(ĐCSVN) – Trao đổi về các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, đồng chí Phạm Văn Sơn, Thượng tá, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) cho rằng, để giảm thiểu tai nạn giao thông, cả người tham gia giao thông và người thi hành công vụ cần nêu cao trách nhiệm.
|
Tăng cường tuần tra, tuyên truyền giao thông (Ảnh minh họa: VP) |
Theo đó, người tham gia giao thông phải tự giác, trách nhiệm với chính mạng sống của mình. Khi điều khiển phương tiện phải ý thức về việc chấp hành luật giao thông không chỉ đảm bảo an toàn cho bản thân mà còn thể hiện văn hóa giao thông, góp phần làm đẹp cho một xã hội văn minh mà còn giảm những gánh nặng cho người thi hành công vụ. Người thi hành công vụ cũng cần ý thức trách nhiệm của chính bản thân, nâng cao tinh thần trong công việc, góp phần vào việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Được biết, trong Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2013 mà UBND tỉnh ban hành, việc nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông cũng được đặc biệt nhấn mạnh.
Phân tích thêm về điều này, đồng chí Phạm Văn Sơn cho biết, trong thực tế đã chứng minh, hầu hết các vụ tai nạn đều do người tham gia giao thông không chấp hành Luật Giao thông: Uống rượu, đi quá tốc độ cho phép, lạng lách, chở quá số người quy định, bất chấp tín hiệu giao thông… thậm chí khi có tín hiệu dừng xe của Cảnh sát giao thông còn tìm cách chạy trốn hay chống lại người thi hành công vụ bằng cách hành hung, chửi rủa, xúc phạm.
Thống kê cho thấy, chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2013, trên địa bàn tỉnh xảy ra 17 vụ tai nạn giao thông, làm chết 16 người, bị thương 14 người (so với 3 tháng trước cao điểm : giảm 7 vụ, giảm 3 người chết, giảm 7 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2012 : tăng 5 vụ, tăng 5 người chết, tăng 1 người bị thương), các vụ tai nạn chủ yếu xảy ra ở đường bộ. Nguyên nhân do: người tham gia điều khiển phương tiện không làm chủ tốc độ, đi sai phần đường, không chú ý quan sát, không có giấy phép lái xe… Theo Thượng tá Phạm Văn Sơn, trong 17 vụ tai nạn giao thông thì 1 nửa là lỗi vi phạm tốc độ và 1 nửa là lỗi đi không đúng phần đường.
Hơn nữa, lực lượng cảnh sát giao thông mỏng, trang thiết bị chưa đảm bả, vau trò của Ban An toàn giao thông và các cấp ủy Đảng chưa được thể hiện, thậm chí một số nơi còn buông lỏng, khoán trắng cho lực lượng cảnh sát nên càng khó khăn hơn trong thực thi triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông.
Trước thực trạng giao thông gia tăng, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã đề ra các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông. Chia sẻ về điều này, Thượng tá Phạm Văn Sơn thông tin, ngay từ đầu năm, phòng cảnh sát giao thông tỉnh đã xác định trọng trách, tham mưu cho Ban Giám đốc và các ngành, các cấp để đạt mục tiêu 3 giảm.
Theo đó, việc tuần tra khép kín và xử lý vi phạm từ 6h - 24h, đặc biệt từ 12h- 24h (qua thống kê các vụ tai nạn giao thông chủ yếu xảy vào thời gian này). Bên cạnh đó, huy động cao độ các lực lượng cảnh sát khác phối hợp cùng cảnh sát giao thông; tập trung công tác tuyên truyền sâu rộng đến từng người dân kèm theo các biện pháp xử lý cứng rắn, chặn đứng gia tăng TNGT trên địa bàn, các điểm đen phải được khắc phục. Đồng thời, mở đợt cao điểm xử lý đối tượng mô tô và xe khách (phương tiện môtô gây tai nạn chiếm 70%, xe khách là nguồn nguy hiểm cao độ đối với người tham gia giao thông); Phòng CSGT huy động tối đa lực lượng có mặt trên tuyến Quốc lộ 2, đảm bảo an toàn, không để xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông trong dịp giỗ Tổ Hùng Vương (Vĩnh Phúc là địa bàn có lưu lượng lớn xe đi qua và đến Đền Hùng). Chỉnh đốn tác phong, thái độ của người thi hành công vụ; tiếp thu các ý kiến tham gia của người dân trực diện hoặc từ các hòm thư đặt tại trụ sở…