Nét đẹp làng nghề truyền thống Bích Chu

Thứ năm, 11/08/2011 15:40

Nằm ở vùng đất bãi bên bờ sông Hồng thuộc xã An Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, Bích Chu hiện lên như một bức tranh thủy mặc của vùng quê Vĩnh Phúc.

Từ rất lâu, Bích Chu nổi tiếng về kỹ thuật làm đồ gỗ. Người thợ không chỉ làm ra đồ gỗ dân dụng bình dân như tủ, giường, bàn ghế mà còn sáng tạo ra những đồ gỗ có giá trị mỹ thuật cao như tượng gỗ bày ở điện thờ, đình miếu, những bức đại tự sơn son thiếp bàng, những mâm, quả hộp hoa văn sắc sảo mang đậm nét văn hóa truyền thống.

Từ làng nghề truyền thống…

Theo sử sách ghi lại và thông qua những lời kể của các nghệ nhân cao niên, làng mộc Bích Chu thuộc xã An Tường đã có từ 400 năm về trước. Khởi đầu là sự xuất hiện của 8 ông thợ cả, các cụ chủ yếu đi làm đồ mộc cho các gia đình mới xây nhà, và từ đó con cháu trong làng đi theo học nghề. Trải qua nhiều thế hệ, những người theo nghề mộc trong làng ngày càng đông. Hằng năm cứ đến ngày mồng 6, mồng 7 tháng Giêng âm lịch cả làng lại tưng bừng mở hội tại nhà thờ Ông tổ mộc, người dân trong làng gọi đó là ông Đỗ Ban. Trong nhà thờ Ông tổ mộc còn giữ một chiếc thước mộc từ xa xưa, nó là kỉ vật nhắc nhở con cháu thế hệ sau về truyền thống làng nghề của mình.

Mấy trăm năm nay, người làng Bích Chu đều sống bằng nghề mộc. Những thập kỉ 60 của thế kỉ 20, các nghệ nhân trong làng tập trung thành từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm khoảng 10 người đi tới các tỉnh phía bắc như Lào Cai, Tuyên Quang, Thái Nguyên… nhận làm nhà sàn, đến những năm 70 các cụ trở về làng đem theo nhiều kinh nghiệm quý báu học hỏi từ tỉnh bạn. Cũng chính vì vậy, làng nghề Bích Chu phát triển mạnh mẽ trong những năm 70, đã được sự quan tâm giúp đỡ từ chính quyền địa phương. Nhưng như một sự luôn chuyển theo sự thay đổi của xã hội, những năm về sau làng nghề lại gặp không ít khó khăn. Cụ Phùng Văn Dục, một nghệ nhân của làng cho biết: Những năm 1990 là năm khó khăn nhất, cả làng ồ ạt đi các tỉnh khác làm ăn, sản phẩm làm ra không có chỗ tiêu thụ, người thì đi xây, người lên tận biên giới làm cửu vạn để kiếm sống. Một vài nhà phải mang sản phẩm của mình đi bán rong ở khắp mọi nơi, trước là để bán lấy tiền sống qua ngày, nhưng cái chính vẫn nhằm mục đích giới thiệu để tìm kiếm thị trường cho làng mộc của mình.

Trời không phụ công người, trong mấy năm gần đây, người tiêu dùng ưa chuộng đồ trang trí nội thất làm từ gỗ. Những sản phẩm của làng làm ra luôn được đánh giá cao cả về chất lượng lẫn mẫu mã. Hiện nay, sản phẩm của làng có mặt khắp các tỉnh trong nam ngoài bắc như Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng... Sản phẩm mộc qua đôi tay khéo léo của người thợ với óc sáng tạo đã trở thành những vật dụng độc đáo, quý giá. Nhiều hiện vật còn lưu giữ trong các đình, chùa như cột kèo, kiệu …

Khẳng định thương hiệu

Nặng nghĩa với nghề truyền thống ông cha để lại, các thế hệ đi sau chịu khó học hỏi để sản phẩm làm ra đẹp hơn, hấp dẫn hơn. Họ cần mẫn, miệt mài không quản ngày đêm. Từ sáng đến khuya, khắp làng trên xóm dưới, lúc nào cũng vang lên tiếng đục đẽo, cưa xẻ, bào, phay, đánh véc-ni. Nguyên liệu bao gồm các loại gỗ lim, dổi, gõ, săng vì, vàng tâm, kiền kiền... được mua từ Hải Phòng, Nghệ An. Hiện nay 100% hộ dân làng Bích Chu làm nghề mộc, trung bình mỗi hộ có 7-8 người thợ, những doanh nghiệp làm tập trung có khoảng trên 30 thợ sản xuất.

Về Bích Chu hôm nay mới thấy rõ sự thay da đổi thịt của làng quê này. Không còn những mái nhà lợp lá, thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng, mỗi nhà là một xưởng sản xuất thu nhỏ. Chỉ sau một vài năm vực lại nghề mộc, cuộc sống người dân nơi đây đã thay đổi rõ rệt. Những năm gần đây trung bình mỗi năm người dân Bích Chu thu về trên 40 tỷ đồng từ sản phẩm đồ mộc, bình quân thu nhập đầu người từ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập mơ ước của nhiều vùng quê khác. Hiện nay, trong tổng số 680 hộ dân ở Bích Chu thì có tới trên 40% hộ giàu, cả thôn chỉ còn 54 hộ nghèo. Điển hình những hộ gia đình thoát nghèo làm giàu từ nghề mộc của Bích Chu phải kể đến gia đình ông Phạm Dương Bạc, ông Phạm Văn Trường… mỗi năm thu nhập từ nghề mộc của gia đình lên tới gần 200 triệu đồng. Trong thôn có 2 công ty, 4 doanh nghiệp sản xuất đồ mộc tập trung, có quy mô lớn với tổng số vốn lên đến hàng trăm tỉ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động trong xã và các vùng lân cận. Sản phẩm chủ yếu từ nghề mộc Bích Chu phải kể đến giường. Giường Bích Chu có thương hiệu được khách hàng ưa chuộng. Mỗi tháng, làng Bích Chu sản xuất trên 3000 chiếc giường và sức tiêu thụ chưa đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng.

Là vùng đất bãi được bồi đắp phù sa từ con sông Hồng, nhưng sản xuất nông nghiệp đối với người Bích Chu chủ yếu để giải quyết nguồn lương thực tại chỗ, còn nghề mộc mới là nghề chính của cả làng. Sản phẩm của họ làm ra có giá trị, đưa lại một nguồn lợi kinh tế lớn, nâng cao thu nhập cho người dân và làm cho diện mạo nông thôn ở làng quê này thay đổi từng ngày. Hầu hết các hộ gia đình đã mua sắm đầy đủ các phương tiện nghe nhìn, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Hệ thống giao thông nông thôn phát triển mạnh. Những con đường bùn lầy qua xóm, qua làng ngày nào bây giờ đã được bê tông hóa gần hết. Các công trình phúc lợi xã hội như, trường học, trạm y tế... được xây dựng khang trang.

Ông Kiềm, Bí thư chi bộ thôn Bích Chu tự hào cho chúng tôi biết: “Tay nghề của người thợ làng gỗ Bích Chu không chỉ nổi tiếng trong cách tạo ra những sản phẩm dùng để trang trí nội thất trong gia đình mà còn rất khéo léo trong việc phục chế những đồ cổ, kiến trúc đình chùa cổ xưa. Điều đó đã tạo nên thương hiệu đồ mộc Bích Chu như hiện nay”. Có đến làng Bích Chu mới cảm nhận được không khí làm việc khẩn trường từ mỗi hộ gia đình. Bích Chu là một trong số ít vùng quê ở Vĩnh Phúc còn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống mang đậm dấu ấn làng nghề từ xưa để lại.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực