hợp tác chăn nuôi lợn ở Tam Dương, sản xuất ra ở Vân Hội, tổ hợp tác chăn nuôi lợn rừng ở Tam Đảo để cung cấp sản phẩm cho khu du lịch. Mục đích cuối cùng là giúp nông dân phát triển sản xuất bền vững.
Thực tế cũng chỉ ra, người nông dân đang phải chịu sức ép từ nhiều phía, trong đó, lớn nhất là sức ép về giá cả vật tư đầu vào sản xuất và thị trường tiêu thụ. Nông dân gặp khó khăn khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao mà giá nông sản lại xuống thấp. Điều này có thể nhận thấy rõ nhất trong chăn nuôi. Giá con giống, thức ăn không ngừng tăng nhưng giá lợn, gà lại bấp bênh, khó lường. Ở Vĩnh Phúc, hầu hết các trang trại chăn nuôi lợn và gà thịt đều bị ảnh hưởng bởi yếu tố này, dẫn đến thu nhập của nông dân giảm, đời sống khó khăn. Bên cạnh đó, sản phẩm người nông dân làm ra không trực tiếp đến với thị trường tiêu thụ mà qua các khâu trung gian nên bị tư thương ép giá. Nhiều hộ sản xuất được hàng hóa nhưng lại không dám mở rộng quy mô vì không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Tiếp đó là sức ép về thông tin giá cả, dự báo nhu cầu thị trường mà nghề nuôi dế là một ví dụ: rộ lên trong một thời gian, quy mô chăn nuôi được mở rộng rồi từ từ thu hẹp và xóa sổ cũng bởi thiếu thông tin, sự định hướng, dự báo về nhu cầu thị trường.
Trong những năm qua, Hội Nông dân các cấp đã tích cực tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật, giúp bà con giảm chi phí đầu ra cho sản phẩm; đồng hành cùng nông dân trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, cung ứng dịch vụ…Theo tôi, hoạt động của tổ chức Hội cần hướng đến những giải pháp căn bản hơn. Đó là tham mưu về chính sách; là trực tiếp thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Trước mắt, Hội Nông dân tỉnh sẽ đề xuất Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tăng cường bổ sung qũy hỗ trợ nông dân, tăng mức vốn vay/hộ. Thỏa thuận với các doanh nghiệp sản xuất phân bón và lúa giống thực hiện hợp đồng cung ứng phân bón, giống lúa chả trậm trong 6 tháng nhằm giảm bớt khó khăn, cung ứng kịp thời vật tư sản xuất và đảm bảo giá cả ổn định cho nông dân khi giá thị trường có biến động. Cùng với đó là tăng cường trao đổi thông tin, giới thiệu doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; đào tạo nghề và giới thiệu hội viên đi làm việc tại các thị trường lao động trong và ngoài nước. Các cấp hội sẽ tiếp tục sâu sát hơn nữa, chủ động và nhanh nhạy hơn./.