|
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Phúc Yên kiểm tra rừng sản xuất Ngọc Thanh, Phúc Yên (Ảnh: Internet) |
Thời gian qua, nhiều chủ rừng ở Phúc Yên đã mạnh dạn đầu tư vốn trồng mới hàng trăm ha rừng, song song với việc phát triển chăn nuôi động vật bán hoang dã dưới tán cây rừng và thu lại hiệu quả cao. Điển hình là gia đình Anh Dương Văn Trần, người Dân tộc Sán Dìu ở xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên.
Ngoài diện tích rừng được giao, gia đình Anh Dương Văn Trần đã mạnh dạn nhận chuyển nhượng đất rừng của các hộ dân trong xã. Hiện nay, gia đình anh Trần có hơn 200 ha đất rừng, được Nhà Nước giao cho trồng chăm sóc và bảo vệ. Để làm tốt công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, phát triển kinh tế rừng, từ năm 2008, gia đình anh Trần đầu tư hàng tỷ đồng làm đường, dựng hàng rào bảo vệ rừng đã được giao, trồng mới hàng trăm ha rừng, chủ yếu là những loại cây bản địa, những loại cây phù hợp với chất đất, khí hậu ở đây như, trám, tai chua. Sau gần ba năm hàng vạn cây trám, tai chua của gia đình anh đã lên được khoảng 1m.
Từ khi được giao đất, giao rừng và nhận thêm chuyển nhượng đất rừng của các hộ dân trong xã, gia đình anh Trần đã chú trọng bảo vệ và trồng mới rừng. Hơn 200ha đất rừng của gia đình anh đã cơ bản được phủ xanh bằng nhiều loại cây trồng, trong đó chủ yếu là các loại cây bản địa như trám, tai chua; diện tích rừng tự nhiên được bảo tồn, bước đầu tạo sinh thuỷ, một số loại chim thú như sóc, cầy hương xuất hiện trở lại.
Đặc biệt, rừng do gia đình anh quản lý, bảo vệ không còn hiện tượng người dân vào rừng lấy củi, chặt phá.
Hạt kiểm lâm thị xã Phúc Yên quản lý, bảo vệ hơn 4600ha rừng. Đến nay, hầu hết diện tích rừng ở thị xã Phúc Yên đã được giao cho các hộ dân. Để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng, Hạt kiểm lâm thị xã Phúc Yên thường xuyên tổ chức cho các chủ rừng về công tác phòng chống cháy rừng, vận động hướng dẫn các chủ rừng bảo vệ rừng tự nhiên, trồng mới rừng ở những diện tích rừng nghèo. Qua tuyên truyền, vận động nhận thức của các chủ rừng, người dân các xã có rừng được nâng lên, các chủ rừng và người dân thấy được lợi ích, vai trò, tầm quan trọng của rừng đối với đời sống con người. |
Anh Trần cho biết, đầu tư để phát triển kinh tế rừng cần khá nhiều vốn , hiệu quả mang lại thì chậm, ngoài trồng cây, gia đình anh đã mạnh dạn xin phép Sở Nông Nghiệp và phát triển nông thôn, Chi Cục Kiểm lâm tỉnh cho phép nuôi động vật bán hoang dã. Từ năm 2008, gia đình anh Trần nuôi lợn rừng thuần. Hiện nay, gia đình anh có hơn 300 con lợn rừng thuần, giống lợn rừng thuần Thái Lan, trong đó có 1 con lợn đực giống trị giá gần 40 triệu đồng. Do chất lượng tốt, lợn rừng nuôi bán hoang dã của gia đình anh không đủ cung cấp cho thị trường. Gia đình anh đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 25 lao động, với mức thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng.
Tới đây, gia đình anh sẽ mở rộng qui mô chăn nuôi lợn rừng và nuôi thêm hươu, nai. Bằng những việc làm cụ thể của mình, diện tích rừng do gia đình anh Trần quản lý và bảo vệ đã xanh trở lại tạo ra nguồn sinh thuỷ đáng quý với môi trường tự nhiên xung quanh.
Với những thành tích đạt được, năm 2005, anh Dương Văn Trần được Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc tặng Giấy khen, năm 2009 được chủ tịch UBND thị xã Phúc Yên tặng Giấy khen về công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Đặc biệt, anh còn được chọn là đại biểu chính thức đi dự Đại hội các Dân tộc thiểu số được tổ chức tại Hà Nội.