Xuất phát điểm là xã thuần nông, kinh tế còn nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tìm hướng đi mới để cải thiện đời sống người dân là trăn trở của cấp ủy, chính quyền xã Đồng Cương (Yên Lạc). Với diện tích đất nông nghiệp gần 40 ha, diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản 118,5 ha, Đảng ủy, UBND xã Đồng Cương lựa chọn hướng đi lấy phát triển kinh tế trang trại làm “đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương.
Từ những mô hình nuôi lợn thịt của một số hộ gia đình, lãnh đạo xã Đồng Cương đã mạnh dạn, chủ động tìm cách làm mới để đưa ngành chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, có bước đột phá. Xã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ tham gia phát triển trang trại về thủ tục hành chính, hướng đầu tư, hỗ trợ xây dựng điện - đường khu quy hoạch trang trại. Huy động nhiều nguồn vốn cho các hộ vay không lãi để mua giống và đầu tư xây dựng trang trại, hỗ trợ xây dựng hầm biôga, hệ thống tiêu nước thải và xử lý môi trường...
Đặc biệt, để việc phát triển trang trại thực sự có hiệu quả, xã Đồng Cương quan tâm đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật thú y, phục vụ chăm sóc, phát hiện và chữa bệnh kịp thời. Xã tổ chức nhiều lớp tập huấn, thăm quan, trao đổi kinh nghiệm với các chủ trang trại chăn nuôi lớn, điển hình trong và ngoài tỉnh cho các chủ trang trại của xã để họ học cách chăn nuôi, nâng cao hiểu biết về khoa học kỹ thuật. Cấp ủy, chính quyền xã khuyến khích, tạo điều kiện thành lập hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi cung ứng giống con nuôi, tập huấn kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tạo sự đồng thuận, tham gia rộng rãi của nhân dân.
Đến nay, toàn xã Đồng Cương có 151 trang trại, trong đó có 56 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Kinh phí đầu tư cho phát triển trang trại lên hàng chục tỷ đồng. Kinh tế trang trại tác động trực tiếp đến sản xuất, chăn nuôi của địa phương: tổng đàn gia súc, gia cầm của xã hiện có 1.500 con trâu bò; 20.000 con lợn và 79.000 con gia cầm. Phát triển kinh tế trang trại không ngừng góp phần tăng về số lượng chủng loại vật nuôi, chất lượng vật nuôi và giá trị hàng hóa. Hiện nay, tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm trên 50% trong nông nghiệp.
Kinh tế trang trại tạo thêm việc làm, thu nhập cho hàng trăm lao động, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo. Nhiều hộ đã thoát nghèo và làm giàu từ mô hình kinh tế trang trại như mô hình VAC của gia đình anh Vũ Văn Mạnh ở thôn Vật Cách, gia đình anh Nguyễn Thế Chật ở thôn Cổ Tích, gia đình anh Phạm Văn Tư ở thôn Dịch Đồng… hàng năm đem lại thu nhập cho các hộ trên dưới 100 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Trọng ở thôn Tri Chỉ cho biết: Trước đây gia đình ông có hoàn cảnh khó khăn, cả nhà quanh năm chỉ trông vào mấy sào ruộng, đến khi HTX triển khai hình thức khoán đất và diện tích ao hồ trong xã cho các hộ gia đình đấu thầu xây dựng trang trại, gia đình ông mạnh dạn đấu thấu hơn 1ha diện tích ao đầm cùng với diện tích mặt đất để chăn nuôi. Sau hơn 10 năm lấy chăn nuôi làm mũi nhọn phát triển kinh tế gia đình, hiện nay mô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông khá phát triển với trên 100 con lợn thịt, hơn 10 con lợn nái, gần 1000 con vịt đẻ trứng. Ngoài ra, diện tích thả cá trên 0,5 ha chủ yếu nuôi cá thịt. Hàng năm, trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu trên 100 triệu đồng/năm. Hay như chăn nuôi lợn theo hướng sản xuất hàng hóa là hướng đi được gia đình anh Nguyễn Văn Thung ở thôn Tri Chỉ lựa chọn từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, ban đầu gia đình anh gặp nhiều khó khăn về vốn và kinh nghiệm chăn nuôi lợn thương phẩm. Để khắc phục khó khăn, gia đình đã thế chấp nhà cửa vay vốn ngân hàng, học hỏi kĩ thuật, kinh nghiệm của những người đi trước. Đến nay, với hơn 10 ngăn chuồng nuôi lợn, gia đình anh thường xuyên duy trì trên 100 con lợn bột kết hợp với 0,6 ha diện tích mặt ao nuôi cá thịt, hơn 100 con gà đẻ trứng, gần 1000 ngan và vịt cũng tạo thu nhập cho gia đình từ 100 – 120 triệu đồng/năm.
Bước đầu, kinh tế trang trại ở Đồng Cương đã khai thác được tiềm năng thế mạnh của địa phương. Đồng thời, nhờ phát triển kinh tế trang trại đã giúp Đồng Cương tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị trên diện tích đất canh tác, sản xuất, góp phần tích cực công tác xóa đói giảm nghèo./