Những lần gặp Bác

Thứ tư, 19/05/2010 12:48

 

Ông Tô Kế bên những tấm huân, huy chương được tặng thưởng

Chúng tôi về Vĩnh Tường - mảnh đất này có những con người bình dị nhưng thân phận đặc biệt. Tôi muốn nói về ông Tô Kế (bí danh Tô Vĩnh Bảo), thôn Bình Trù, xã Cao Đại, một đảng viên 62 năm tuổi Đảng, cựu chiến binh, đã có ba lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hạnh ngộ ấy, vinh dự ấy hiếm ai có được trong đời.

Ngôi nhà đơn sơ trong ngõ hẹp mở rộng cửa cùng nụ cười niềm nở của chủ nhà. Trong trang phục bộ đội, người lính già trán hói, da mồi, móm mém kể về đời lính của mình….

Viết đơn tình nguyện đi bộ đội mấy lần, rồi ông cũng được tuyển vào Bộ Tư lệnh pháo binh (Trung đoàn 675 đóng quân tại Phú Thọ và Tuyên Quang) tháng 3/1949. Đời ông , cả khi xuất ngũ về hưu vẫn là đời lính, bằng những kỷ niệm vô giá với Bác Hồ. Nghe ông kể về chiến dịch biên giới Thu đông 1950 , tôi thấy đôi mắt ông sáng lên như đang chiếu lại hồi ức - cuốn phim đẹp nhất của đời mình. Nhìn ông, tôi hình dung anh lính Tô Kế 23 tuổi ngày ấy. Nửa thế kỷ đã qua như tái hiện … Tôi nhớ tới bức ảnh (Bác Hồ ở mặt trận Đông Khê của nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An). Nghệ sĩ nhiếp ảnh này đã được chụp ảnh Bác Hồ trong lễ Tuyên ngôn độc lập mồng 2/9/1945, rồi được phân công chụp ảnh Bác trên các ngả đường chiến dịch. Ký ức của ông Kế được lưu trong tâm tưởng ông, luôn hiện lên những tấm ảnh sống động, vào bất cứ khi nào khi ông nhớ đến Bác. Thế hệ 8X chúng tôi hình dung về lịch sử nửa thế kỷ trước qua sự đồng hiện của ký ức và tác phẩm của Vũ Năng An. Bác mặc quần áo bộ đội, khăn mặt trùm đầu, phía trên là mũ cứng rộng vành, tay phải chống lên đầu gối chụp góc chếch từ dưới hất lên. Đó là hình ảnh Đông Khê. Tô Vĩnh Bảo cũng đã “chụp” những bức ảnh Bác bằng lòng yêu mến, ngưỡng mộ của người lính với lãnh tụ, của đứa con với Cha, của một chàng trai trẻ với một tầm vóc vĩ đại đáng ngưỡng mộ. Anh nhìn thấy Bác thực sự đồng cam cộng khổ với những người lính xanh gầy, dép cao su, quần áo vải, vô cùng thiếu thốn. Nhưng, khác với những người được làm việc và gần gũi bác, anh lính pháo binh gặp may do tình cờ. Cứ như một phép mầu, như một ân thưởng qua bao gian khổ trên đường hành quân đầy nguy hiểm, thiếu thốn. Bác như một người lính và thực sự đã là người lính khi chiến đấu tận lực cả đời mình cho lý tưởng và đây, Bác tuổi 60 cũng chống gậy hành quân, bất chợt nhận ra Người, toán lính trẻ háo hức, anh nọ muốn vượt trước anh kia để tiến gần về phía Bác, những bước chân náo nức, những nhịp tim dồn dập, lá ngụy trang soàn soạt lá rừng, mồ hôi đua rơi. Trong khi đó, chuyến công tác của Bác lại bí mật, không có lịch gặp bộ đội. Những người bảo vệ Bác biết được tâm tư ấy. Và Bác thì lúc nào cũng thương bộ đội. Người dừng lại giữa rừng, bộ đội vây quanh, tim dồn dập mà chỉ muốn thời gian ngừng lại. Họ căng các giác quan thu trọn mọi cử chỉ, động thái, ánh mắt, tiếng nói của Bác. Giọng ông Kế trở lên bồi hồi, tiếc nuối, bùi ngùi như thấy lại tuổi trẻ của mình. “Lúc ấy Bác như ông Bụt hiện lên, tiếp cho chúng tôi sức mạnh, ý chí, lòng quyết tâm và quả cảm đến giờ tôi vẫn nhớ như in lời Bác dặn: “Các chú trên đường hành quân chiến đấu phải chuẩn bị rất chu đáo hành trang cũng như tinh thần, tư tưởng, giữ bí mật. Mong các chú hoàn thành nhiệm vụ, chiến đấu gan dạ và thắng lợi”. Rồi đoàn quân đi…

Lần thứ hai gặp Bác, chàng lính trẻ Tô Vĩnh Bảo đã theo đơn vị tiếp quản ở thủ đô sau ngày giải phóng. Sân bay Bạch Mai - căn cứ không quân trọng yếu của Hà Nội và Miền Bắc. Lúc này sau hân hoan của “năm cửa ô đón chào đoàn quân tiến về” (Văn Cao) và “trên môi Người cười, ngày về chiến thắng” (Nguyễn Đình Thi), Bác lúc này vẫn luôn sâu sát đời sống nhân dân, số phận những người lính. Chọn điểm đến là sân bay Bạch Mai, Bác hòa mình vào những người lính bằng sự yêu thương, đồng cảm. Các đơn vị tập trung nghe Bác nói chuyện từ sớm, mong mỏi, khát khao. Kia rồi! Bác xuất hiện, dáng mảnh khảnh, giản dị, tóc bạc, râu dài, mắt sáng trong bộ kaki có túi, Bác thân mật, ân cần dặn dò: “Về tiếp quản Hà Nội, các chú phải hết sức cảnh giác và chấp hành kỷ luật, phải tuyên truyền giáo dục cho nhân dân hiểu chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ để nhân dân tin tưởng, yên ổn làm ăn”. Không có lãnh tụ nào lại dùng đại từ nhân xưng “Bác - các chú”, “Bác với nhân dân” và được nhân dân các thế hệ gọi là Bác đầy trìu mến và tôn kính. Đúng như lời hát “Nghĩ về Bác lòng ta trong sáng hơn”, ý nghĩ cùng nỗi nhớ thành hành trang tinh thần của Tô Vĩnh Bảo. Hòa bình rồi nhưng chưa có ấm no. Lời dặn của Bác động viên, tiếp thêm nghị lực cho nhân dân, cho những người lính vượt qua những nhọc nhằn để kiên cường, can trường cùng vận mệnh lịch sử của dân tộc trong thời kỳ xây dựng miền Bắc.

Năm 1956 làm sao quên… cuộc gặp lần ba với lãnh tụ. Tô Vĩnh Bảo là trưởng ban bảo mật của Đại đoàn 351- Đại đoàn pháo binh và Tỉnh ủy Sơn Tây. Muốn gần Bác lắm, muốn chạm vào con người thần thánh ấy dù chỉ một lần để biết sự kỳ biệt của một vĩ nhân cùng máu đỏ da vàng. Xong, hàng ghế đầu phải dành cho phụ nữ. Thời kỳ ấy, cải cách ruộng đất gây ra nhiều sai lầm, Đảng và Chính phủ phải sửa chữa không hết những hậu quả. Tổng Bí thư Trường Chinh đã nhận lỗi. Bác đã khóc và xin lỗi nhân dân (phim tài liệu) trong nửa giờ, Bác nói về bối cảnh đất nước đang quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bao tàn dư thời kỳ phong kiến, những vết thương chiến tranh vẫn đè nặng, đeo đẳng… Nhân dân xứ Đoài nghe tin Bác Hồ về, ùn ùn kéo đến. Người ta ước ao được nhìn thấy Người dù chỉ một lần, dẫu từ xa, dẫu một thoáng thôi cũng thỏa ước mộng. Nhưng Bác đã rời Sơn Tây lặng lẽ vì công việc bộn bề, thời gian eo hẹp.

Trải qua hai cuộc chiến tranh, trung tá Tô Vĩnh Bảo, pháo thủ số 1 luôn chiến đấu dũng cảm, tận tụy ở trong mọi hoàn cảnh. Năm 1982, về hưu ông mới thực sự làm nghĩa vụ chồng - cha trọn vẹn. Những năm tháng đẹp nhất của đời mình, những năm tuổi trẻ, ông đã cống hiến cho quân đội. Người vợ tảo tần của ông một mình nuôi dạy 6 đứa con. Bàn tay pháo thủ tuổi 65 lại vỡ đất, khai hoang, lo toan sinh kế. Ông cống hiến 33 năm cho quân đội bằng sự trung thành, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhưng ông không có được hạnh phúc trọn đời trong gia đình mà chỉ có 4 năm ngắn ngủi với người vợ đảm những ngày hưu trí. Chưa được trực tiếp trò chuyện với Bác nhưng ba lần được gặp Bác, lắng nghe những chỉ bảo của Bác, ông Tô Kế coi những lời Bác như tôn chỉ, hành động. Ông vẫn là một người lính trong thời bình, vượt lên hoàn cảnh gà trống nuôi con, tích cực tham gia công tác trên nhiều cương vị trong sự tín nhiệm của bà con: nào làm quản trang, trưởng ban phụ lão bảo thọ, Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch hội CCB xã, phó chủ tịch Hội chữ thập đỏ và MTTQ xã, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã.

Giờ đây, ông đã thực sự là một ông lão vui tuổi già, không làm nhiệm vụ chính quyền, chỉ làm cha, ông, cụ của bầy con cháu xum vầy. Bây giờ ông đã có thể thảnh thơi để nghĩ về cuộc đời thăng trầm mà không kém phần vinh quang của mình. Gia sản của ông là những kỷ vật vô giá, những huân chương, huy chương, huy hiệu, bằng khen dày đặc tấm khung treo trân trọng trên bức tường phòng khách. Mỗi tấm huân, huy chương ấy là máu thịt, ký ức của cuộc đời đầy náo động trong cơn bão cuốn của chiến tranh. Ngày ngày cụ Kế xem ti vi, xem báo quây quần với con cháu. Ông tự hào về đời lính của mình và niềm kiêu hãnh không dấu che của ông không phải chỉ là la liệt trên bức tường vôi xanh thời gian mà dòng ký ức lấp lánh mãi luôn chiếu dọi và tỏa sáng tâm hồn ông, cuộc đời ông : ba lần gặp Bác Hồ!

Trong buổi chiều trung tuần tháng 5 này, ngồi bên ông trước thềm nhà rồi nhìn ông lúi húi chăm cây hoa giấy tím, tôi thấy lòng thanh thản lạ kỳ . Lại sắp đến sinh nhật Bác, những người tài năng lớn và vĩ đại không chết bao giờ. Người chết chỉ thực sự chết khi không được sống trong lòng người sống. Bác đã từ trần 41 năm nhưng hình ảnh, cuộc sống của Bác vẫn hiện trên trần gian, trong cuộc sống này bởi ký ức truyền qua các thế hệ, bởi những con người bình dị như ông Tô Kế, phẩm chất người lính, phát huy truyền thống anh bộ đội cụ Hồ đã khiến ông và những người như ông sống một cuộc đời đẹp, theo tấm gương của Bác để thành tấm gương cho con cháu và những người xung quanh.

Lịch sử Việt Nam là lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm. Trên cơ thể Việt Nam vẫn còn đâu đó những vết thương, những vết sẹo của những cuộc chiến nhưng những người như ông Tô Kế - Tô Vĩnh Bảo đã khiến chúng ta yêu thêm, trân trọng thêm đất nước mình. Và lòng lại rộn lên lời hát “Niềm tin sắt son, chấp cánh cho con, vượt chông gai trên những chặng đường, lời của Bác dắt con đi, tới tầm mơ ước lớn…”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực