Làng bún Tháp Miếu

Thứ hai, 10/05/2010 18:37

Một buổi chiều về làng Tháp Miếu (phường Trưng Nhị, thị xã Phúc Yên), từ đầu làng đã thấy thoang thoảng hương lúa ẩn trong những khuôn vắt bún. Những nụ cười trong trẻo nguyên vẹn niềm vui sau một đêm thức trắng để làm ra những sợi bún trắng trong, mềm dẻo.

Ngôi làng còn lại những nét rêu phong, đâu đây những dấu chân của những người đàn ông Tháp Miếu đã thức dậy nhóm lửa, đun nước, đánh bột, ra bún đến tận canh năm; người đàn bà xếp bún trên đôi tay mềm mại quẩy ra chợ Phúc Yên hoặc đi vào các làng bán rong. Hôm nào bán chạy, quá ngọ là các chị về, hôm nào ế, về đến nhà gà đã lên chuồng. Thương chồng con, có mớ tép với buộc rau đã héo, thổi vội bữa cơm chiều. Người chồng từ lúc vợ đi chợ sáng, quay cối đá xay bột thay vợ cơm nước bữa trưa, lại lợn gà trông lũ con thơ. Khi hoàng hôn cùng khói lam chiều, thấp thoáng bóng người vợ về rồi quây quần bên mâm cơm, ai cũng mệt mỏi rã rời nhưng lại ngời lên niềm hạnh phúc gia đình tụ họp. Thời Pháp thuộc hồi đó cũng nhiều cái khổ cực, có những hôm người vợ đi chợ về, mắt sưng mọng, người chồng gặng hỏi mới biết gặp bọn lính “xin” mất lưng lá sen bún thành ra hết cả lãi… Ngày ấy là thế, lại còn phải chịu đủ thứ thuế má. Đành cắn rặng chịu, cốt lấy cái nước vo gạo, cái cháy bún thừa mà nuôi con lợn, tích cóp nuôi nhau qua ngày không phải bỏ làng đi tha hương cầu thực là may lắm rồi.

Làng Tháp Miếu hồi ấy chỉ làm bún, làm bún vì miếng cơm manh áo, làm bún vì món ăn tinh thần - nó giúp xua tan bao nỗi cực nhọc, lo âu đem hạnh phúc của từng gia đình đến gần hơn. Nhà nào cũng tất tưởi từ sáng sớm để lo được những gánh bún thơm và ngon. Đến giờ, sợi bún đã quấn vào lòng những người dân nơi đây, họ càng ngày càng chăm chút cho sợi bún một ngon hơn. Những hàng quán dù ở đâu trong thị xã Phúc Yên hay ở những nơi khác thì khi đưa sợi bún lên môi người ta đều cảm nhận một hương vị lúa thoảng thơm khác biệt, đúng là bún Tháp Miếu.

Từ sáng sớm chị Nguyễn Thị Nguyên đã cùng mẹ chồng làm bún để kịp cho nhà hàng đến lấy. Từ khi về làm dâu, chị Nguyên đã được mẹ chồng là cụ Nguyễn thị Nhung (năm nay đã 69 tuổi) dạy làm bún. Chị Nguyên kể: “Khi xưa làm bún còn rất vất vả. Ban đầu phải chọn được giống gạo tẻ ngon rồi ngâm mất 2 ngày, 2 đêm. Sau đó cho gạo ra vo sạch đến hết mùi chua. Gạo cho vào cối đá xay, bàn tay phải xay thật kỹ rồi lọc nước để lấy bột, tiếp tục nặn thành một hình khối rồi cho vào luộc khoảng 25 phút. Tưởng thế là xong, lại vớt ra cho vào cối giã 45 phút, xong xuôi cho ra mâm và nặn cho mềm đến khi nhão ra chỉ còn tinh bột thì mới cho vào khuôn để vắt, lúc đó mới bắt đầu được những sợi bún”. Để có được những sợi bún, nhà nào cũng vất vả như thế, ít nhất phải có hai người làm mới kịp công đoạn. Những giọt mồ hôi, những đêm thức trắng mà người dân Tháp Miếu vẫn bằng lòng và lấy đó là niềm vui trong cuộc sống của mình.

Người Tháp Miếu luôn giữ vững công thức làm bún các cụ truyền lại là “gạo quê ngon, bột xay kỹ, ngâm lọc đủ đêm, lược và đánh cho bột tơ” trước khi đưa vào khuôn vắt. Đặc biệt, từ lâu đời, bà con ở đây đã ý thức được thứ mình làm ra cho mọi người ăn như chính mình ăn phải đảm bảo sạch sẽ nên rất coi trọng khâu vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngày nay, người đàn ông Tháp Miếu không phải mất ngủ trong đêm, người đàn bà không còn mòn vai quẩy gánh đi rong. Điện đã về làng, nhiều nhà đã trang bị máy xay đánh bột, máy đánh tơ chạy bằng sức điện. Ít khi phải đưa bún đi bán nữa, cứ sớm ra là đã có những chiếc xe của các nhà hàng đến lấy bún. Nhiều hộ gia đình đã khấm khá hơn, không phải lo nhiều đến miếng cơm manh áo, mà họ chăm chút vào việc gìn giữ nét đẹp làng nghề truyền thống của cha ông để lại, để đời sống tinh thần của họ có ý nghĩa hơn. Với những ai “mê” bún nếu đã ăn bún Tháp Miếu một lần không thể quên được hương vị của những sợi bún trắng trong như tấm lòng của người Tháp Miếu.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực