|
Đồng chí Nguyễn Văn Trì – UVBTV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trao Danh hiệu Thầy thuốc ưu tú cho 5 đồng chí (Ảnh: Xuân Hùng) |
(ĐCSVN) - Năm 2012 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XV, ngành y tế Vĩnh Phúc còn thiếu cơ sở khám, chữa bệnh, trang thiết bị y tế hiện đại. Các bệnh viện tuyến tỉnh hầu hết là quá tải. Vượt lên những khó khăn, ngành y tế Vĩnh Phúc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng bộ tỉnh và nhân dân giao phó tất cả vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Đến nay, ngành y tế có 90,5% số xã có bác sỹ, trung bình có 7,65 cán bộ trên một trạm y tế, ngoài các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước còn có 248 cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân góp phần đáng kể vào công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong tỉnh.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết số 22-NQ/TU, 09/06/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, thời gian qua công tác CSSKND luôn được ngành y tế Vĩnh Phúc nỗ lực cố gắng, hầu hết các chỉ số về sức khỏe của người dân được cải thiện và đáp ứng với yêu cầu đặt ra, các chương trình mục tiêu y tế quốc gia đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2012, ngành y tế đã khám cho hơn 1 triệu lượt người (trong đó có gần 83.900 lượt người được điều trị nội trú). Chất lượng khám, chữa bệnh không ngừng được nâng lên, nhiều kỹ thuật cao được thực hiện an toàn, hiệu quả, như can thiệp tim mạch, trị xạ trị ung thư, mổ tim hở, thay khớp gối, sinh học phân tử trong chẩn đoán sớm một số bệnh dịch nguy hiểm, làm chủ kỹ thuật tiên tiến khác... Cơ sở vật chất, trang thiết bị tiếp tục được đầu tư và bổ sung theo hướng hiện đại hóa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu CSSKND. Các cơ sở y tế trong tỉnh còn đặc biệt chú trọng cải tiến quy trình, thủ tục khám bệnh, giúp bệnh nhân rút ngắn thời gian chờ khám và làm xét nghiệm cho bệnh nhân.
Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, tính đến nay, ngành Y tế Vĩnh Phúc có 3.478 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó đã có 666 bác sỹ, 52 dược sỹ đại học được phân bố ở tất cả các tuyến. Thực hiện Quyết định số 57/2008/QĐ-UB ngày 6/11/2008 của UBND tỉnh về chính sách phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2015 định hướng đến năm 2020, tỉnh Vĩnh Phúc rất chú trọng đào tạo, thu hút đội ngũ bác sỹ chuyên khoa I, chuyên khoa II. Do đó, đội ngũ cán bộ y tế luôn được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2012, ngành y tế đã cử 127 cán bộ theo học đi học chương trình liên kết đào tạo bác sỹ, dược sỹ chính quy tại Học viện Quân y và Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên để bổ sung nguồn nhân lực khám, chữa bệnh có trình độ cao của tỉnh.
Việc xây dựng các cơ sở khám, chữ bệnh hiện đại được ngành y chú trọng. Năm 2012, với mục tiêu thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh, xây dựng kết cấu hạ tầng, tăng cường cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị cho các cơ sở y tế phục vụ công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tăng cường đầu tư xây dựng và hoàn thiện các cơ sở khám chữa bệnh, chuẩn bị khởi công xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh (quy mô 800 giường) và Bệnh viện Sản Nhi (quy mô 500 giường), đây được coi là hai dự án trọng điểm của tỉnh. Đến nay 2 dự án Bệnh viên đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản nhi đã hoàn thành việc thi tuyển kiến trúc, quy hoạch, khảo sát địa chất trình uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt và chẩn bị khởi công.
Công tác xã hội hóa các hoạt động y tế được đẩy mạnh, đến nay trên địa bàn tỉnh có tất cả 248 cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân đang hoạt động, trong đó hoạt động thực sự hiệu qủa có 24 phòng khám đa khoa và 71 phòng khám chuyên khoa… Ngành y tế thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở y, dược tư nhân trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước về hành nghề y dược tư nhân. Các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân góp phần giảm tải cho các Bệnh viện Nhà nước đồng thời giải quyết tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các thiết bị hiện đại được đầu tư từ công tác xã hội hóa như máy siêu âm màu 4 chiều, các chụp X.quang kỹ thuật số, Chụp CT-Scaner, chụp cộng hưởng từ, máy xạ trị gia tốc… kinh phí gần trăm tỷ đồng. Hệ thống Y tế cơ sở tiếp tục được củng cố và nâng cao chất lượng, đến nay đã có 137/137 xã, phường, trị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tại các huyện, thị xã, thành phố cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xẩy ra, rải rác có xuất hiện bệnh cúm, tiêu chảy, bệnh Chân - Tay - Miệng nhưng không trở thành đại dịch. Các huyện, thành, thị các bệnh viện được trang bị máy móc, thiết bị y tế hiện đại, đội ngũ thầy thuốc được bồi dưỡng, đào tạo từng bước đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Công tác quản lý, tăng cường kiểm tra, giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm đã có những kết quả tốt. Công tác kiểm soát dịch, điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS bước đầu đạt kết quả tốt. Lĩnh vực dược, vật tư y tế đã cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị có chất lượng, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, cấp cứu, phòng chống dịch bệnh.
Có được kết quả như trên là do nhiều nguyên nhân, song trước hết là nhờ sự quan tâm các các cấp uỷ Đảng, chính quyền đối cới sự nghiệp y tế; sự nỗ lực của toàn ngành y tế trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Giáo dục y đức cho cán bộ y tế, ngành tăng cường giáo dục “12 tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế” đến cán bộ y tế, làm cho mỗi cán bộ y tế phải “…như từ mẫu” “thầy thuốc phải như mẹ hiền” đem đến cho người bệnh những dịch vụ y tế tốt nhất. 100% các bệnh viện có cam kết “cán bộ, nhân viên y tế nói không với tiêu cực”, trả lại sự trong sáng cho y đức, sự hài lòng của nhân dân được nâng lên.
Bên cạnh thành tích đạt được của ngành y tế Vĩnh Phúc, công tác CSSKND tiếp tục đối mặt với muôn vàn khó khăn như: thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi, thiếu bác sỹ làm công tác dự phòng, bác sỹ ở tuyến xã, thiếu dược sỹ đại học; kinh phí đầu tư cho y tế còn thấp chưa đáp ứng so với yêu cầu. Ngân sách hàng năm có tăng nhưng không đáp ứng được yêu cầu chi tiêu cơ bản. Chế độ tiền lương và đãi ngộ đối với bác sỹ chưa tương xứng với quá trình học tập và công sức lao động hàng ngày. Chất lượng y tế trong tỉnh chưa đáp ứng được sự hài lòng của nhân dân. Một số trung tâm y tế thiếu trụ sở làm việc, thiếu trang thiết bị, đội ngũ cán bộ y tế xã chủ yếu là trung cấp nên khó khăn trong ứng dụng kỹ thuật. Môi trường còn ô nhiễm, an toàn vệ sinh thực phẩm khó kiểm soát.
Thời gian tới, với mục tiêu chủ động phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm, đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ, tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Đẩy nhanh thực hiện các công trình, dự án trọng điểm. Riêng trong năm 2012 này, ngành sẽ tham mưu xây dựng một nghị quyết chuyên đề về công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân từ năy đến năm 2020. Trong những năm tiếp theo, dự đoán tiếp tục với nhiều khó khăn thách thức, đòi hỏi toàn ngành Y tế Vĩnh Phúc phải đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai thực hiện mục tiêu củng cố hệ thống y tế hoàn chỉnh, phát triển và hiệu quả, đa dạng hóa cung ứng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân với các tiêu chí: giảm tỷ lệ mắc bệnh, giảm tử vong, nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống, củng cố và phát triển mạng lưới y tế cơ sở bền vững, phấn đấu để mọi người dân được công bằng trong chăm sóc sức khỏe, mọi người có bệnh như nhau thì được chăm sóc y tế như nhau, mọi người được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần.