|
|
Ở tuổi 86, chưa bao giờ cụ Phan hết đam mê với việc đọc và viết |
Ở tuổi 86, cụ Phan còn rất minh mẫn. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Hà Tĩnh, năm 1956, cụ quyết định rời quê hương ra Vĩnh Phúc lập nghiệp, được phân công giảng dạy tại Trường THCS Tô Hiệu, Vĩnh Yên. Năm 1960, cụ được đứng trong hàng ngũ của Đảng, sinh hoạt ở chi bộ Vĩnh Yên, Đảng bộ Dân chính Đảng. Đến năm 1962, cụ Phan được Ty Giáo dục Vĩnh Phúc điều động về làm công tác chuyên môn cấp 2 toàn tỉnh; năm 1966, được cử đi học ở Trường Đại học Sư phạm Tây Bắc, khoa Lịch sử. Sau khi tốt nghiệp, cụ từng tham gia giảng dạy ở các trường THPT: Tam Dương, Trần Phú, Kim Anh và Bến Tre; năm 1996, cụ Phan nghỉ hưu tại Trường THPT Bến Tre, thành phố Phúc Yên.
Khi được hỏi về lý do tham gia cuộc thi “Bác Hồ với Vĩnh Phúc và Vĩnh Phúc học tập, làm theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh”, cụ Phan cho biết: Đây là lần thứ 3 cụ tham dự các cuộc thi có tính chất giống nhau. Lần thứ nhất vào năm 1990, cụ tham gia cuộc thi “Bác Hồ - Niềm tự hào của chúng ta” và đạt giải Khuyến khích toàn quốc; lần thứ 2 năm 2005, cụ tham gia cuộc thi “60 năm nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” khi đang là Bí thư chi bộ tổ dân phố số 1, phường Hùng Vương. Lần ấy, cụ được giải Khuyến khích cấp tỉnh, là 1 trong số 50 bài của tỉnh chọn gửi thi toàn quốc và được nhận Kỷ niệm chương. Còn với cuộc thi lần này, vừa do nhiệm vụ chi bộ giao vừa xuất phát từ 2 chủ đề cụ rất tâm đắc: Bác Hồ với Vĩnh Phúc; Vĩnh Phúc học tập, làm theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh. “Tôi cố gắng tham dự cuộc thi cũng bởi đây là chủ đề rất bổ ích với bản thân, giúp tôi có điều kiện hiểu biết sâu hơn, kỹ hơn, đầy đủ hơn một vị lãnh tụ của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới”- cụ Phan chia sẻ.
Là người gắn bó với Vĩnh Phúc, được vùng đất này nuôi dưỡng trưởng thành, cụ Phan đã chứng kiến sự thay đổi từng ngày của tỉnh - điều khiến cụ "không thể thờ ơ với cuộc thi này."
Cụ Phan quyết định viết bài dự thi bằng tay với mong muốn để lại bút tích và người đọc sẽ thấy được cái hồn, sự rung động khi đọc tác phẩm. Tác phẩm hoàn thành trong 2 tháng, tháng đầu tiên cụ dành thời gian sưu tầm tài liệu và đi thực tế. Cụ đã đến Thành ủy Vĩnh Yên, Thành ủy Phúc Yên, Đảng ủy Phường Hùng Vương để tìm tư liệu. Để bài viết có chất lượng và sinh động, cụ đi thực tế những nơi Bác Hồ đã về thăm: Đảng ủy phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên; Đảng ủy xã Bình Dương, huyện Yên Lạc và khu lưu niệm Hồ Chủ tịch tại thôn Lạc Trung, xã Bình Dương. Đồng thời, với suy nghĩ viết về Vĩnh Phúc mà chỉ nói những cái cũ thì sẽ không hay, cụ đã dành 3 tháng đọc Báo Vĩnh Phúc để tìm những tư liệu mới, tư liệu sống, tăng thêm giá trị thực tiễn, dồng thời, thường xuyên xem ti vi, tìm những tư liệu, tranh ảnh minh họa cho nội dung viết.
Sau khi cất công sưu tầm, chọn lọc tranh ảnh, tư liệu, cả những câu nói, câu thơ, lời văn viết về Bác, cụ xâu chuỗi, gắn kết thành một tác phẩm liền mạch thay vì trả lời 5 câu hỏi một cách rời rạc.
Ban đầu cụ viết hơn 100 trang, sau đó cụ quyết định sửa còn 79 trang với ý nghĩa 79 mùa xuân kính dâng lên Người. Để tác phẩm có chiều sâu, trang đầu, cụ để ảnh Bác Hồ với những câu thơ sinh động của nhà thơ Tố Hữu: “Bác sống như trời đất của ta/Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa/Tự do cho mỗi đời nô lệ/Sữa để em thơ, lụa tặng già”. Trang cuối cùng cụ để ảnh lăng Bác với những câu thơ của nhà thơ Viễn Phương: “Bác nằm trong lăng giấc ngủ bình yên/Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền/Vẫn biết trời xanh là mãi mãi/Mà sao nghe nhói ở trong tim”.
Nói về tấm gương tiêu biểu làm theo lời Bác, cụ Phan viết về tấm gương cụ Đào Thị Kim Tất, 85 tuổi, ở ngay tổ dân phố cụ sinh sống. Đây là tấm gương say mê công việc cộng đồng đã 28 năm không ngừng nghỉ. Thời gian hoạt động ở địa phương của cụ Tất gần bằng thời gian công tác ở cơ quan trong ngành Y; cụ lại có lối sống giản dị, hòa đồng, gần gũi với mọi người. Nhưng trước khi dẫn dắt đến tấm gương cụ Tất, cụ Phan đã điểm một số gương tiêu biểu trên các lĩnh vực của tỉnh, từ giáo dục, y tế, quân đội, công an đến người nông dân, học sinh… được cụ sưu tầm trên sách, báo của tỉnh. Từ đó, cụ tác động đến người đọc rằng việc học tập, làm theo tư tưởng, phong cách đạo đức Hồ Chí Minh đã trở thành nếp sống bình thường của mọi người dân, trong đó có cụ bà Nguyễn Thị Kim Tất.
Sau 2 tháng, tác phẩm hoàn thành và đã mang đến thành công cho cụ Tôn Đức Phan với giải Nhất cuộc thi cấp tỉnh. Trong đôi mắt tinh tường của cụ, niềm vui dâng trào. Cụ tâm sự: “Thành công này có được bởi tôi đã vận dụng khả năng trí tuệ sẵn có còn giữ được đến ngày hôm nay. Đặc biệt, từng là giáo viên lịch sử, tôi đã tránh được cách viết lối mòn, khuôn sáo, sách vở. Và hơn hết, tôi viết tác phẩm này bằng cả trái tim mình với tình cảm chân thành nhất.”