Những năm gần đây, nhiều người biết đến xã Đồng Văn (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) bởi xã có nhiều tỷ phú trẻ đi xe 4 bánh sang trọng trị giá hàng tỷ đồng từ chính nghề thu mua phế liệu…
Về xã Đồng Yăn (Yên Lạc), vào những năm đầu thập kỷ 80, thế kỷ trước, nơi đây là một trong 3 xã nghèo nhất của 45 xã, thị trấn huyện Vĩnh Lạc cũ. Cái nghèo do “đất chật, người đông”, ruộng đất “chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn”. Vì vậy, gần một vạn người dân Đồng Văn cứ loay hoay với mảnh ruộng nghèo dinh dưỡng nên “cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc”. Mỗi buổi sớm tinh mơ, khi mặt trời chưa mọc, từng đoàn người già, trẻ gái trai ở các làng Yên Lạc, Đồng Lạc, Hùng Vĩ ở Đồng Văn nối đuôi nhau đi làm thuê việc nhà nông như cày, bừa, gieo cấy, gặt hái… ở xã Tề Lỗ, Thổ Tang, Đại Đồng với đồng tiền công thường là 15 -20 đồng/người/ngày (thời điểm đầu những năm 80). Đây là số tiền lớn so với lao động nông nghiệp ngày ấy nên mọi người tranh nhau việc nhưng không phải ai cũng kiếm được việc làm. Nhưng cũng chính trong tháng ngày làm thuê cơ bắp nặng nhọc ấy, những nông dân tần tảo thức khuya dậy sớm, chịu mưa, chịu nắng đã nhận ra một điều là: để có tiền trả tiền công cho mình, người dân Tề Lỗ phải đạp xe vài chục cây lên thành phố Việt Trì, thị xã Vĩnh Yên và nhiều vùng quê khác để thu mua phế liệu gồm xoong nhôm, nồi đồng rách, dép nhựa hỏng, tóc rối, lông ngan, lông gà, vịt… về đem bán lại ở Hà Nội họ mới có tiền để trả cho người làm thuê ở nhà. Từ trong cái khó đã “ló” ra cái khôn”; mọi người học được “nghề” mới từ người dân Tề Lỗ đi thu mua phế liệu nhẹ nhàng mà được nhiều tiền hơn. Thời gian đầu, chỉ vài ba người đi tới các tỉnh phía Bắc để thu mua phế liệu, dần dần “cầu trước bắc, cầu sau nối” nhiều người đã kéo người thân là anh chị em trong gia đình đi mua phế liệu. Như vết dầu loang, chỉ trong vài năm cả làng nhà nào cũng có người đi mua phế liệu, nhà ít thì một, nhà nhiều thì vài ba người (trừ trẻ em và người già), ai trong độ tuổi lao động cũng đi “buôn phế liệu”, từ đó hình thành làng nghề buôn phế liệu cho đến nay.
Trong ngôi nhà 3 tầng tiếp giáp mặt đường trị giá gần 2 tỷ đồng mới xây dựng xong với đầy đủ tiện nghi, bà Nguyễn Thị C, 58 tuổi ở thôn Yên Lạc (Đồng Văn), người đã có “thâm niên” gần 30 năm kinh doanh phế liệu, tự hào chỉ vào cái nhà 2 tầng bên cạnh, phía trước sân là chiếc xe ô tô tải trị giá gần 1 tỷ đồng cho biết: Tôi chẳng giấu chú, gia sản nhà chị đây nhờ cả vào cái nghề “buôn thất nghiệp” đấy. Bà kể vanh vách cho tôi nghe về hoàn cảnh gia đình: Bố mẹ bà sinh được 7 người con, bà là út; ngày xưa bố mẹ nghèo không có tiền nuôi con đi học cao, hết cấp II biết “mặt chữ” phải nghỉ học, tảo tần quanh năm với mấy sào ruộng mà cái ăn, cái mặc vẫn thiếu. Đói thì đầu gối phải bò, vốn ít, ban đầu bà mua kim, chỉ, xoong nồi mới đem lên vùng cao phía Bắc đổi hàng cũ đã hỏng để “góp gió thành bão”. Đến nay, bà đã xây được 2 nhà cao tầng, mua ô tô tải, sắm đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, vẫn còn lưng vốn gần 2 tỷ đồng để lưu động. Còn sức thì vẫn phải làm chú ạ! Bà tâm sự: Cái nghề này cũng nhọc nhằn lắm nhưng dễ kiếm ra đồng tiền. Bán phế liệu bây giờ dễ hơn bán thực phẩm; người mua nhiều hơn người bán.
Với vóc dáng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, giọng nói rất có duyên, anh Trần Văn D và Kim Đình Q đều ở thôn Yên Lạc cho chúng tôi biết: Học xong lớp 12 không thi đỗ vào đại học, các anh ở quê, hàng ngày đạp xe lên tỉnh Tuyên Quang, thành phố Việt Trì mua gom sắt vụn để bán. Thời điểm những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước, nhà nước chuyển đổi hình thức hoạt động, các doanh nghiệp thanh lý bán máy móc, xe ô tô, máy kéo hàng loạt. Do có chút hiểu biết về kỹ thuật ô tô, máy kéo các anh đã gom tiền mua về tháo linh kiện bán. Một số linh kiện vẫn còn sử dụng được đem bán lại cho các hiệu sửa chữa và người tiêu dùng với giá “trên trời” nhưng vẫn rẻ hơn nhiều lần so với khách đặt hàng mới qua nhà máy. Nhờ đó, mà mỗi năm các anh thu về hàng tỷ đồng. Hiện nay, các anh sở hữu bãi xe với số lượng xe hàng chục chiếc, trị giá hàng chục tỷ đồng. Hàng ngày giải quyết được từ 10-15 lao động/bãi xe với mức tiền lương 3- 4,5 triệu đồng/người/tháng. Trò chuyện với một số người buôn đường dài trong làng, chúng tôi được biết: Một số người buôn dường dài thường mua xe bãi nhập lậu qua cảng lãi lớn. Để “qua mặt” cơ quan chức năng, họ góp tiền mua chung vài công ten-nơ linh kiện “hàng bãi” xe ô tô nhập lậu từ nước ngoài về rồi cố tình để cơ quan chức năng bắt giữ, sau khi hợp lý hoá thủ tục giấy tờ họ “bắt tay” đấu giá mua lại, trừ mọi chi phí vẫn còn lãi gấp 2-3 lần sau khi đã “hợp lý hóa được chứng tờ”.
Ông Nguyễn Văn Nhặt, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn cho biết: Nhờ nghề thu mua phế liệu mà đời sống người dân đã “đổi đời”. Năm 2010, thu nhập bình quân toàn xã đạt 35 triệu đồng/người. Trong hơn 2000 hộ của xã có tới 60-70% số hộ khá và giàu; riêng thôn Yên Lạc có hơn 3.000 khẩu với gần 700 hộ, trong đó nhờ buôn phế liệu có tới 2/3 số hộ có tiền tỷ; ước khoảng vài chục hộ có từ năm đến mười tỷ đồng, có người có tới 20-30 tỷ đồng. Làng Yên Lạc có khoảng 200 hộ có xe ô tô vận tải (không kể vài trăm xe ô tô lưu tại các bãi xe để mua đi bán lại).
Mỗi ngày có hàng chục chuyến xe phế liệu với hàng trăm tấn sắt, nhựa hỏng, giấy loại, bao tải nhựa, bao đay, đặc biệt là hàng trăm chiếc màn hình vi tính, ti vi chở về đổ ngổn ngang trên đường làng và các xóm ngõ. Việc tập kết phế liệu gia tăng đồng nghĩa với việc Đồng Văn trở thành bãi rác chứa các loại rác thải nguy hại khổng lồ; ước tính mỗi ngày có từ 100-150 tấn phê liệu tập kết về đây, trong đó rác thải ra cũng vài tấn (chưa kể rác thải từ người dân). Bãi rác thôn Yên Lạc là một điển hình, vô cùng nguy hiểm bởi hàng ngàn đầu vi tính, ti vi đổ ngổn ngang; nguy hại hơn có chứa cả chất nổ và khí độc. Năm 2010, tại bãi rác thôn Yên Lạc người dân vô ý thức đổ bừa vào bãi rác hàng ngàn viên đạn gây nổ 3 ngày liền, lực lượng quân sự phải phong tỏa hiện trường, đảm bảo an toàn cho người dân ra đồng sản xuất. Tháng 5-2011, một hộ tháo bình hơi có chứa khí độc đã làm cho ba người bị ngộ độc phải cấp cứu; hàng chục vụ tai nạn lao động đau lòng đã xảy ra, đang là tiếng chuông cảnh báo.
Hành trình làm giàu xây dựng quê hương ở nơi đây đang mở ra những cách làm mới, tạo cho con người sự năng động, nhạy bén, đồng thời cũng kéo theo mặt trái của cơ chế thị trường đó là sự ô nhiễm môi trường công nghiệp độc hại (dầu mỡ xe ô tô, máy móc các loại) do chế biến nhựa, sắt thép. Việc đốt dây diện lấy lõi đồng, nhôm ở ngoài đồng gây khói mù mịt…
Việc xử lý chất thải ở Đồng Văn đã nhận được sự ủng hộ và vào cuộc của chính quyền từ tỉnh tới xã nhưng xem ra vẫn chưa hiệu quả cao. Cùng với viêc phát triển kinh tế là việc quy hoạch, quản lý và xử lý môi trường để phát triển sản xuất sao có hiệu quả vẫn là câu hỏi khó dành cho các nhà quản lý và người dân địa phương.