|
Ở tuổi 76, trông ông vẫn rất khỏe mạnh (Ảnh: HT) |
(ĐCSVN) – 47 năm tuổi Đảng, đảng viên Bùi Đức Việt đang sinh sống và sinh hoạt Đảng tại Chi bộ thôn Cao Quang - xã Cao Minh, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc được biết đến là một tấm gương sáng “dám nghĩ, dám làm”.
Nghỉ hưu năm 1993 nhưng lúc đó, cựu Giám đốc Công ty cơ giới thủy lực thuộc Tổng Công ty Sông Đà (Bộ Xây dựng) vẫn thấy mình còn sung sức lắm. Với bản tính “dám nghĩ, dám làm”, những việc làm của ông đã đem lại hiệu quả thiết thực cho chính gia đình và bà con lối xóm.
Tính đến thời điểm nghỉ hưu, sau 7 năm đổi mới, nền kinh tế nước ta vẫn gặp nhiều khó khăn. Đường xá làng xóm nơi ông và gia đình sinh sống xuống cấp, lầy lội, nhiều gia đình con cái không được học hành, không có công ăn việc làm. Cuộc sống khó khăn của gia đình, của bà con sinh sống xung quanh khiến ông trăn trở. Làm gì để cải thiện cuộc sống cho gia đình, cho bà con lối xóm là điều ông mong muốn phải làm cho bằng được.
Với quan niệm "nông dân đi từ đất mà lên", năm 1995, ông đã bàn với gia đình thầu hơn 4 mẫu đầm Diễn, thời hạn 20 năm thuộc khu vực Gò Già, thôn Cao Quang để thả cá, nuôi vịt. Ông xây thêm 2 lò gạch thủ công; đầu tư máy móc sản xuất gạch, giải quyết cho hơn chục lao động ở xung quanh. Không dừng lại ở đó, để mở rộng kinh doanh, năm 1997 ông nghĩ ngay đến việc mua xe công nông chở vôi, cát bán cho người dân có nhu cầu. Việc kinh doanh phát triển hơn, ông mở thêm cửa hàng kinh doanh buôn bán vật liệu xây dựng. Doanh thu từ cửa hàng kinh doanh đạt hơn 100 triệu đồng/tháng.
|
Đoạn đường do gia đình ông Việt chủ động bỏ tiền ra làm (Ảnh: HT) |
Năm 2000, nhiều cửa hàng vật liệu xây dựng bắt đầu mọc lên. Cửa hàng của gia đình ông không còn đông khách như trước, ông nghĩ phải thay thế cửa hàng vật liệu xây dựng bằng một cửa hàng kinh doanh khác. Nhận được sự ủng hộ của gia đình, ông quyết định mở cửa hàng kinh doanh xăng, dầu và Gas. Công ty TNHH Việt Anh ra đời từ ý tưởng đó. Từ đó đến nay, cửa hàng xăng của gia đình ông vẫn kinh doanh tốt và lo công ăn việc làm đều đặn cho từ 5-7 lao động với thu nhập trung bình 2,5 triệu đồng/tháng.
Gần 70 tuổi, ông vẫn chưa muốn nghỉ ngơi. Năm 2004 ông tiếp tục tham gia đấu thầu đầm nước rộng 3 ha bỏ không ở thôn Hiển Lễ để mở rộng chăn nuôi. Khi đó cũng là lúc Nhà nước vận động các hộ chăn nuôi nuôi lợn hướng nạc để tăng gia sản xuất phát triển kinh tế, ông liền mở trang trại nuôi 30 lợn nái đồng thời trao đổi gần 1 mẫu ruộng ở gần đó để làm trại nuôi lợn nạc. Việc thả cá, nuôi lợn đã mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Đầm nước hơn 4 mẫu ông giao lại cho các cháu.
Có một việc khiến ông luôn trăn trở suy nghĩ từ khi mới về nghỉ hưu đó là làm một con đường bê tông dài khoảng 400m từ đầu làng đến cuối làng cho nhân dân thuận tiện đi lại. Con đường cũ đã quá xuống cấp, lầy lội, việc đi lại của bà con gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão và ngày mùa. Những năm trước, trong cuộc họp chi bộ, đã nhiều lần ông tham gia ý kiến đề nghị các cán bộ hưu trí tham gia đóng góp làm đường, khi hoàn thiện sẽ lấy tên là "Con đường của cán bộ hưu trí". Ông tự nguyện ủng hộ bước đầu 5 tháng lương. Đề nghị của ông nhiều năm liền không được thực hiện, ông quyết tâm từ mình phải làm bằng được. Ông nghĩ, nếu không có tiền làm một lúc ông sẽ làm dần dần, ông tính mỗi năm sẽ làm một ít. Bằng số tiền thu được từ việc chăn nuôi và kinh doanh xăng dầu, năm 2010, ông bỏ ra 60 triệu làm đoạn đường rộng 3m, dài 130m. Ông chưa kịp tiếp tục làm thêm đoạn đường mới thì con đường đã được hoàn thiện theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vào đầu năm 2012. Mong ước của ông và bà con trong thôn đã được thực hiện mặc dù nhiều người cho rằng ông bỏ tiền ra làm đường là lãng phí, đằng nào thì Nhà nước cũng làm. Ông lại nghĩ khác, mình phải là người chủ động, không nên chỉ trông chờ vào tiền Nhà nước, làm sớm được ngày nào thì bà con trong thôn, trong đó có những người trong gia đình ông sẽ được hưởng lợi ngày đó, nhân dân sẽ không phải đi qua đoạn đường lầy lội mà thay vào đó là con đường đã được bê tông sạch đẹp.
Bên cạnh đó, ông Việt và những người thân trong gia đình còn rất tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện do thôn, xã phát động. Ông cũng không nhớ mình đã tham gia ủng hộ bao nhiều tiền, bao nhiêu nơi. Từ năm 2011 ông và gia đình đã nhận đỡ đầu bà Bùi Thị Thỉnh, người già cô đơn và bà Hoàng Thị Ngờ bị tàn tật với số tiền 150.000đ/người/tháng.
Ở tuổi 76, ông vẫn muốn làm nhiều việc nữa cho gia đình và bà con lối xóm, nhưng các con và vợ ông muốn ông nghỉ ngơi tĩnh dưỡng tuổi già. Năm 2012, ông không trực tiếp quản lý cửa hàng xăng dầu nữa mà giao lại cho cháu ông. Ông chỉ còn tham gia vào việc thả cá, nuôn lợn.
Để làm được nhiều việc như vậy, ông Việt đã nhận được sự ủng hộ của vợ và các con. Ông có 3 người con trai, một anh hiện đang làm hiệu trưởng Trường Trung cấp xây dựng số 4, một anh trực tiếp quản lý tại khu trang trại và một anh làm kinh tế VAC tại gia đình. Các con ông đều rất ủng hộ và luôn giúp đỡ ông trong việc sản xuất kinh doanh.
Sinh năm 1936, năm nay, ông bước vào “tuổi thất thập cổ lai hy”, như nhiều người khác là chuyên tâm vui vầy với con cháu nhưng ở ông, sức sống và tâm huyết với công tác xã hội vẫn còn mạnh mẽ lắm! Tâm sự về nguyện ước của mình, ông cho biết, ông vẫn còn muốn làm rất nhiều việc nữa cho gia đình và xã hội.