Chăn nuôi tổng hợp với quy mô, số lượng lớn các loại như gà, lợn, vịt, cá... từ lâu đã trở nên phổ biến tại nhiều địa phương. Bên cạnh đó, nhiều nông dân cũng đã biết tận dụng ưu thế của địa phương để phát triển chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Khổng Văn Sinh là một điển hình ở xã Đại Đình, huyện Tam Đảo.
Là cán bộ khuyến nông được hơn 10 năm, thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, có điều kiện thăm quan những mô hình chăn nuôi hiệu quả. Hơn thế nữa nắm bắt được ưu thế thuận lợi của địa phương là nằm trong khu du lịch Tam Đảo có khu di tích danh thắng Tây Thiên và Thiền viện Trúc Lâm nổi tiếng. Bởi vậy phát triển chăn nuôi nơi đây có nhiều thuận lợi nhằm đáp ứng nhu cầu dịch vụ phục vụ khách thăm quan. Mặt khác là xã miền núi có diện tích đất đồi rộng, do vậy có thể đầu tư chăn nuôi với quy mô lớn nhằm tận dụng diện tích sẵn có.
Sau nhiều năm chăn nuôi nhỏ lẻ, năm 2004, ông Sinh đã mạnh dạn đầu tư 160 triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi gà thịt. Với số vốn bỏ ra ban đầu khá lớn, song là người mạnh dạn trong đầu tư làm ăn phát triển kinh tế gia đình. Sau nhiều năm học hỏi, tích lũy kinh nghiệm nên công việc chăn nuôi đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập đáng kể. Với thu nhập đem lại từ chăn nuôi mỗi năm cộng với vốn vay từ ngân hàng ông đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn nái và lợn thịt. Hiện tại mô hình chăn nuôi nhà ông có 2.500 con gà đẻ trứng, 6.000 con gà thịt, 10 lợn nái siêu nạc, 20 nái lợn rừng, 12 con đà điểu và hàng trăm con lợn thịt.
Với số gà đẻ hiện có, do nắm vững kỹ thuật chăm sóc, vệ sinh phòng bệnh nên lúc nào gà cũng cho tỷ lệ đẻ trứng từ 80 - 85%, bởi vậy trung bình mỗi ngày cho khoảng 2.000 quả trứng, một năm xuất bán khoảng 70 tấn gà thịt; mỗi lợn nái một năm sinh sản cho 2 lứa lợn con, lợn con siêu nạc được nuôi đến khi đạt khối lượng từ 80 - 90 kg mới xuất chuồng, lợn rừng nếu ai có nhu cầu mua thì bán giống, còn lại để nuôi bán thịt lợn rừng đặc sản với giá bán 350.000 - 400.000 đồng /kg, mỗi năm xuất bán vài chục tấn lợn thịt. Với mô hình chăn nuôi tổng hợp, bình quân một năm đem lại thu nhập cho gia đình ông từ 130 - 150 triệu đồng. Do chăn nuôi tổng hợp với quy mô lớn gia đình ông đã tạo công ăn việc làm cho 4 nhân công tại địa phương với mức lương mỗi tháng 1,5 triệu đồng/người sau khi đã trừ đi các chi phí sinh hoạt hàng ngày khác. Ngoài ra, năm 2010 gia đình ông còn nhận thêm 10ha đất rừng của Trung tâm Lâm nghiệp Tam Đảo để trồng cây lâm nghiệp.
Mô hình chăn nuôi tổng hợp của ông Sinh đã thu hút nhiều hộ chăn nuôi trong và ngoài xã, rất nhiều bà con đã tìm đến ông học cách thức chăn nuôi, nhờ ông tư vấn kỹ thuật về chăm sóc, phòng trị bệnh, sử dụng thuốc thú y sao cho đúng bệnh và mang lại hiệu quả cao.
Năm 2009, với sự hỗ trợ của Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh, ông đã mạnh dạn nuôi thử nghiệm 12 con đà điểu được nhập từ Viện chăn nuôi quốc gia. Ông Sinh cho biết: thức ăn cho đà điểu rất đơn giản, dễ kiếm, gồm cỏ, rau xanh như xà lách, bắp cải, rau muống, rau lang, cỏ voi trộn với cám ngô, bột sắn, bột thóc. Một đà điểu mẹ đẻ tới 30 - 40 quả trứng/năm, với giá bán 200.000 - 300.000 đ/quả. Đặc biệt, từ ngày bắt đầu nuôi đến nay không thấy đà điểu bị mắc bệnh. Gia đình ông chăn nuôi đà điểu theo hướng lấy trứng. Mặc dù đang nuôi thử nghiệm, đà điểu mẹ chưa đến tuổi sinh sản nhưng đã có khách đến đặt hàng.
Việc nắm bắt các tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng nên những mô hình kinh tế với những giống cây trồng, vật nuôi mới của nông dân là một xu thế tất yếu phù hợp với nhu cầu tiêu thụ nông sản có chất lượng ngày càng cao của thị trường. Để có thể tiếp tục duy trì và hình thành nên những mô hình kinh tế trang trại đạt hiệu quả cao, người nông dân rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ các cơ quan hữu quan và các cấp chính quyền.