|
Thăm hỏi, động viên gia đình chính sách khó khăn - một trong nhiều hoạt động của LĐLĐ tỉnh (Ảnh minh họa: Internet) |
Tự hào về truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và Tổng LĐLĐ Việt Nam, tổ chức Công đoàn Vĩnh Phúc luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, vì lợi ích hợp pháp của đoàn viên và người lao động.
Xin giới thiệu bài viết của đồng chí Bùi Hồng Đô, Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc đăng trên Báo Vĩnh Phúc nhân kỷ niệm 81 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2010).
Thông qua các hoạt động công đoàn, các phong trào hành động cách mạng, thi đua yêu nước do Công đoàn phát động đã góp phần xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, đóng góp quan trọng vào sự ổn định chính trị, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh, hàng năm, BTV LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền, chuyên môn, các tổ chức chính trị - xã hội của địa phương để tổ chức và phát động thi đua; gắn các phong trào thi đua do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động với phong trào thi đua do UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ tỉnh phát động. Nhiều phong trào thi đua trong phát triển KT-XH, ANQP, với nhiều nội dung trên diện rộng và có chiều sâu. Điển hình như các phong trào thi đua: “Lao động giỏi”; “Lao động sáng tạo”; “Học tập nâng cao trình độ mọi mặt, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH đất nước”; “Thi đua liên kết phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn”; “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”… Qua tổng kết thi đua hàng năm các cấp luôn có từ 60-65% tập thể, từ 70 - 75% cá nhân đạt danh hiệu “Lao động giỏi”. 5 năm trở lại đây, CNVC-LĐ đã xây dựng được 15 công trình, sản phẩm mới có giá trị kinh tế, kỹ thuật, xã hội cao góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh. Đã có 357 đề tài NCKH và 23.837 sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất được ứng dụng vào sản xuất, làm lợi hàng chục tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Với kết quả và thành tích đạt được, 5 năm qua, trong hệ thống công đoàn có 1 đồng chí được tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng 3; 5 đồng chí được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng “Lao động sáng tạo” cho 3 đồng chí, tặng Cờ thi đua xuất sắc cho 29 tập thể, tặng Bằng khen cho 108 tập thể và 113 cá nhân; UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc cho 4 tập thể, tặng Bằng khen cho 43 tập thể và 53 cá nhân. LĐLĐ tỉnh tặng Cờ thi đua cho 52 tập thể, tặng Bằng khen cho 663 tập thể và 780 cá nhân.
Công tác tuyên truyền giáo dục xây dựng đội ngũ CNVC-LĐ thường xuyên được triển khai sâu rộng tới mọi đối tượng và từng loại hình cơ sở. Tổ chức tuyên truyền trong CNVC-LĐ các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc, truyền thống của giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam, của địa phương, của ngành và cơ sở gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị trong từng thời điểm, đồng thời xây dựng chương trình hành động của các cấp công đoàn nhằm thực hiện các nghị quyết của Đảng đề ra. Công tác giáo dục truyền thống nhân các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước đã tạo được khí thế thi đua sôi nổi. Các hội diễn, hội thao do Công đoàn tổ chức đã thu hút đông đảo CNVC-LĐ tham gia.
Các hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện của Công đoàn ngày càng được mở rộng và có hiệu quả. Các cấp công đoàn thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, trợ cấp cho CNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chăm sóc phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, giúp đỡ các gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam. Tích cực vận CNVC-LĐ ủng hộ xây dựng các quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ngày vì người nghèo”, “Vì CNLĐ nghèo”, “Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam”, giúp đỡ nhân dân các vùng thiên tai, lũ lụt, ủng hộ ngày công, hiện vật, tham gia xoá nhà tạm góp phần XĐGN trên địa bàn tỉnh (số tiền CNVC-LĐ ủng hộ 5 năm qua được trên 23 tỷ đồng). Từ năm 2005 đến nay, LĐLĐ tỉnh đã trích quỹ “Vì CNLĐ nghèo” hỗ trợ 24 hộ gia đình CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà ở, với tổng số tiền là 280 triệu đồng; thăm hỏi đột xuất 82 trường hợp, với tổng số tiền 27,4 triệu đồng. Nhân kỷ niệm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam và nhân dịp Tết cổ truyền hàng năm, LĐLĐ tỉnh đã trao tặng 2.703 suất quà, với tổng số tiền là 572, 339 triệu đồng; phối hợp với Quỹ tấm lòng vàng Báo Lao Động trao 30 suất quà cho CNLĐ nghèo, với tổng số tiền là 9 triệu đồng…
Phát huy vai trò đại diện cho người lao động, các cấp công đoàn luôn quan tâm chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của CNVC-LĐ. Đã tham gia có hiệu quả vào quá trình sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước. Hàng năm, LĐLĐ tỉnh đã chủ động tổ chức tuyên truyền về một số luật liên quan đến người lao động cho CNLĐ, hình thức tuyên truyền được đa dạng hóa như: Phát hành các loại rờ rơi, tổ chức các lớp tập huấn, qua bản tin hoạt động công đoàn, các chuyên mục trên Đài PT-TH tỉnh, Báo Vĩnh Phúc…
Thông qua tuyên truyền giúp người lao động và người sử dụng lao động được trang bị và nâng cao ý thức pháp luật, góp phần giảm thiểu, ngăn ngừa đình công trái luật, nhằm ổn định sản xuất, phát triển KT-XH của địa phương. Chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn trong tỉnh phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp tổ chức Đại hội CNVC; hội nghị cán bộ, công chức, hội nghị người lao động đúng quy trình, thời gian và đảm bảo chất lượng. Hàng năm có 98% cơ quan HCSN tổ chức được hội nghị cán bộ, công chức; 90% DNNN tổ chức được Đại hội CNVC; 73% CNVC-LĐ được tham gia BHXH, BHYT, có 80% DNNN, 20% doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và 45% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ký thỏa ước LĐTT; có 96,2% CNLĐ trong các DNNN, 73% trong các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước và 80,8% trong các doanh nghiệp FDI được ký HĐLĐ từ 1 năm trở lên.
Công tác tổ chức và xây dựng CĐCS vững mạnh thường xuyên được quan tâm chỉ đạo, có nhiều chuyển biến tiến bộ. Đã chú trọng chỉ đạo phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn các đơn vị kinh tế ngoài quốc doanh, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đã gắn nhiệm vụ phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS với nhiệm vụ xây dựng CĐCS vững mạnh. Từ năm 2008 đến nay, thành lập mới 63 CĐCS, kết nạp 8.983 đoàn viên. Hệ thống tổ chức công đoàn các cấp thường xuyên được kiện toàn, củng cố. Trình độ đội ngũ cán bộ được nâng cao. Đến nay, có 79,33% cán bộ có trình độ đại học và trên đại học, 8,2% có trình độ cao đẳng, 11,34 có trình độ trung cấp; về lý luận chính trị: 22,68% cán bộ có trình độ cử nhân, cao cấp, 11,34% có trình độ trung cấp lý luận, công tác xây dựng CĐCS vững mạnh có chuyển biến tích cực; tỷ lệ CĐCS vững mạnh tăng dần, năm sau cao hơn năm trước (từ 75% năm 2008 lên 78% năm 2009).
Để tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và công đoàn Việt Nam, thực hiện tốt Nghị quyết 20, Hội nghị lần thứ 6 BCH T.Ư Đảng về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”. Trong thời gian tới, các cấp công đoàn trong tỉnh cần tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy đoàn viên, CNVC-LĐ làm đối tượng vận động, chuyển mạnh hoạt động vào việc tổ chức thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVC-LĐ; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ và thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định chính trị – xã hội làm mục tiêu hoạt động, với một số nhiệm vụ cụ thể sau:
1- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục CNVC-LĐ đặc biệt chú trọng và có những giải pháp tích cực, phù hợp để tuyên truyền, giáo dục đội ngũ CNLĐ trẻ, CNLĐ khu vực ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về chính trị, tư tưởng, pháp luật, về chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm nâng cao ý thức giác ngộ giai cấp, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp để CNVC-LĐ phát huy thế mạnh, vượt qua khó khăn thách thức phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển KT-XH năm 2010 và những năm tiếp theo của tỉnh.
2- Tiếp tục tổ chức thực hiện thắng lợi chương trình hành động của Tỉnh ủy và Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện nghị TW6 gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, giúp đỡ CNVC-LĐ học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, nhất là chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Thường xuyên bồi dưỡng, rèn luyện công nhân ưu tú giới thiệu cho Đảng đào tạo, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước TSVM.
3- Chủ động tham mưu xây dựng và kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chế độ chính sách liên quan trực tiếp đến CNVC-LĐ. Trước mắt là chính sách về nhà ở, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ trong các khu, cụm công nghiệp và CNLĐ có thu nhập thấp, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, tạo ra sức mạnh tổng hợp để các doanh nghiệp ngày càng ổn định và phát triển, vì lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và lợi ích của người lao động.
4- Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu KT-XH 5 năm (2010-2015) và định hướng đến năm 2020 của tỉnh. Công đoàn các cấp cần đẩy mạnh hơn nữa các phong trào thi đua trong CNVC-LĐ, nhằm phát huy mạnh mẽ trí tuệ, tài năng, tinh thần chủ động, sáng tạo và ý thức vượt khó vươn lên, vượt qua khó khăn, gian khổ của CNVC-LĐ để làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Chú trọng xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các gương người tốt, việc tốt, quan tâm tăng cường các yếu tố tạo động lực cho phong trào thi đua phát triển. Kiên quyết khắc phục tình trạng phô trương, hình thức trong tổ chức phong trào thi đua.
5- Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn phù hợp với từng đối tượng, từng loại hình cơ sở, từng cấp công đoàn. Đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh. Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn và cán bộ công đoàn các cấp, đẩy mạnh các hoạt động nhằm phát triển tổ chức, tập hợp đông đảo CNLĐ trong các thành phần kinh tế gắn với việc củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS; phát triển 30.000 đoàn viên (giai đoạn 2008-2013), trọng tâm là ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Tự hào về truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam qua chặng đường lịch sử 81 năm, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo tổ chức công đoàn các cấp ra sức thi đua phấn đấu giành nhiều thắng lợi vì sự nghiệp đổi mới trên quê hương Vĩnh Phúc.