Những “ông chủ” cựu chiến binh

Thứ năm, 20/10/2011 09:54

Rời quân ngũ trở về đời thường, hầu hết các cựu chiến binh (CCB) đều bắt tay ngay vào việc phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Họ trở thành những ông chủ doanh nghiệp (DN) thực sự, ở đủ các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động với mức thu nhập hàng triệu đồng/lao động/tháng...

Ông Nguyễn Quyết, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: hiện nay, toàn tỉnh hội có 306 CCB là những nhà DN. Họ sản xuất, kinh doanh ở tất cả các lĩnh vực như vật liệu xây dựng; dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng; chăn nuôi; trồng rừng… Các chủ DN CCB đã cung cấp cho thị trường trong nước và cả xuất khẩu các sản phẩm đa dạng, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động và đóng góp cho Nhà nước mỗi năm hàng chục tỷ đồng tiền thuế.

Điển hình như CCB Nguyễn Văn Biện, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Trường Biện tại xã Đồng Văn (Yên Lạc). Ít ai biết rằng, để trở thành giám đốc doanh nghiệp như hôm nay, CCB Nguyễn Văn Biện (SN 1965) đã bắt đầu bằng nghề thu mua phế liệu. Năm 1983 anh nhập ngũ vào đơn vị trinh sát, Tiểu đoàn 20 thuộc Quân khu 2 huấn luyện tại huyện Yên Bình (Yên Bái). Sau thời gian huấn luyện 1 năm anh được điều lên chiến đấu tại Biên giới tỉnh Hà Giang. Sau đó anh được điều về Tiểu đoàn 17 công binh thuộc Sư đoàn 356, xây dựng 4 hầm làm hầm các chốt 300, chốt 400, chốt 1.200 cho bộ đội. Khi chiến tranh biên giới tạm lắng xuống, đầu năm 1986 anh được điều về xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) thực hiện nhiệm vụ xây dựng trang trại cho Sư đoàn. Tháng 8-1986 anh hoàn thành nghĩa vụ quân sự và được xuất ngũ, về quê hương xây dựng gia đình với 2 bàn tay trắng bươn trải làm nghề đi thu mua phế liệu ở các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai. Cố gắng tích góp được một số vốn anh quyết định trở về quê hương mở cửa hàng, làm dịch vụ thu mua phế liệu tại chỗ và mua bán vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng. Công việc làm ăn có hiệu quả nên chỉ vài năm sau, anh đã mua được 2 xe vận tải và đặt các đại lý thu mua phế liệu ở một số tỉnh, sau đó vận chuyển đến bán cho các Nhà máy sản xuất thép ở Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nội… rồi lấy thép thành phẩm bán lại cho đại lý các tỉnh phía Bắc. Thấy việc sản xuất đúc cán thép từ sắt thép phế liệu sang sắt thành phẩm rất có lãi nên anh quyết định thế chấp nhà cửa vay vốn ngân hàng thành lập công ty, xin mặt bằng với diện tích ban đầu 2.045m2 để thực hiện dự án. Hiện nay anh đã mở rộng mặt bằng sản xuất lên 16.720m2 với số vốn đầu tư tài sản cố định là 45 tỷ đồng, vốn lưu động trên 100 tỷ đồng. Năm 2010 nộp ngân sách Nhà nước 0,9 tỷ đồng/năm. Tạo việc làm ổn định cho 350 lao động (trong đó có nhiều CCB và con em CCB, con thương binh liệt sĩ) với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Chia tay CCB Nguyễn Văn Biện, chúng tôi tới thăm khu nhà nghỉ của CCB Trần Oai Bốn tại khu du lịch Thác Bạc, Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên (xã Đại Đình, huyện Tam Đảo). Anh Bốn xúc động nhớ lại những năm tháng khó khăn khi mới rời quân ngũ. Nhưng với bản lĩnh người lính và quyết tâm vượt qua đói nghèo, CCB Trần Oai Bốn luôn động viên gia đình và anh em trong thôn xóm dùng sức lực cuốc đất lật cỏ, làm ruộng khoán, vỡ hoang những nơi cỏ rậm, cấy lúa, trồng ngô, khoai sắn lấy ngắn nuôi dài, chăn nuôi lợn gà, trâu bò, vực kinh tế gia đình từ thiếu đói đến đủ ăn. Từ mái lều tranh vách đất, đến năm 1984, CCB Trần Oai Bốn đã xây dựng được 5 gian nhà cấp 4 đầu tiên của thôn Đồng Lính, xã Đại Đình với đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt. Sau khi kinh tế gia đình ổn định được sự tín nhiệm của bà con thôn xóm, CCB Trần Oai Bốn được bầu làm đội trưởng sản xuất, cùng bà con trong đội đổi mới cách quản lý, sản xuất đưa kinh tế các hộ gia đình ngày càng đi lên. Đến năm 1990 Đảng và Nhà nước cho phép chuyển đổi cơ cấu kinh tế tạo hướng đi mới của kinh tế địa phương là du lịch, dịch vụ nông, lâm, công nghiệp, đặc biệt xã Đại Đình là nơi xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên. Tranh thủ thời cơ CCB Trần Oai Bốn đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 300m2 nhà nghỉ phục vụ khách thăm quan du lịch. Do nhu cầu du lịch ngày càng phát triển nên CCB Trần Oai Bốn đã mua 2 xe ôtô du lịch cho các cháu chở khách đi du lịch trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra anh còn mua máy súc, ôtô tải để chở hàng vật liệu dịch vụ. Do bố trí công ăn việc làm hợp lý, nên các con anh đã có thu nhập ổn định và xây được nhà cao tầng. Tuy nhiên CCB Trần Oai Bốn vẫn còn trăn trở, muốn tìm hướng đi mới cho riêng mình, khi điều kiện cho phép năm 1997 anh đã mua đất làm gạch ở xã Kim Long sản xuất vật liệu xây dựng phục vụ nhân dân và các cơ quan, đơn vị trong vùng. CCB Trần Oai Bốn lại mạnh dạn vay vốn ngân hàng xây 3 vỏ lò, mỗi vỏ lò chứa 15-20 vạn viên gạch, mỗi tháng sản xuất 40-50 vạn viên, giải quyết công ăn việc làm cho 30 lao động với mức lương hàng tháng của công nhân từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình CCB Trần Oai Bốn luôn gắn bó với quê hương, khi đã tích lũy được số vốn khá anh đã đầu tư mua 40ha rừng tại xã nhà. Đến nay gia đình anh đã trồng phủ kín bạch đàn góp phần xây dựng môi trường nông thôn xanh-sạch-đẹp. CCB Trần Oai Bốn tiết lộ: “Trong tương lai, tôi sẽ mở thêm loại dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cho du khách tới tham quan, đặc biệt sẽ rất ưu đãi đối với các CCB ".

