Nghệ nhân Phùng Văn Dích từ lâu đã nổi tiếng ở làng Bích Chu của xã An Tường, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Ông nổi tiếng bởi nghề chuyên làm mới và phục chế các đình, chùa, đền, miếu. Nhiều công trình như: Đình làng Bích Chu; Đình Dữu Lâu, thành phố Việt Trì (Phú Thọ); Đền Bà Chúa Mía (Hà Tây); Đình Thổ Tang (Vĩnh Tường); 3 Đình tại khu quần thể môi trường sinh thái huyện Khoái Châu (Hưng Yên) đều do bàn tay tài hoa của ông thực hiện.
Chúng tôi đến thăm ông Dích khi ông đang tất bật cùng đội thợ làm một ngôi nhà cổ. Ông cho biết: hiện ông đang nhận làm 2 ngôi nhà cổ cho khách Hà Nội và phục chế 2 ngôi đình làng nên công việc rát tất bật. Suốt ngày, nay đây mai đó.
Là người làng Bích Chu, một làng mộc nổi tiếng, gia đình lại có truyền thồng làm mộc nên ông Dích theo nghề từ nhỏ. Bố ông là cụ Phùng Văn Dục, được công nhận là nghệ nhân mộc đầu tiên của tỉnh. Năm 12 tuổi ông Dích theo cha vừa học vừa làm thợ phụ. Những ngày đầu ông đã được người cha chỉ bảo cách cầm đục, cầm cưa. Nhờ sự chỉ bảo của cha và say mê công việc, năm 15 tuổi ông đã là một người thợ lành nghề. Lúc này ông đã có thể tự làm ra nhưng sản phẩm mộc tinh xảo như tủ chè, sập, bàn ghế…
Say mê nghề mộc, đặc biệt kiến trúc cổ, năm 2000, ông Dích quyết định tập trung vào làm mới và khôi phục Đình, Đền, Miếu làng. Vạn sự khởi đầu nan và khi ông khôi phục thành công Đình Bích Chu thì danh tiếng của ông bắt đầu được nhiều người biết đến. 10 năm qua ông đã làm mới và phục chế được trên 30 ngôi đình, miếu, đền ở trong và ngoài tỉnh và trên 20 ngôi nhà cổ. Ông cho biết hiện nay có nhiều khách hàng đến đặt ông làm nhà cổ, đình làng nhưng không nhận hết được vì đội ngũ thợ chính của ông chỉ có 30 người và 5 thợ phụ việc. Trung bình một năm ông chỉ dám nhận từ 3-4 công trình mà thôi.
Theo ông để làm được những công trình cổ, kiến trúc độc đáo, tinh xảo người thợ phải thực sự yêu nghề, tập trung cao độ cho công việc. Năm 2009, ông Dích mở một lớp học nghề mộc miễn phí cho hơn 20 cháu trong làng, với mong muốn duy trì và phát triển nghề mộc Bích Chu.
Ông đã được công nhận danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam”.