Nuôi cua đồng thương phẩm- mô hình mới cho thu nhập cao

Thứ sáu, 09/08/2013 14:15

(ĐCSVN) - Đến xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tận mắt chứng kiến người nông dân nơi đây thu lãi hơn chục triệu đồng mỗi tháng từ mô hình nuôi cua đồng thương phẩm mới thấy câu nói của Chủ tịch Hội Nông dân xã Đàm Văn Tiến: “Nuôi cua đồng làm chơi, ăn thật” là đúng.

Năm 2012, dù đang “ăn nên làm ra” từ việc đốt gạch thủ công nhưng gia đình ông Trương Quang Đại, thôn Lục Liễu, xã Đạo Trù vẫn nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công của nhà nước. Giữa lúc loay hoay chưa biết làm gì, tình cờ xem ti vi thấy mô hình nuôi cua đồng thương phẩm được nhiều hộ nông dân các tỉnh phía Nam triển khai hiệu quả, nhận thấy điều kiện nuôi, chăm sóc hoàn toàn có thể áp dụng tại địa phương, ông Đại đã tận dụng diện tích ruộng đào đất đóng gạch sẵn có của gia đình bắt tay vào nuôi cua đồng thương phẩm.

Lúc đầu, ông thả 30 kg cua giống nhưng do thiếu kinh nghiệm, bờ bao không chắc chắn, trời mưa cua bò đi hết. Rút kinh nghiệm từ vụ cua đầu tiên, ông mạnh dạn đầu tư xây bờ bao với tổng diện tích hơn 4 sào và tiến hành mua hơn 1 tạ cua giống từ những người khai thác tự nhiên về thả. Nguồn thức ăn chủ yếu được sử dụng là ốc bươu vàng, sắn xay quấy thành bột, cơm nguội. Mỗi ngày, ông cho cua ăn 2 lần vào buổi sáng sớm và chiều tối. Sau khi nuôi được 3 tháng có thể thu tỉa, với giá bán 70.000 đồng/kg, mỗi tháng gia đình ông thu được khoảng 10 triệu đồng từ bán cua đồng.

Ông Đại cho biết: “Tuy mới thử nghiệm mô hình trong thời gian ngắn song hiệu quả đem lại đã thấy rõ. Nuôi cua đồng có rất nhiều lợi thế, nguồn thức ăn dễ tìm kiếm, giá rẻ, chủ yếu tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên, nguồn giống chỉ cần đầu tư lúc đầu, sau đó cua tự đẻ, nếu được chăm sóc tốt sẽ sinh sản rất nhanh. Hơn nữa, đây là giống nuôi có khả năng chống chịu bệnh tật cao, chi phí chăn nuôi thấp. Về đầu ra, chủ yếu tiêu thụ tại thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, thương lái tìm đến thu mua tận nơi khi cua bắt đầu xuất bán. Hiện gia đình tôi đang mở rộng thêm diện tích tiếp tục nuôi cua đồng thương phẩm và cua giống”.

Từ mô hình của ông Đại, nhiều người dân trong và ngoài xã đã đến tham quan học hỏi và thành công như anh Lưu Đình Huấn, thôn Vĩnh Ninh, xã Đạo Trù nuôi 2 sào cua đồng. Anh Huấn cho biết: “Nuôi cua đồng rất dễ, ai cũng nuôi được, so với cấy lúa thì nuôi cua đồng nhàn và lãi cao hơn rất nhiều. Từ khi nuôi cua đồng, kinh tế gia đình dần khá lên, tới đây, tôi đang dự kiến mở rộng thêm diện tích nuôi”.

Ông Đàm Văn Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Như cách các hộ dân trong xã đã làm thì nuôi cua đồng thương phẩm không khó, không tốn nhiều thức ăn và công sức, thu hoạch ổn định lại cho lợi nhuận cao, có thể tận dụng được các vùng ruộng thấp, trũng góp phần tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích và cung cấp nguồn thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng cho con người. Thành công bước đầu từ mô hình nuôi cua thương phẩm của một số hộ dân trong xã sẽ góp phần mở ra hướng làm kinh tế mới, giúp người nông dân từng bước ổn định cuộc sống”.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực