35 năm sau ngày giải phóng, non sông thống nhất một mối, những người lính Cụ Hồ năm xưa trở về quê hương giờ đã là những người ông, người bà. Trên quê hương Vĩnh Phúc, bên cạnh niềm vui cùng gia đình, con cháu, những cựu chiến binh (CCB) đã tụ hội về một mái nhà để cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với đồng đội - những người “đồng cam cộng khổ”, sống chung một chiến hào nơi chiến trường ác liệt, đó là Hội CCB Vĩnh Phúc.
Đến nay, toàn tỉnh có 217 cơ sở hội, với 54.047 hội viên. Không chỉ đồng cam, cộng khổ trong thời chiến mà ngay cả thời bình, những người lính Cụ Hồ năm xưa trên quê hương Vĩnh Phúc vẫn đồng lòng, giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, động viên nhau tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo điều kiện cho các hội viên tiếp cận được các nguồn vốn vay phát triển kinh tế, Hội đã đứng ra liên hệ, bảo lãnh, tín chấp cho hội viên vay các nguồn vốn trên 600 tỷ đồng với Ngân hàng chính sách xã hội, bảo lãnh cho hội viên vay vốn; giải quyết cho hơn chục ngàn hội viên vay vốn. Cùng với nguồn vốn vay từ ngân hàng, các cấp Hội xây dựng được trên 9 tỷ đồng cũng là một nguồn vốn giúp hội viên vay phát triển kinh tế gia đình và mở rộng các hoạt động tình nghĩa trong Hội.
Với ý chí, nghị lực của những người lính Cụ Hồ năm xưa cộng với sự đồng lòng của đồng đội, Hội CCB Vĩnh Phúc phát triển ngày một vững mạnh. Trong tổ chức xuất hiện nhiều phong trào làm kinh tế: phong trào phát triển VAC, VAC-R; phong trào phá bỏ vườn tạp trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao (Tam Đảo, Tam Dương, Lập Thạch); cải tạo vùng chiêm trũng thành một vụ lúa, vụ cá ăn chắc ở các huyện đồng bằng (Vĩnh Tường, Yên Lạc); phong trào phát triển kinh tế trang trại được nhân rộng ở nhiều địa phương; khôi phục các nghề tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề truyền thống…
Qua các phong trào đã có nhiều gia đình CCB làm kinh tế giỏi, tiêu biểu như CCB Nguyễn Văn Thanh, hội viên CCB phường Đồng Tâm có 3 trang trại ở Đồng Tâm, Ngọc Thanh, Vân Hội phát triển đã dạng từ trồng rừng đến chăn nuôi lợn, gà theo hướng công nghiệp với hàng chục ngàn con gà, 400 lợn thịt một lứa cho thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm.
Hội viên Trần Văn Thụ ở xã Đức Bác (Sông Lô), khi xuất ngũ trở về làm thợ mộc, từ thực tế lao động, cùng với sự giúp đỡ của anh em, đồng đội, anh Thụ quyết tâm mở xưởng sản xuất gỗ ván ép, hạn chế việc chặt phá rừng, góp phần bảo về môi trường sinh thái. Đến nay cơ sở của anh đã phát triển thành Công ty TNHH Minh Vượng tạo việc làm cho hơn 50 lao động, thu lãi từ 700-800 triệu đồng/năm.
Với sự nỗ lực đồng lòng phấn đấu, cán bộ, hội viên CCB toàn tỉnh giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống hội viên đã thu được những kết quả đáng kể. Đến nay, số hộ nghèo trong hội chỉ còn 2,5%; số hộ khá, giàu là 58,76%.