Ngoài những CCB làm ăn giỏi như anh Biện, anh Bốn còn phải kể đến doanh nghiệp Xây dựng An Tường, chuyên về xây dựng dân dụng, sản xuất mộc và trang trí nội ngoại thất của CCB Phùng Văn Thông (ở thôn Bích Chu, xã An Tường, huyện Vĩnh Tường). Từ 1 tổ Hợp tác mộc sau đó nâng cấp lên thành Xí nghiệp mộc An Tường và nay là Công ty Xây dựng An Tường. Từ 2 bàn tay trắng, vừa làm vừa học hỏi vừa cóp nhặt, đến nay riêng về sản xuất hàng mộc, doanh thu từ bán hàng hàng năm từ 3-4 tỷ đồng, trừ hết các khoản chi phí mỗi năm thu lãi từ 100-150 triệu đồng. Hiện doanh nghiệp của CCB Phùng Văn Thông đang có từ 40-50 công nhân làm việc, riêng tổ mộc có 10 người, thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Cán bộ, công nhân viên đều được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Hay như DN tư nhân Hải Hưng và Hải Hằng, chuyên về khai thác vật liệu xây dựng của CCB Nguyễn Ngọc Hưng ở xã Việt Xuân (Vĩnh Tường). Từ một hộ nghèo vươn lên bằng mô hình VAC và sản xuất kinh doanh cá thể. Đến năn 2007-2008 CCB Nguyễn Ngọc Hưng đã thành lập 2 Công ty TNHH kinh doanh vật liệu xây dựng tại địa phương. Doanh thu hàng năm đạt 17 tỷ đồng, nộp thuế cho nhà nước khoảng 700-800 triệu đồng/năm. Tạo việc làm cho hơn 100 lao động, chủ yếu là con em CCB và hội viên CCB , có mức lương từ 2-5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay CCB Nguyễn Ngọc Hưng đã có trong taymột cơ ngơi với 5 máy súc, 4 ô tô, hệ thống máy móc khai thác cát, đá, sỏi với tổng vốn và tài sản trên 20 tỷ đồng.

Không những sản xuất, kinh doanh giỏi, các chủ DN CCB còn tích cực tham gia vào các phong trào từ thiện, xã hội ở địa phương cũng như giúp đỡ những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn. Điển hình như CCB Nguyễn Văn Dư, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Khánh Dư (xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc) đã đóng góp khoảng 200 triệu đồng/năm để làm đường GTNT, xây nhà tình thương cho đồng đội, tặng học bổng, quà cho học sinh nghèo. CCB Phùng Văn Chính, Giám đốc Công ty TNHH Tân Thịnh ( phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên) đóng góp cho địa phương 150 triệu đồng/năm để làm từ thiện.

Còn rất nhiều những “ông chủ” CCB làm kinh tế giỏi ở các địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc mà chúng tôi không thể kể hết được. Họ đã và đang trở thành những tấm gương sáng để mọi người dân có thể học tập, noi theo và vươn lên thoát nghèo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực