Nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động của các Trung tâm BDCT cấp huyện

Thứ bảy, 27/12/2014 15:41

(ĐCSVN) - Hiện nay, 9 Trung tâm bồi dưỡng chính trị (BDCT) cấp huyện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đều hoạt động cơ bản có nề nếp. Hầu hết các Trung tâm được sự quan tâm của cấp uỷ và chính quyền địa phương có mối quan hệ với các phòng, ban, đoàn thể trong huyện, thành, thị khá chặt chẽ.

Hoạt động mở lớp tiến hành theo kế hoạch, chương trình đã xây dựng từ đầu năm nên cơ bản đã chủ động về kinh phí và thời gian. Đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên các Trung tâm đa số đều có trình độ chuyên môn, trình độ lý luận, có ý thức trách nhiệm với công việc, đoàn kết xây dựng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao.

 

 Một trong các hoạt động của Trung tâm BDCT huyện. (Ảnh: Trang tin điện tử huyện Vĩnh Tường)


Tuy nhiên, Trung tâm BDCT các huyện, thành, thị còn gặp khó khăn về kinh phí mở lớp, cơ sở vật chất một số nơi chưa được xây dựng mới hoặc tiến độ chậm, trang thiết bị phục vụ dạy và học thiếu, chưa đồng bộ do đó đã ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng ở các Trung tâm.

Tính đến nay, tổng số cán bộ, giảng viên của Trung tâm BDCT các huyện, thành, thị là 40 đồng chí, trong đó có 28 đồng chí là giảng viên; 8/9 trung tâm có trụ sở riêng. Từ khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 38- KL/TU, ngày 12/9/2013 của về “Nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm BDCT cấp huyện” và Quyết định số 1937- QĐ/TU, ngày 9/5/2014 kèm theo Quy định công nhận Trung tâm BDCT đạt chuẩn cấp tỉnh hoạt động của các trung tâm có nhiều chuyển biến tích cực.

Việc xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình các Trung tâm cơ bản đã bám sát Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Trung tâm đều được giảng viên thực hiện đúng theo kế hoạch đã được duyệt từ đầu năm, ngoài ra do yêu cầu cấp uỷ Trung tâm đã phối hợp với các phòng, ban, ngành, Trường Chính trị tỉnh mở thêm các lớp bồi dưỡng khác.

Việc mở lớp được các Trung tâm triển khai bám sát kế hoạch. Lãnh đạo các Trung tâm phân công giảng viên chuyên trách, giảng viên kiêm chức thực hiện đúng quy trình giảng dạy từ nghiên cứu tài liệu, soạn giáo án và lên lớp. Tổ chức, quản lý lớp được lãnh đạo các Trung tâm được chú trọng từ việc phân công giáo viên chủ nhiệm, thông qua nội quy, quy chế của Trung tâm, bầu ban cán sự lớp, điểm danh hàng ngày, kết thúc khoá học có nhận xét, đánh giá của giáo viên chủ nhiệm.

Năm 2014, các Trung tâm đã mở mở được 214 lớp với 28.013 học viên, đạt 110% kế hoạch năm (214/194 lớp), tăng 29 lớp so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó Trung tâm BDCT Vĩnh Tường mở được 23 lớp với 3.202 học viên; Yên Lạc 25 lớp với 3.004 học viên; Lập Thạch 19 lớp với 2.067 học viên; Sông Lô 16 lớp với 1.888 học viên; Tam Dương 28 lớp với 3.758 học viên; Tam Đảo 20 lớp với 2.013 học viên; Vĩnh Yên mở 37 lớp với 4.965 học viên; Bình Xuyên 22 lớp với 3.094 học viên và Phúc Yên 24 lớp với 4.022 học viên.

Ngoài ra, theo yêu cầu cấp uỷ, các Trung tâm BDCT phối hợp, liên kết mở và quản lý 36 lớp- 5.236 học viên. Trung tâm Lập Thạch, Phúc Yên đạt 100% kế hoạch, 7 trung tâm còn lại vượt kế hoạch đề ra, trong đó vượt cao nhất là trung tâm Sông Lô 133% kế hoạch.

Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tại các Trung tâm đã được nâng lên, tỷ lệ chiêu sinh đạt 98%. Đối với các chương trình bồi dưỡng cơ bản như lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng, lớp bồi dưỡng Đảng viên mới các Trung tâm đều tổ chức thi, kiểm tra nhận thức của học viên; qua kiểm tra, đánh giá, xếp loại, các lớp đào tạo, bồi dưỡng cơ bản đạt yêu cầu, tỷ lệ khá, giỏi trung bình 87%. Các chương trình bồi dưỡng khác sau khi kết thúc lớp học có đánh giá, nhận xét tinh thần, thái độ học tập của học viên.

Việc thực hiện giáo án, hồ sơ sổ sách được các trung tâm đã thực hiện cơ bản đầy đủ các loại hồ sơ theo mẫu của Tuyên giáo Tỉnh ủy như giáo án, sổ đầu bài, sổ gọi tên và ghi điểm, sổ cấp phát bằng tốt nghiệp và giấy chứng nhận (thực hiện tốt là trung tâm Bình Xuyên, Tam Dương).

Một số trung tâm không ngừng cải tiến phương pháp giảng dạy khoa học, hiệu quả như sử dụng các phương tiện hiện đại, thay đổi hình thức ra đề thi, phô tô tài liệu cho học viên, thay đổi hình thức tổ chức trao giấy chứng nhận, tổ chức cho học viên đi thăm quan các di tích lịch sử…như Trung tâm Phúc Yên, Tam Dương.

Việc đăng ký Trung tâm đạt chuẩn, theo Quyết định số 1937- QĐ/TU, ngày 9/5/2014 kèm theo Quy định công nhận Trung tâm BDCT đạt chuẩn cấp tỉnh, đến nay, đã có 6/9 huyện đã xây dựng kế hoạch đăng ký thời gian đạt chuẩn trung tâm, còn thị ủy Phúc Yên, huyện ủy Bình Xuyên, huyện ủy Yên Lạc chưa đăng ký.

Nhìn chung, công tác giáo dục lý luận chính trị năm 2014 đạt được những kết quả quan trọng. Đội ngũ lãnh đạo cơ bản đã được kiện toàn đủ, trình độ giảng viên các Trung tâm đều được nâng lên, hoạt động sinh hoạt chuyên môn ở nhiều nơi được duy trì thường xuyên.

Năm 2015, các Trung tâm BDCT cấp huyện và Ban Tuyên giáo các Đảng uỷ trực thuộc tiếp tục bám sát quy định, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ để thực hiện tốt kế hoạch đào tạo năm 2015 đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Tiếp tục tăng cường hơn nữa việc triển khai, thực hiện Kết luận số 38 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyết định số 1937- QĐ/TU, ngày 9/5/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Quy định công nhận Trung tâm bồi dưỡng chính trị đạt chuẩn cấp tỉnh” phấn đấu đạt chuẩn theo kế hoạch đã đăng ký. Lãnh đạo Trung tâm tiếp tục chỉ đạo đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, công tác tổ chức, quản lý hoạt động của Trung tâm. Một số Trung tâm thiếu giảng viên đề nghị lãnh đạo Trung tâm tích cực, chủ động tham mưu cấp ủy huyện bổ sung biên chế là giảng viên đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu chuẩn Trung tâm. Tích cực tham mưu đảm bảo đủ nguồn kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị tại trung tâm. Thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra, tự kiểm tra, tự đánh giá hoạt động chuyên môn nhằm không ngừng nâng cao chất lượng bồi dưỡng tại Trung tâm./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực