Không cam chịu đói nghèo, cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Bình Xuyên đã vượt khó, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của mình, thực sự là những điển hình trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Trần Văn Ký ở thôn Xuôi Ngành, xã Tam Hợp (Bình Xuyên) trở về địa phương, lập gia đình, làm nhiều việc, nhiều nghề nhưng kinh tế chỉ đủ tiêu trong gia đình. Đến năm 2005 được sự quan tâm của chính quyền xã giao cho anh đấu thầu 1ha ao đầm thả cá. Những năm đầu lợi nhuận thấp, anh Ký quyết định vay vốn Ngân hàng NN&PTNT huyện đầu tư phát triển mô hình trang trại. Với diện tích trên anh chia làm 3 ao đào sâu đắp bờ to. Trên bờ anh xây 400m2 chuồng trại nuôi 300 gà đẻ trứng thương phẩm và 300 vịt đẻ. Anh chuyển đổi dồn ghép và mua thêm 1.800m2 đất nông nghiệp để trồng cây cảnh. Năm 2009 trang trại bắt đầu cho thu lợi nhuận 80 triệu đồng/năm. Năm 2010, anh Ký lại chuyển hướng từ nuôi cá thương phẩm sang cá đặc sản như trắm đen, cá nheo theo hướng bán công nghiệp lợi nhuận tăng lên rõ rệt. Để có thêm kiến thức sản xuất, anh Ký đã tham khảo các tài liệu, sách báo nói về kỹ thuật chăn nuôi, học hỏi kinh nghiệm các trang trại bạn, đồng thời tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, môi trường, phòng trừ dịch bệnh, áp dụng đúng khoa học kỹ thuật. Cần cù chịu khó, tích dũy dần trong làm ăn, hiện nay anh đã có một trang trại khép kín, với trên 2.000 gà đẻ trứng thương phẩm, 300 vịt đẻ và hàng trăm cây cảnh trên bờ, dưới ao thả cá. Dự kiến năm 2011 cho thu lãi khoảng 120 triệu đồng. Không những thế, anh còn xây được nhà cửa khang trang, đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Anh Ký tâm sự: “Trước đây, nhìn cảnh vợ con sống vất vả, túng bấn, tôi thấy rất buồn lòng. Ước mơ về cuộc sống sung túc là động lực thúc đẩy tôi ngày đêm chăm chỉ làm ăn và giờ đây điều đó đã trở thành hiện thực. Tôi thấy làm giàu không khó, chỉ cần có ước mơ và nghị lực thì sẽ thành công”.
Gia đình anh Kim Quý Dương ở xã Hương Sơn cũng bắt đầu khởi nghiệp từ việc làm kinh tế trang trại. Thời gian đầu chưa có vốn và kinh nghiệm cộng với giá cả bấp bênh nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Không chịu khuất phục trước hoàn cảnh, anh Dương đã vất vả vật lộn với sỏi đá trên đồi đất trung du cằn cỗi để làm chủ của 3 trang trại với tổng diện tích 5,8ha. Về trại chăn nuôi gia đình anh có khoảng 1.000m2 chuồng trại để chăn nuôi động vật hoang dã như: nhím, dúi sinh sản, ba ba sinh sản, trăn đẻ cộng với chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, bò sinh sản, gà thả đồi. Về cây trồng anh đầu tư trồng 800 cây xoài Đài Loan, 1.200 gốc măng Bát Độ, 3.000 gốc cây trầm hương…Hàng năm ngoài thu nhập từ những vật nuôi, cây trồng trên gia đình anh Dương còn tạo nguồn cây giống như xoài, măng giống cấp đi các tỉnh Đăclăk, Kontum, Lâm Đồng, Buôn Mê Thuột, Nghệ Tĩnh, Bắc Ninh, Bắc Giang và các vùng phụ cận của tỉnh nhà. Với việc làm kinh tế trên doanh thu hàng năm của gia đình anh đều tăng lên. Cụ thể năm 2006 đạt 300 triệu đồng, năm 2007 đạt 520 triệu đồng, năm 2008 đạt 800 triệu đồng, năm 2009 đạt 1,2 tỷ đồng; năm 2010 đạt 1,6 tỷ đồng; Dự kiến năm 2011 đạt 2 tỷ đồng. Anh Dương cho biết: “Nhờ mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm mà giờ đây cuộc sống của gia đình tôi không còn chật vật như trước. Tôi đã có thể đứng vững và có điều kiện để đầu tư mở rộng quy mô, ngày càng phát triển hơn việc làm ăn”.
Cũng từ khó khăn, nhưng với bản tính cần cù, chịu khó làm ăn nên gia đình anh Nguyễn Văn Vĩnh ở thôn Lương Câu, xã Sơn Lôi đã nhanh chóng tạo dựng cho mình một cơ ngơi khá vững. Ban đầu, anh nhận thầu khu gò đồi cằn cỗi bỏ hoang của địa phương để cải tạo làm vườn đồi trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ và phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm. Cuối năm 2009 được nhà nước cho vay vốn anh đã mạnh dạn chuyển sang sản xuất gạch xây dựng phục vụ nhân dân. Trải qua những khó khăn cực nhọc vất vả ban đầu do thiếu kinh nghiệm, yếu về kỹ thuật xong không nản chí quyết tâm vượt lên. 10 năm gần đây anh Vĩnh luôn tập trung đầu tư sản xuất gạch xây dựng với công suất trên 200 vạn viên/năm. Ngoài ra thu từ vườn đồi cộng với chăn nuôi gia súc gia cầm và cá khoảng 150 triệu đồng. Tổng thu nhập đạt 500 triệu đồng/năm. Trừ chi phí và công lao động thu lãi 100 triệu đồng/năm. Hiện nay gia đình anh đang sử dụng 20 lao động tại địa phương, với mức tiền công cho mỗi lao động từ 1,5-2 triệu đồng/người/tháng. Anh Nguyễn Văn Vĩnh cho biết: "Trong phát triển kinh tế trang trại, ngoài nỗ lực của gia đình, vai trò của Hội Nông dân rất quan trọng nhằm động viên, hỗ trợ cho chúng tôi vươn lên làm giàu .Tôi thấy rằng Hội Nông dân huyện Bình Xuyên đã làm rất tốt điều đó. Nông dân chúng tôi rất phấn khởi và quyết tâm gắn bó với tổ chức hội của mình, vươn lên làm ăn có hiệu quả hơn nữa".
Có thể thấy, mỗi người có một điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, cách thức làm ăn, phát triển kinh tế cũng rất đa dạng, không ai giống ai, nhưng chung quy lại có một điểm đồng nhất, họ đều là những nông dân luôn có khát vọng làm giàu chính đáng với tinh thần tự lực tự cường rất đáng trân trọng.