Người kỹ sư với niềm say mê vô tận kết nối phát triển các hội khoa học kỹ thuật

Thứ tư, 23/12/2020 21:53
(ĐCSVN) – Đã nghỉ hưu hơn 15 năm nhưng vẫn cộng tác với các hội, hiệp hội, năm nay, ở tuổi 76 – cái tuổi “thất thập cổ lai hy” - nhưng ai gặp ông cũng thấy một niềm hăng say nghiên cứu khoa học và đặc biệt là đam mê vô tận với hoạt động khoa học cũng như phát triển các Hội khoa học kỹ thuật của địa phương.

Đó là ấn tượng đầu tiên khi gặp gỡ và tiếp xúc với Kỹ sư Phạm Huy Thụy, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các hội khoa học, kỹ thuật Vĩnh Phúc. Nhắc đến ông, người ta không chỉ nhớ đến một người làm khoa học mà người ta còn biết đến một cán bộ ngành nông nghiệp đam mê hoạt động trong hệ thống của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật, đặc biệt trong công tác chăn nuôi thú y và bảo vệ thiên nhiên môi trường trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, ông vẫn đang là Ủy viên Ban Thường vụ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc, Phó Chủ tịch thường trực Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Vĩnh Phúc, Chủ tịch Hội Chăn nuôi thú y (CNTY) tỉnh Vĩnh Phúc, Giám đốc Trung tâm ứng dụng kỹ thuật sinh học (Liên hiệp hội Việt Nam -LHHVN), Giám đốc Trung tâm tư vấn đào tạo và chuyển giao kỹ thuật (Liên hiệp hội Vĩnh Phúc - LHHVP).

 Kỹ sư Phạm Huy Thụy tại Lễ tôn vinh trí thức khoa học và tiêu biểu Vĩnh Phúc 2019 (Ảnh: PV)

Trên cương vị công tác của Hội và Trung tâm, ông luôn nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động và phối hợp trong công việc, gắn kết các tổ chức với nhiệm vụ, phong trào trên địa bàn tỉnh. Bản thân Kỹ sư Phạm Huy Thụy vừa đề xuất vừa trực tiếp triển khai các nhiệm vụ. Nhờ đó, các Hội, Trung tâm mà ông tham gia chỉ đạo đều được nhận Bằng khen của các cơ quan, đoàn thể ở Trung ương và UBND tỉnh.

Khi tổ chức Hội dần ổn định, Kỹ sư Phạm Huy Thụy  lại tập trung nghiên cứu các đề tài khoa học và triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Bằng kiến thức, kinh nghiệm của mình ông soạn thảo tài  liệu và trực tiếp tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đề xuất và trực tiếp tổ chức các Hội thảo khoa học.

Với Hội CNTY, trong vai trò Chủ tịch hội, ông đã trực tiếp chỉ đạo thành lập 5 Câu lạc bộ gia cầm, tăng cường tổ chức các hội viên sinh hoạt để giúp đỡ lẫn nhau, góp phần tăng 50% số lượng gia cầm so với ngày đầu thành lập. Bản thân ông luôn tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch gia súc gia cầm phát hiện và báo cáo kịp thời cho các cơ quan chức năng và UBND tỉnh; đề xuất một số giải pháp để kịp thời bao vây khống chế dịch bệnh, xử lý môi trường trên địa bàn các xã .Trước yêu cầu phát triển của ngành nông nghiệp, ông đã thường xuyên gặp gỡ với lãnh đạo cơ quan chuyên ngành đề trao đổi ý kiến, góp ý vào Đề án cơ cấu ngành nông nghiệp và được lãnh đạo ngành đánh giá cao.

Song song, ông đã đề xuất và trực tiếp chỉ đạo triển khai chương trình cam kết không sử dụng chất cấm. 

Ngoài ra, với vai trò Chủ tịch Hội, ông đã phối hợp với Hội chăn nuôi Việt Nam và một số Công ty thức ăn gia súc, gia cầm mở hội nghị với trên 700 chủ trang trại và hội viên, đồng thời triển khai tập huấn ở 20 xã . Qua các hội nghị đã có gần 5.300 chủ trang trại và hộ chăn nuôi đăng ký không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

5 năm qua, ông đã đề xuất và tiến hành nhiều cuộc hội thảo khoa học: Biến đổi khí hậu- giải pháp và thích ứng ; Bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn gen; Ứng dụng chế phẩm sinh học góp phần bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững; Ứng dụng công nghệ vi sinh trong chăn nuôi góp phần bảo vệ môi trường; Công tác bảo vệ môi trường trong cuộc cách mạng 4.0; Những vấn đề pháp lý và thực tiễn trong chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và củng cố hệ thống chăn nuôi thú y các cấp... Sau các cuộc hội thảo ông đã cùng các cộng sự soạn thảo ý kiến đề xuất gửi các tổ chức, cơ quan liên quan ở Trung ương và tỉnh.

