(ĐCSVN) – Ý thức được sâu sắc về vai trò, vị trí của công tác Khoa giáo, trong thời gian qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã tích cực, chủ động tham mưu giúp cấp ủy ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về lĩnh vực khoa giáo, là tiền đề để triển khai các nhiệm vụ về khoa giáo đạt hiệu quả trong những năm qua.
Công tác triển khai các văn bản về lĩnh vực khoa giáo luôn được coi trọng; sau khi có chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về lĩnh vực khoa giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ động hướng dẫn các địa phương, các ngành có liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện và tổ chức tuyên truyền, học tập, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua đó, nâng cao ý thức, thái độ và hành vi của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò của công tác khoa giáo đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ sở.
|
Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác khoa giáo năm 2015 (Ảnh: BTGVP) |
Việc theo dõi, hướng dẫn và kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về lĩnh vực khoa giáo trong những năm qua đã được chú trọng tăng cường; hằng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đều xây dựng chương trình phối hợp công tác với các ngành trong khối khoa giáo; tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát tình hình triển thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về lĩnh vực khoa giáo. Nhờ tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, hướng mạnh về cơ sở mà hoạt động công tác khoa giáo ngày càng đạt hiệu quả thiết thực, nhằm đưa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.
Đặc biệt, trong tổ chức triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về lĩnh vực khoa giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chú trọng việc sơ kết, tổng kết, đó là khâu quan trọng, không thể thiếu trong quá trình cụ thể hoá các chỉ thị, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống và qua việc sơ kết, tổng kết nhằm rút ra những kinh nghiệm thực tiễn để đề ra chủ trương, giải pháp triển khai nhiệm vụ về khoa giáo của Đảng cả về phương diện lý luận và thực tiễn ở địa phương được tốt hơn trong thời gian tới. Vì vậy, hầu hết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác khoa giáo ban hành sau 3 đến 5 năm đều được tiến hành sơ kết, sau 10 năm tiến hành tổng kết.
Trong những năm gần đây, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu với Tỉnh ủy tổ chức sơ, tổng kết nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng trên các lĩnh vực công tác khoa giáo như: Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 4/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ “về đẩy mạnh công tác khuyến học, phát triển các Trung tâm học tập cộng đồng, hướng tới xây dựng một xã hội học tập”; 10 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, của Bộ Chính trị “về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”; 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, của Ban Bí thư “về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”; 10 năm thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW, của Bộ Chính trị “về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới”; Nghị quyết số 47-NQ/TW, của Bộ Chính trị “về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách Dân số - Kế hoạch hoá gia đình”; 10 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, của Ban Bí thư “về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; 10 năm Chỉ thị số 54-CT/TW, của Ban Bí thư “về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới”; 10 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, của Ban Bí thư “về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”…
Các lĩnh vực thuộc khối Khoa giáo trong tỉnh đã bám sát vào mục tiêu, nhiệm vụ của các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, công tác tham mưu trên từng lĩnh vực Khoa giáo ngày càng hiệu quả như: Sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh tiếp tục được đầu tư theo hướng tập trung, quy mô chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có những chuyển biến tích cực, thực chất ở các cấp học, bậc học, đầu tư cơ ở vật chất được tăng lên, nhiều năm liền giữ vị trí tốp dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục, học sinh giỏi. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, DS-KHHGĐ, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống dịch bệnh được tỉnh quan tâm chỉ đạo, mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, phát triển. Hoạt động khoa học công nghệ của tỉnh, thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành nghề phục vụ sản xuất theo hướng CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực; việc đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và giá trị kinh tế cao, áp dụng các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào trong sản xuất. Công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh trong những năm qua được các ngành chức năng tiếp tục quan tâm, chỉ đạo. Văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông có bước phát triển mới. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động được chú trọng; từ năm 2008, mỗi năm toàn tỉnh giải quyết việc làm được trên 20 ngàn lao động. Công tác giảm nghèo được thực hiện lồng ghép với nhiều chương trình phát triển kinh tế-xã hội; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18,04 xuống còn 7%, bình quân giảm 2,2%/năm ; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, nâng cao. Công tác xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức Liên hiệp hội được duy trì, phát huy được vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của địa phương…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khoa giáo vẫn còn một số hạn chế, bất cập: Công tác tham mưu và phối hợp với các ngành trong khối Khoa giáo trong việc giúp cấp uỷ triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh uỷ về công tác khoa giáo chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Công tác phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với các ngành trong khối trong việc trao đổi, cập nhật thông tin, báo cáo, việc phối hợp giải quyết các vấn đề nổi cộm theo phản ánh của dư luận xã hội có lúc, có việc còn chưa kịp thời.
Từ thực tiễn công tác, trong thời gian tới muốn thực hiện tốt và đạt hiệu quả cao hơn nữa trong trong công tác Khoa giáo, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ cơ bản: tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực khoa giáo; thường xuyên cập nhật thông tin, nắm chắc tình hình thực tiễn để tham mưu đúng, trúng và kịp thời; Tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy chế, tăng cường phối hợp công tác giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với các sở, ngành trong khối Khoa giáo trong việc tham mưu cấp uỷ tổ chức thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh uỷ về lĩnh vực khoa giáo và triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình công tác đã đề ra. Nắm bắt và định hướng kịp thời tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên các ngành trong khối khoa giáo, đội ngũ trí thức. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác khoa giáo; nắm bắt, phản ánh kịp thời DLXH, các vấn đề mới nảy sinh đối với các lĩnh vực khoa giáo để báo cáo, tham mưu cấp ủy có sự lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết kịp thời…
Với những kết quả đạt được, công tác khoa giáo của Đảng đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ, chính quyền, thúc đẩy các mặt kinh tế - xã hội địa phương phát triển; đã và đang ngày càng khẳng định vị thế và những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp CNH, HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng ta hiện nay./.