Nhìn lại 10 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm

Thứ sáu, 08/10/2021 18:16
(ĐCSVN) - Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW và các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

Ngay sau khi Ban Bí thư (khóa XI) ban hành Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 30-KH/TU ngày 19/3/2012 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW và Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 03/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã xây dựng kế hoạch triển khai học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện chỉ thị Chỉ thị số 08-CT/TW tới đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp tỉnh. Sau hội nghị của tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; các huyện ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc và các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch quán triệt học tập Chỉ thị 08-CT/TW đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân trong tỉnh.

Thống nhất trong toàn hệ thống tỉnh khi thực hiện Chỉ thị trên địa bàn

 Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm (Ảnh: PV)

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp tục Nhận thức rõ bảo đảm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) gắn với bảo vệ sức khỏe Nhân dân là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, vừa cấp bách, vừa lâu dài; các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác ATTP, tổ chức triển khai quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW và Kết luận số 11-KL/TW với Kế hoạch số 30-KH/TU và Chỉ thị số 18-CT/TU của Tỉnh uỷ, đưa chỉ tiêu, nhiệm vụ đảm bảo công tác ATTP vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và lồng ghép các hoạt động ATTP vào các chương trình, kế hoạch của ngành, địa phương hàng năm để tổ chức triển khai thực hiện. Ý thức chấp hành các quy định của pháp luật, hiểu biết của người quản lý, người tiêu dùng và các đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và người tiêu dùng về ATTP chuyển biến theo chiều hướng tích cực, cụ thể: Tỷ lệ người quản lý, lãnh đạo hiểu và thực hành đúng về ATTP từ 80% năm 2011, tăng lên 100% năm 2021; người sản xuất, kinh doanh thực phẩm từ 75% lên 85,1%; người tiêu dùng từ dưới 60% lên 85,8%.

Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, có sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng liên quan như: Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương, Công an, Khoa học công nghệ và các tổ chức Hội... Việc thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố được phân cấp rõ cho từng ngành, từng cấp, hạn chế sự chồng chéo trong thực hiện; tăng cường vào các đợt cao điểm trong năm như: Tết Nguyên đán - Lễ hội Xuân; Tháng hành động vì chất lượng ATTP; Tết Trung thu…

Công tác giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm được tăng cường triển khai thực hiện. Từ năm 2007 đến năm 2020, tổng số mẫu nông sản, thực phẩm được lấy là 66.620, gồm: Rau, củ quả; thịt lợn, thịt gà; giò chả; cá; trứng gà; sữa bò tươi; măng ngâm và chè giám sát các chỉ tiêu chất lượng, an toàn thực phẩm. Giai đoạn 2007-2011, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 50 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) với 840 người mắc, tỷ lệ NĐTP/100.000 dân bình quân là 15,2; giai đoạn 2016-2021, xảy ra 7 vụ NĐTP với 310 người mắc, tỷ lệ NĐTP/100.000 dân bình quân là 5,3. Đặc biệt trong 02 năm 2019, 2020 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm nào. Qua kết quả giám sát ATTP, ngộ độc thực phẩm từng giai đoạn cho thấy tỷ lệ các mẫu sản phẩm đảm bảo quy định về ATTP đều tăng, số mẫu không đảm bảo quy định giảm đáng kể; từ năm 2017 đến nay đã không còn phát hiện chất cấm trong các mẫu nông sản được giám sát. Từ kết quả trên cho thấy việc thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư đã đem lại nhiều kết quả tích cực về ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc đảm bảo chất lượng ATTP. Chất lượng nông sản, thực phẩm của tỉnh cơ bản đã được kiểm soát, cải thiện, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.

Nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật các tiêu chuẩn, quy chuẩn về ATTP, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản, quyết định phân cấp quản lý đối với cơ sở trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2011 đến năm 2020, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành 07 Nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ về ATTP. Từ các cơ chế, chính sách trên đã góp phần thúc đẩy, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển, cung ứng ra thị trường khối lượng nông sản lớn, từng bước đáp ứng nhu cầu về thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2016-2020, thực hiện chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong nông nghiệp, thuỷ sản, Sở Nông nghiệp & PTNT đã thực hiện hỗ trợ chứng nhận áp dụng quy trình VietGAP cho 149 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản. Việc áp dụng quy trình VietGAP trong nông nghiệp, thuỷ sản đã đem lại hiệu quả tích cực cho sản xuất nông nghiệp, tạo ra nông sản an toàn, chất lượng ổn định, được kiểm soát chặt chẽ trong suốt quá trình sản xuất, tiêu thụ từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản được sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết vượt mục tiêu năm 2020 (mục tiêu năm 2020 là 10%), cụ thể: Năm 2017 đạt 7,81%, năm 2018 đạt 8,89%, năm 2019 đạt 10,17% và năm 2020 đạt 13,22%.