Qua chỉ đạo triển khai nghiên cứu khoa học, Kỹ sư Phạm Huy Thụy đã có một số sáng kiến đóng góp vào thực tế. Trong đó, sáng kiến cải tiến qui trình pha chế, bảo quản chế phẩm sinh học (EM)  phù hợp với điều kiện thực tế ở cơ sở, có tác dụng lớn trong việc triển khai đến từng hộ, từng trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, góp phần tăng trưởng vật nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh phát sinh…

Hay như sáng kiến chế phẩm vi sinh và nguyên liệu làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia cầm. Thông qua thực tế, ông đề xuất qui trình sử dụng chế phẩm vi sinh cần phải đạt được hiệu quả như mong muốn, theo đó chất độn lót chuồng gia cầm, được phun đều chế phẩm vi sinh lên bề mặt theo liều lượng 2 lít chế phẩm cho 100kg chất độn chuồng, sau đó tùy vào sự thay đổi độ ẩm trong chuồng để bổ sung chất độn lót chuồng. Việc sử dụng chế phẩm chỉ cần bổ sung một lần duy nhất khi thay đổi chất độn lót chuồng mới, không cần phun bổ sung trong thời gian tiếp theo mà vẫn duy trì được hiệu quả khử mùi chuồng  trại, xử lý chất thải chăn nuôi.

Còn phải kể đến sáng kiến cải tiến phương thức tổ chức nhằm đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất trên cơ sở tạo lập mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên. Với sáng kiến này, ông đã phối hợp với ngành chức năng và các địa phương lựa chọn và bồi dưỡng mỗi xã, phường một cán bộ chuyên trách để triển khai các nội dung, công việc ứng dụng kỹ thuật đến hộ chăn nuôi. Sáng kiến này đã  đảm bảo  cho sự chỉ đạo chuyên môn đồng bộ, cụ thể, kịp thời và thông suốt, nhất là khi có dịch bệnh xẩy ra.

Chân dung kỹ sư Phạm Huy Thụy (Ảnh: PV) 

Bằng kinh nghiệm và nhiều sáng kiến thiết thực, ông đã viết nhiều bài báo đăng trên các báo, tạp chí của Trung ương và của tỉnh đề tuyên truyền về thành tựu khoa học kỹ thuật, đồng thời vận dụng những thành tựu đó để triển khai nhiều chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt hiệu quả, được nhiều địa phương khác đến thăm quan, học tập.

Ông đã dùng tiền nhuận bút qua các bài viết được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài tỉnh đã xuất bản 4 cuốn sách và tác phẩm văn học: Vì một nền nông nghiệp sinh thái bền vững, Khoa học công nghệ, môi trường và con người Vĩnh Phúc, Bài ca sinh học, Tuyển chọn những bài báo, thơ văn được các nhà khoa học, quản lý, độc giả ở Trung ương, địa phương đánh giá và nhận xét tốt.

Với những nỗ lực hoạt động Hội và kết quả đóng góp cho hoạt động khoa học, kỹ sư Phạm Huy Thụy đã được Tổng liên đoàn lao động Việt Nam trao tặng 04 Bằng lao động sáng tạo; Được các cơ quan, đoàn thể ở Trung ương trao tặng 04 Huy chương: Huy chương vì sự nghiệp các hội KHKT, Huy chương vì giai cấp nông dân Việt Nam, Huy chương vì sự nghiệp Tuyên giáo Việt Nam, Huy chương vì sự nghiệp nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong hơn 20 năm hoạt động công tác Hội, ông Phạm Huy Thụy đã nhận 24 Bằng khen của các cơ quan Bộ ngành Trung ương, UBND tỉnh và 01 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, ông còn được Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tôn vinh là trí thức khoa học công nghệ tiêu biểu toàn quốc năm 2019 và Huy hiệu của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc có công trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của Vĩnh Phúc trong dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh. Ngày 23/6/2020, Chủ tịch nước đã ký tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba cho ông.

Ông là minh chứng tiêu biểu cho tinh thần “tuổi cao, chí khí càng cao” và tích cực đóng góp hiệu quả cho sự phát triển chung của xã hội, là tấm gương để thế hệ trẻ học tập, noi theo./.

 

 

 

 

    

Lê Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực