|
Tôn vinh các cá nhân điển hình trong phong trào "Hiến đất làm đường" (Ảnh:LTĐ) |
(ĐCSVN) - Nam Viêm là một trong 20 xã điểm của tỉnh Vĩnh Phúc triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình đó, Nam Viêm xác định nâng cấp đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt, trong đó ngoài việc vận động nhân dân đóng góp tiền, vật tư, ngày công làm đường, phong trào "Hiến đất làm đường" ở Nam Viêm đã trở thành điểm sáng ở thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Sau một thời gian ngắn tuyên truyền vận động, toàn xã Nam Viêm đã có 81 hộ gia đình hiến đất 143,7 m2 đất thổ cư và 1.996,5m2 đất nông nghiệp quỹ I. Trong số các hộ hiến đất có 11 gia đình đảng viên, 3 chức sắc chức việc tôn giáo, 3 hộ nghèo, 2 gia đình chính sách.
Các thôn Nam Viêm, Đồng Cờ, Tân Tiến, Minh Đức có nhiều hộ hiến đất nông nghiệp làm đường giao thông nội đồng. Thôn Cả Đông và thôn Cẩm Đông có một số hộ hiến đất thổ cư làm đường giao thông nông thôn. Tiêu biểu trong số các gia đình hiến đất thổ cư là các hộ: ông Nguyễn Văn Lâm (Cả Đông) hiến 74,8m2, ông Nguyễn Văn Bản (Cả Đông) hiến 46,9m2, ông Trần Đức Yên (Cẩm Đông) 22m2; các hộ hiến nhiều đất nông nghiệp là: ông Nguyễn Văn Tự - Chánh trương họ giáo Minh Đức 170m2, đồng chí Nguyễn Văn Tuân - Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Minh Đức 150m2, đồng chí Đào Anh Bình - Bí thư chi bộ trưởng thôn Nam Viêm 87m2,...
Đồng chí Nguyễn Văn Tuân - Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Minh Đức cho biết, thôn có 82 hộ (2/3 số hộ là người theo đạo Thiên chúa giáo). Sau khi có chủ trương của Đảng ủy và Kế hoạch của UBND xã, Ban chi ủy đã họp và thống nhất để phong trào đạt kết quả, tuyên truyền lợi ích của việc hiến đất, khơi dậy truyền thống của chi bộ nhiều năm được công nhận trong sạch vững mạnh, tinh thần đoàn kết lương - giáo, phát huy tinh thần gương mẫu của đảng viên. Sau 1 tuần vận động, 16 hộ (3 hộ đảng viên) đã tự nguyện hiến một phần diện tích của trên 20 thửa ruộng để làm giao thông nội đồng (gia đình đồng chí Tuân đã hiến 150m2). Hiện trong thôn còn 1 hộ chưa đồng ý hiến đất, nhưng đã có hộ gia đình khác xung phong hiến đất đổi cho gia đình đó. Chi ủy và cán bộ các đoàn thể sẽ tiếp tục vận động và tin chắc sẽ thành công.
Chia sẻ về phong trào này, đồng chí Vũ Quốc Hùng - Phó Ban Tuyên giáo Đảng ủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã tự hào vì có số hội viên nông dân hiến đất nhiều nhất. Đồng chí Hùng khẳng định: Để vận động được người khác, trước hết phải vận động được gia đình mình. Ngay chính cá nhân đồng chí Phó Ban Tuyên giáo, Chủ tịch Hội Nông dân xã này đã nêu gương, làm công tác "dân vận" thành công với mẹ, vợ và các con đồng tình hiến 36m2 đất làm đường giao thông nội đồng. Đồng chí quả quyết: "Đường mở rộng đến đâu, gia đình tôi sẵn sàng hiến đất đến đó. Bác Hồ đã dạy, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, tôi và nhiều người dân thấy việc đó có lợi là làm, mà gia đình tôi là những người được hưởng lợi đầu tiên từ việc hiến đất".
Đến thôn Nam Viêm, được gặp đồng chí Đào Anh Bình - Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, được biết gia đình đồng chí đã hiến 87m2 đất ao để làm đường giao thông. Trên diện tích đất hiến đã có nhiều măng Bát Độ cho thu hoạch. Đồng chí Bình cho biết, thôn Nam Viêm có 26 hộ (3 hộ nghèo, 2 hộ thờ cúng liệt sĩ) hiến gần 600m2 đất ở các xứ đồng: Đầm Vam, Đầm Thương, Bờ Làng. Vận động hiến đất ban đầu cũng có khó khăn nhất định, song với sự quyết tâm, chi bộ, thôn, đoàn thể đã vận động được các hộ hưởng ứng. Đồng chí cũng nhấn mạnh vai trò gương mẫu, nhiệt tình của cán bộ, đảng viên là yếu tố quan trọng, quyết định thành công của phong trào này.
Cẩm Đông được xã chọn làm điểm của phong trào xây dựng nông thôn mới. Không ngại trời nắng, đồng chí Nguyễn Ngọc Khánh - Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Cẩm Đông - một cán bộ trẻ 31 tuổi đời, nhưng đã có thâm niên làm Bí thư chi bộ trên 6 năm đã dẫn chúng tôi đến chứng kiến thành quả của phong trào hiến đất, đó là đã có 1 con đường bê tông sạch sẽ, rộng rãi của Nam Viêm, mà nối với nó vẫn là đường đất chật hẹp, lầy lội của phường Trưng Nhị. Nông dân Nam Viêm, trong đó có thôn Cẩm Đông đã cảm nhận rất rõ lợi ích của phong trào này. Đồng chí Khánh tổng kết kinh nghiệm, để thành công cần biết khái thác uy tín và sức mạnh của đảng viên, những người lớn tuổi trong thôn xóm.
Đi đầu trong phong trào hiến đất ở Cẩm Đông là đồng chí Trần Đức Yên - đảng viên, hội viên cựu chiến bình, công nhân nghỉ chế độ 176, nạn nhân chất độc da cam. Gia đình đồng chí Trần Đức Yên ở đội 7 thôn Cẩm Đông được cha ông để lại cho một mảnh đất thổ cư có diện tích trên 200m2. Đoạn đường qua nhà đồng chí Yên trước đây chật hẹp, lầy lội. Khi được dự họp được nghe phổ biến chủ trương của Đảng ủy, chi bộ, đồng chí đã xung phong hiến đất để đường rộng hơn. Với 22m2 đất thổ cư gia đình hiến làm đường giao thông, tổng trị giá khoảng trên 100 triệu đồng, bằng hơn 40 tháng thu nhập của đồng chí hiện nay (gồm lương và tiền công trông nghĩa trang). Đây không phải là số tiền nhỏ đối với một gia đình nông dân. Song vì lợi ích chung, trong đó có lợi ích của gia đình mình, sau khi phân tích, thuyết phục, cả gia đình đồng chí đã vui vẻ, không tính toán, suy bì thiệt hơn. Con đường đất ngày xưa nay được đổ bê tông rộng rãi, hàng xóm và mọi người dân đều ghi nhận tấm lòng của gia đình đống chí.
|
Đoạn đường bê tông mới của xã Nam Viên đối lập với con đường mòn của phường kế bên (Ảnh: LTĐ) |
Sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong các thôn và xã đã lan tỏa đến nhiều gia đình quần chúng, trong đó có cả những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt.
Ông Vũ Văn Đắc - thôn Nam Viêm, có 6 con nay đã trưởng thành và ở riêng. Ông Đắc 73 tuổi hiện ở cùng vợ 75 tuổi. Tuy đã ở cái tuổi "Thất thập cổ lai hy", nhưng sau được các đồng chí cán bộ thôn tuyên truyền vận động, ông bà vẫn hăng hái hưởng ứng phong trào hiến đất. Ông tâm sự: "Thế hệ chúng tôi đã khổ cả đời, nay Đảng, Chính quyền vận động mở rộng đường, chúng tôi thấy có lợi là hưởng ứng. Mỗi gia đình nông dân, bớt đi một vài thước ruộng cũng không làm nghèo thêm. Tôi hiến đất là vì muốn con cháu tôi được đổi đời". Nguồn thu nhập của ông bà Đắc chỉ có từ trên 1 sào ruộng, cùng với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cuộc sống vẫn rất đạm bạc, nhưng ông bà thấy vui khi được chung sức xây dựng nông thôn mới, được chứng kiến sự đổi thay của xóm làng ngày nay. Ông cũng cho biết: Nếu hộ nào có đường đi qua mà không muốn hiến đất, gia đình tôi sẵn sàng hiến và đổi cho họ, để có con đường chung cho nhân dân đi lại thuận tiện. Ông Đắc cũng mong muốn khi nhân dân đã hiến đất, các cấp có thẩm quyền nhanh chóng triển khai làm đường để nhân dân phấn khởi, tin tưởng.
Để gặp được Bà Vũ Thị San 74 tuổi, một chủ hộ nghèo thôn Nam Viêm, chúng tôi phải chờ đến gần trưa, vì bà là lao động chính của gia đình, nên vẫn phải thường xuyên đi làm đồng. Ông bà có 6 con (2 trai, 4 gái), 5 người con đã trưởng thành và ở riêng. Chồng bà cũng đã mất cách đây 7 năm. Hiện bà ở với người con gái cả tật nguyền và một cháu trai vẫn đang tuổi ăn học. Bà San cho biết, hoàn cảnh của gia đình rất khó khăn, nhưng không bao giờ bà kêu ca gì. Khi cháu bà hỏi về việc hiến đất, bà đã nói với cháu: Gia đình khác đã hiến đất, thì nhà mình cũng hiến. Nghèo nhưng không được hèn - Đó là thông điệp mà bà muốn nhắn gửi cho đứa cháu tội nghiệp của bà. Chúng tôi rất cảm phục trước tinh thần biết hy sinh vì lợi ích chung của một gia đình nông dân nghèo như bà San.
Hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới là việc làm cần được biểu dương nhân rộng. Một số con đường ở Nam Viêm đã và đang từng ngày đổi thay. Có được sự thay đổi ấy một phần không nhỏ là do chính những người dân ở Nam Viêm tạo nên. Cán bộ, đảng viên đi đầu trong phong trào hiến đất, các chức sắc, chức việc tôn giáo tích cực huởng ứng. Điều đặc biệt, những hộ nghèo như bà Vũ Thị San, bà Vũ Thị Thoảng, bà Vũ Thị Thắng, khi mà một ngàn đồng đối với họ cũng rất quý, song vì lợi ích chung, họ vẫn sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng. Với kết quả đạt được, vừa qua, Thị ủy Phúc Yên đã khen thưởng cho 6 tập thể và 22 cá nhân tiêu biểu trong phong trào hiến đất làm đường ở Nam Viêm.
Nhân phong trào Hiến đất làm đường ở Nam Viêm đang phát triển mạnh và có nhiều người sẵn sàng hiến đất vì sự nghiệp chung, vì cộng đồng, trong chúng tôi lại đau đáu một câu hỏi, những người đã và vẫn cố tình cản trở việc thi công đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn qua thị xã Phúc Yên, họ suy nghĩ gì?