Cảnh sát giao thông vốn đã vất vả, nguy hiểm. Song đối với cảnh sát giao thông đường thủy, sự vất vả, nguy hiểm dường như được nhân lên gấp đôi. Ngoài việc TTKS xử lý vi phạm, các anh còn phải am hiểu đặc tính của mỗi con sông, hồ vốn đã rất “đỏng đảnh”… Có đi, có chứng kiến công việc của các anh mới thấy làm “cảnh sát giao thông đường thủy” thật không dễ dàng gì.
Như đã hẹn, đúng 7 giờ 30 phút, chúng tôi có mặt tại bến phà Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường). Nếu không có màu áo đặc trưng đón từ ngoài cổng, tôi dễ nhầm tưởng mình đang tới một nơi “an dưỡng”.
Tọa lạc trong một ngõ nhỏ bên bờ sông, quang cảnh ở Đội CSGT đường thủy (Phòng CSGT Công an tỉnh) thật yên bình. Nhưng sau vẻ ngoài tĩnh lặng ấy, các anh đang khẩn trương chuẩn bị cho một ngày làm việc mới. Điều đặc biệt là Đội của các anh không có một “bóng hồng” nào. Vì thế, bước chân đến đây, chúng tôi bỗng nhiên trở thành “mì chính cánh”.
Theo sự phân công của đồng chí Đội trưởng Đội CSGT đường thuỷ, đi cùng chúng tôi có hai đồng chí CSGT trong đội “tháp tùng”. Điểm dừng chân đầu tiên “trên cạn” là tại bến khách ngang sông ở xã Cao Đại do ông Trần Văn Đức, sinh năm 1952 làm chủ bến.
Là người có hơn 40 năm gắn bó với nghề sông nước nên ông rất hiểu sự thất thường của con nước cũng như những hiểm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào cho bản thân và cho hành khách. Ông cho rằng làm nghề lái đò cần nhất phải có chữ “tâm”. Vì vậy, để đảm bảo an toàn vận chuyển khách ngang sông, ông luôn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Một trong những điều mà ông rất tự hào, ở bến đò này chưa từng xảy ra vụ tai nạn nào.
Để kiểm chứng điều ông nói, tôi cũng “thử làm” cảnh sát giao thông cùng với các anh. Ông vui vẻ đưa chúng tôi xem các loại giấy tờ. Qua kiểm tra, ông có đầy đủ Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa, Bằng thuyền trưởng, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa, Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông, Giấy chứng nhận bảo hiểm tàu thuyền, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh…
Rời bến khách, chúng tôi tới Công ty TNHH Xây dựng thương mại Phú Thịnh, thôn Đại Định, xã Cao Đại, Vĩnh Tường, nơi có hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa đường thủy nội địa. Năm nay, hoạt động tại bến kinh doanh cát, sỏi lòng sông khá vắng vẻ.
Tiếp chúng tôi là một giám đốc còn rất trẻ. Anh cho biết, công ty mới thành lập nên một số giấy tờ vẫn còn thiếu. Anh sẽ có trách nhiệm hoàn tất đầy đủ các thủ tục còn lại.
Ngoài việc kiểm tra, các chiến sĩ CSGT đường thủy còn khéo léo nhắc nhở, tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa, ký cam kết chấp hành nghiêm Luật với tất cả các chủ tàu, thuyền, chủ các bến chở khách ngang sông và người dân làm ăn, sinh sống trên sông, ven sông để người dân nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong khai thác tài nguyên, hoạt động kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa.
Không chỉ thị sát “trên cạn”, chúng tôi lại “lênh đênh” cùng các chiến sĩ trên sông. Sau những ngày mưa như trút nước, dòng sông nhuộm đỏ một màu phù sa. Vốn tính “cẩn thận”, trước khi bước xuống ca nô, tôi phải đưa hết đồ nghề tác nghiệp cho cô bạn đi cùng. Chiếc ca nô của Đội CSGT đường thủy vút đi trên sông đưa chúng tôi đi TTKS. Nhìn dòng nước cuộn chảy, tôi thấy tim mình đập “thình thịch”. Để trấn an mình, tôi hỏi, giữa sông nước mênh mông thế này, ngộ nhỡ hết xăng, ca nô của các anh sẽ xử lý thế nào? Một anh cho biết, cũng đã có trường hợp, đang chạy, ca nô hết nhiên liệu. Khi đó, chỉ còn cách… gọi điện cho “đất liền” tiếp tế.
Đúng là các anh đi riết thành quen chứ mỗi lần đặt chân lên ca nô là mỗi lần các anh lại phải đối diện với không ít nguy hiểm từ sông nước.
Sau hơn chục phút “lướt” trên sông, ca nô của chúng tôi đi chậm dần. Dường như đoán trước được ý định của các chiến sĩ CSGT, chủ nhân của chiếc sà lan cũng từ từ dừng lại.
Yên tâm khi phương tiện của mình không thể tự trôi, các anh chỉnh trang lại quân phục, bước lên sà lan làm nhiệm vụ. Thuyền trưởng Lê Văn Hiệp của chiếc sà lan vui vẻ lấy đầy đủ các loại giấy tờ ra cho các anh kiểm tra. Điều đáng mừng, anh cũng như các thuyền viên đều chấp hành nghiêm quy định của Luật Giao thông đường thuỷ nội địa. Các loại giấy tờ bắt buộc, anh đưa cho chúng tôi xem rất kỹ: Bằng máy trưởng phương tiện thuỷ nội địa, Bằng thuyền trưởng phương tiện thuỷ nội địa, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thuỷ nội địa, Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thuỷ nội địa...
Tôi chợt nghĩ, người thuyền trưởng nào cũng có ý thức chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thuỷ nội địa thì công việc của các chiến sĩ cảnh sát giao thông đường thuỷ sẽ đỡ vất vả hơn.
Tuy nhiên, không phải công việc của các anh lúc nào cũng thuận buồm, xuôi gió. Gặp phải những hôm mưa to, gió lớn, các anh mình thì mang sắc phục cảnh sát nhưng chân lại đi “dép lốp”. Điều mà các anh băn khoăn nhất là khu vực neo đậu, tạm giữ phương tiện chưa có nên việc xử lý triệt để lỗi vi phạm của chủ tàu rất khó. Mặt khác, điều kiện phục vụ cho việc TTKS đảm bảo TTATGT trên tuyến còn khó khăn…
Mặc dù có không ít khó khăn, luôn đương đầu với nguy hiểm, song trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các anh luôn nỗ lực, dốc sức cùng với lực lượng chức năng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bằng những biện pháp quyết liệt, trong 6 tháng đầu năm 2011, Đội CSGT đường thuỷ tổ chức 119 lượt TTKS, phát hiện 237 trường hợp vi phạm. Trong đó, các lỗi vi phạm chủ yếu là không có bằng, chứng chỉ chuyên môn; chở hàng quá tải; thiếu tín nhiệm; không kẻ, gắn số đăng ký phương tiện; sử dụng giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật hết hạn; không có sổ danh bạ thuyền viên…
Đặc biệt trong mùa mưa bão, để đảm bảo TTATGT đường thuỷ nội địa, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, các biện pháp được các anh tập trung thực hiện đó là: Kiểm tra hoạt động khai thác vận chuyển cát, sỏi lòng sông; các cảng, bến thủy nội địa kinh doanh cát, sỏi lòng sông. Phối hợp với cơ quan chức năng, công an các huyện thành, thị, các xã ven sông có giao thông đường thuỷ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung, đối tượng kiểm tra, các lỗi vi phạm, hình thức, biện pháp xử lý theo các nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông thủy nội địa, lĩnh vực khoáng sản, lĩnh vực ANTT, ATXH và kết quả kiểm tra, xử lý để mọi đối tượng tham gia giao thông đường thủy, nhân dân sinh sống dọc tuyến đường thủy biết, chấp hành và ủng hộ sự kiểm tra, xử lý của các lực lực lượng chức năng; phát động quần chúng nhân dân tích cực phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, đồng thời lập số điện thoại nóng để tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin do nhân dân cung cấp; rà soát lên danh sách, thống kê các đối tượng và địa bàn có hoạt động khai thác, vận chuyển cát sỏi trái phép đồng thời sử dụng các biện pháp nghiệp vụ trinh sát, ĐTCB để nắm chắc tình hình đối tượng, địa bàn, phát hiện những sai phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi để tổ chức lực lượng kiểm tra, xử lý, đồng thời thu thập củng cố chứng cứ đối với những vụ sai phạm nghiêm trọng để truy tố trước pháp luật; tổ chức lực lượng TTKS thường xuyên, đột xuất trên các tuyến để phát hiện, xử lý vi phạm; tổ chức lực lượng kiểm tra, xử lý tất cả các bến, bãi kinh doanh cát, sỏi dọc các tuyến đường thủy;phối hợp với các lực lượng chức năng đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông và vi phạm TTATGT đường thủy nội địa; xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành, cố tình chây ỳ, chống đối sự kiểm tra…