Việc đầu tư kinh phí, công tác xã hội hóa, xây dựng các mô hình mới, hiệu quả bảo đảm ATTP; tổng kinh phí thực hiện trong giai đoạn 2010-2020: 26,704 tỷ đồng trong đó: Nguồn kinh phí chương trình mục tiêu Quốc gia do Trung ương bổ sung: 15.358 tỷ đồng. Nguồn ngân sách tỉnh bổ sung cho các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh: 11.346 tỷ đồng.

Hội nông dân tỉnh: Đã xây dựng mô hình nhóm "liên kết" các hộ gia đình sản xuất ATTP. Ngành Công thương: Giai đoạn 2017- 2020 đã tổ chức triển khai xây dựng một mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP tại Chợ Vĩnh Yên bước đầu làm cơ sở để từng bước hoàn thiện và nhân rộng mô hình đối với các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh. Ngành Y tế: Ngành đã tham mưu và tổ chức thực hiện 28 mô hình điểm về bếp ăn tập thể tại các trường học đảm bảo ATTP và mô hình Nhà hàng ăn uống trên địa bàn tỉnh. Kết quả triển khai các mô hình kiểm soát ATTP nhằm phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm, góp phần đảm bảo ATVSTP, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho học sinh tại trường học trên địa bàn tỉnh...

Khắc phục hạn chế, phát huy hiệu quả, tiếp tục đảm bảo hiệu lực Chỉ thị

Bên cạnh những kết quả đạt được công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy và chính quyền một số nơi còn chưa sâu sát; việc quán triệt thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW, các chủ trương của Đảng và các văn bản pháp luật của Nhà nước về công tác VSATTP chưa thường xuyên. Công tác phối hợp liên ngành của một số ngành về ATTP có việc còn chưa chặt chẽ, thống nhất. Hoạt động quản lý ATTP ở một số xã, phường còn bất cập; đặc biệt là quản lý sử dụng hoá chất bị cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm ở các đối tượng sản xuất nhỏ lẻ, kinh doanh thức ăn đường phố và an toàn thực phẩm tại các chợ, vệ sinh thú y trong giết mổ; vẫn còn hiện tượng chưa thực hiện tốt việc kiểm soát, ngăn chặn triệt để các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, trôi nổi, không đảm bảo an toàn...

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác an toàn thực phẩm trong thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 08-CT/TW và Kết luận số 11-KL/TW của Ban Bí thư gắn với Kế hoạch số 30-KH/TU và Chỉ thị số 18-CT/TU của Tỉnh ủy. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm ATTP, coi đây là một trong những nội dung quan trọng, đưa các tiêu chí về ATTP vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, phổ biến pháp luật, kiến thức khoa học về ATTP, nâng cao đạo đức, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với sức khỏe cộng đồng; chú trọng kiện toàn, ổn định bộ máy làm công tác ATTP từ tuyến tỉnh tới cơ sở. Đảm bảo kinh phí và các phương tiện, trang thiết bị điều kiện cho công tác quản lý nhà nước về ATTP; đẩy mạnh hoạt động sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP với các đơn vị liên quan, đặc biệt là sự phối hợp giữa các ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương. Hằng năm tổ chức, triển khai có chất lượng “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”; tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan có thẩm quyền; ngăn chặn và kiểm soát chặt chẽ hàng thực phẩm nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Kịp thời thông tin, đăng tải trên các phương tiện truyền thông kết quả thanh tra, kiểm tra; nêu gương người tốt việc tốt, biểu dương các cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành tốt các quy định của pháp luật; phê phán, nêu tên các tổ chức, các nhân  sản xuất, kinh doanh có thực phẩm không an toàn, vi phạm các quy định của pháp luật; động viên, khuyến khích người dân tố giác các hành vi vi phạm./.

Nguyễn Thị Duyên - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực