|
Chị Phượng cùng nhiều người khác đang làm tăng thêm tính hiệu quả của mô hình HTX thời kỳ mới (Ảnh: Internet) |
Sinh ra và lớn lên ở xã Nguyệt Đức (Yên Lạc), tốt nghiệp trung cấp rồi về công tác tại nông trường Tam Đảo, từ công nhân của nông trường, nay chị Nguyễn Thị Phượng là chủ cơ sở HTX thương mại Minh Trang (Gia Khánh, Bình Xuyên) phụ trách hàng trăm lao động, quản lý hàng chục ha đất sản xuất hàng hoá.
Dẫn chúng tôi thăm nơi sản xuất, chị Phượng cho biết: sản xuất kinh doanh trong cơ chế thị trường, những năm đầu gia đình gặp không ít khó khăn về vốn, kinh nghiệm quản lý, chuyên môn còn hạn chế. Tự học hỏi, thử nghiệm sản xuất nay đã xác định tập trung sản xuất 4 ngành nghề chính là chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất mây tre dan và làm hương xuất khẩu. Năm 1999, nông trường Tam Đảo có chủ trương giao đất cho cán bộ công nhân viên làm kinh tế, gia đình chị đã mạnh dạn nhận 3,5ha đất phát triển kinh tế trang trại. Vượt lên khó khăn ban đầu gia đình quyết tâm vay vốn đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn nái sinh sản theo hướng công nghiệp, duy trì từ 35-60 con; và khoảng 200 con lợn thịt, xuất bán từ 60-70 tấn/năm; chăn nuôi gà thả vườn với quy mô 400-500 con/lứa. Thị trường tiêu thụ sản phẩm từ chăn nuôi khá ổn định, tập trung chủ yếu vào các huyện Mê Linh (Hà Nội), Yên Lạc, Vĩnh Tường, còn lại phục vụ bữa ăn hàng ngày cho người lao động tại chỗ. Giá trị thu nhập từ chăn nuôi đạt hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bằng cách vận động các hộ có ruộng và ký hợp đồng với nông trường Tam Đảo, gia đình nhận khoảng 10ha tổ chức sản xuất theo mô hình trồng trọt tập trung với các cây trồng chủ yếu là hành tây, cà chua, bí xanh và một số cây rau màu có giá trị khác. Khắc phục những khó khăn về giống và hệ thống tưới tiêu nước… gia đình bố trí loại cây trồng sản xuất đảm bảo đúng thời vụ, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất chăm lo giúp đỡ người lao động để họ yên tâm sản xuất. Kết quả, thu hút từ 30-50 lao động nhàn rỗi từ các gia đình quanh vùng thường xuyên vào làm thời vụ. Hoa, cây cảnh… là các loại cây trồng được khách hàng trên thị trường tiêu thụ với số lượng lớn, gia đình phấn đấu đến năm 2015 đầu tư mở rộng từ 4-5ha.
Với quyết tâm mở rộng phát triển nghề mới, năm 2009 gia đình tiếp tục duy trì phát triển nghề sản xuất chiếu trúc. Gia đình mở xưởng sản xuất tại huyện Bảo Yên (Lào Cai) để thu mua nguyên liệu là tre, vầu để làm hạt chiếu rồi chuyển về làm chiếu trúc. Tham gia lao động làm chiếu trúc thường xuyên có từ 30-40 người, lương bình quân đạt từ 1,5 - 1,8 triệu đồng/người/tháng. Cũng năm 2009, gia đình đã liên doanh tổ chức sản xuất hương xuất khẩu. Hiện nay thường xuyên số công nhân sản xuất hương có từ 70-80 người, mức lương bình quân từ 2-2,5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ vậy, lợi nhuận thu được mỗi năm một tăng từ 85 triệu đồng (2005) lên 365 triệu đồng (2009).
Sản xuất kinh doanh hiệu quả, gia đình đã tích cực tham gia đóng góp xây dựng các quỹ đền ơn đáp nghĩa, vì người nghèo, khuyến học… ủng hộ xây dựng trường học, các công trình phúc lợi của địa phương hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Năm 2006, gia đình vinh dự được đón Chủ tịch UBND tỉnh về thăm và tặng một bộ giàn máy vi tính. Năm 2008, được Liên minh HTX Việt Nam tỉnh tặng Bằng khen.