Phúc Thắng, Phúc Yên: Gửi trọn niềm tin vào Đảng

Thứ sáu, 21/05/2010 00:36

 

 Khu Công nghiệp TOYOTA tại Phúc Thắng (Ảnh: Internet)

Bước vào kỳ Đại hội Đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2010 - 2015, chúng tôi về phường Phúc Thắng (thị xã Phúc Yên). Thẳng con đường Quốc lộ 2, chúng tôi đã chứng kiến những thay đổi trông thấy của vùng quê này. Những cụm, những khu công nghiệp mọc lên xua tan đi cái nghèo đói đã từng hiện hữu nơi đây.

Mảnh đất và những cánh đồng màu mỡ, phì nhiêu đã gắn bó với người dân Phúc Thắng từ bao năm, nhưng cũng chính bây giờ lại được nhuộm lên màu hào nhoáng của những khu đô thị, công nghiệp. Nhiều cán bộ và nhân dân nơi này đã gương mẫu đi đầu giao cho Nhà nước 21 ha đất canh tác - tư liệu sản xuất quý giá nhất của những người lao động như họ để xây dựng Nhà máy liên doanh với nước ngoài đó là Công ty TOYOTA Việt Nam. Đây là một nhiệm vụ mới đầy khó khăn đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân Phúc Thắng. Rồi cũng vượt qua, bằng tinh thần trách nhiệm, vì sự nghiệp công nghiệp hóa, chỉ trong một thời gian ngắn hàng ngàn ngôi mộ, có ngôi mộ vừa mới chôn cất đã được di chuyển để bàn giao đất cho nhà nước đúng quy định.

Con đường vào thôn Xuân Thượng 2 (phường Phúc Thắng) được trải trắng những lớp bê tông mịn màng. Cách đây 15 năm, 142 hộ dân của thôn đã thực hiện giao đất cho Nhà nước ưu tiên cho phát triển công nghiệp. Cũng chính những năm này, vấn đề khó khăn trong giải phóng mặt bằng là vấn đề đặt ra với Đảng bộ phường bởi nhiều hộ dân chưa hiểu hết ý nghĩa của việc giao đất để xây dựng một khu công nghiệp hứa hẹn nhiều đổi thay nên gây ra những thắc mắc, có lúc trở thành bức xúc tưởng chừng như không giải quyết nổi. Điều đó đã đặt ra bài toán khó khiến Đảng bộ phường trăn trở. Với lịch sử của Đảng bộ trên quê hương Phúc Thắng giàu truyền thống cách mạng, đoàn kết, bằng những quyết tâm tập trung tìm ra giải pháp, đã có nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng bộ và những cán bộ đảng viên không ngại khó khăn, va chạm đã xuống từng hộ gia đình, gặp từng người dân làm công tác tuyên truyền, vận động. Nói lại việc này, ông Đặng Ba Đình, nguyên là Bí thư chi bộ thôn, hiện là Chủ tịch hội Cựu chiến binh của phường cho biết: “Chuyển giao đất từ nông nghiệp sang công nghiệp là một quá trình khá phức tạp. Người dân nơi đây sống thuần túy là nông nghiệp, cả đời gắn với con trâu, cái cày, mỗi nhà có một mẫu ruộng để sinh nhai, họ băn khoăn khi giao đất thì lấy gì mà sống, nhiều hộ cho rằng, cuộc sống sẽ càng khó khăn khi không còn đất nông nghiệp. Nhưng, những đồng chí trong Đảng bộ phường đã quyết tâm giải thích vận động, thuyết phục; chúng tôi còn lấy một số hình ảnh thực tế chứng minh : nơi nào có công nghiệp tốt thì kinh tế sẽ phát triển. Bằng những văn bản cụ thể được đưa ra về đất dịch vụ dành cho họ khi giao đất nông nghiệp, bằng những lời lẽ có chứng minh, bà con nhân dân đã nhận ra và tự nguyện giao đất đúng quy định”. Việc giao đất ở Phúc Thắng diễn ra thuận lợi hơn nhưng có điều khác biệt là không gây sốc và sự hụt hẫng cho dân, mỗi hộ thực hiện giao đất làm nhiều lần trên diện tích ấy, vừa giao vừa nhận tiền đền bù, lại vẫn có thể cày cấy ở diện tích đất còn lại để dần quen với những công việc mới khi không còn gắn với nông nghiệp. Anh Nguyễn Kiến Thiết, trưởng thôn Xuân Thượng 2 nói: “Thực hiện giao đất nông nghiệp, hộ gia đình tôi có hơn 2 sào đã sẵn sàng đầu tiên. Nhiều hộ khi chưa hiểu ra, tôi đã đến tận nhà giải thích bằng văn bản cụ thể. “Nói có sách, mách có chứng”, bà con mới tin mà thỏa lòng giao đất. Việc giao đất nông nghiệp được hưởng đất dịch vụ là phù hợp và đúng với ý dân. Nhiều hộ gia đình đã có một cuộc sống mới, thậm chí là đổi đời”. Công nghiệp vào, thu hút nhiều công nhân từ địa phương và khắp mọi nơi. Bà con giao đất đã có công ăn việc làm ngay, “tuổi nào vào việc ấy”, người quá tuổi lao động thì xây nhà trọ cho công nhân thuê hoặc giúp việc nhà cho các gia đình có con nhỏ, thanh niên trong độ tuổi lao động thì được tuyển vào các công ty làm. Việc nhiều công ty lớn vào đầu tư đã góp phần tăng trưởng kinh tế của cả tỉnh, tạo diện mạo mới cho tỉnh và toàn thị xã Phúc Yên, đồng thời giúp cuộc sống của người dân phường Phúc Thắng có một cuộc sống mới, khấm khá hơn, thu nhập bình quân của thôn là hơn 9 triệu đồng/người/năm. Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của thôn là hơn 60 ha, đến nay đã giao cho Nhà nước hơn 50 ha để hình thành cụm công nghiệp với gần 10 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động.

Điểm lại tình hình kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2005 - 2010, Phúc Thắng luôn có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt trên 7%. Tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ kinh doanh đạt trên 70%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2005 đạt 5.065.000đ/người/năm; năm 2009 bình quân đầu người đạt 9.867.000đ/người/năm, tăng gần 2 lần so với năm 2005. Từ năm 2005 đến nay có 17 dự án vào đầu tư tại địa phương được thực hiện đúng quy hoạch của từng dự án đã được phê duyệt và thực hiện giải phóng mặt bằng là 68,17 ha. Cơ sở hạ tầng: có 4 trường Mầm non, 2 trường Tiểu học và trường THCS, trạm y tế đã kiên cố hóa, đầy đủ trang thiết bị khám chữa bệnh cho nhân dân. Hiện tại, các điểm trường được đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm đầy đủ thiết bị phục vụ cho việc dạy và học ở các nhà trường; trung tâm giáo dục cộng đồng của Phường đã đi vào hoạt động từ năm 2006, tổ chức được 12 lớp học, đào tạo nghề cho 900 lao động, tạo ra nguồn lực để Phúc Thắng phát triển bền vững. Toàn phường có 43% số hộ có nhà kiên cố, nhiều nhà cao tầng; số hộ có Tivi chiếm 98,0%, số hộ có tủ lạnh chiếm 55%, số hộ có điện thoại chiếm 75%, số hộ có xe máy 70%.

Đồng chí Đinh Kim Tuyên, Bí thư kiêm Chủ tịch phường Phúc Thắng, khẳng định: trong 5 năm qua, cùng sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, tỉnh, thị xã nhân dân địa phương đã phát huy nội lực, sức dân để tăng gia sản xuất, giao hàng trăm ha đất phục vụ công nghiệp… đưa tỷ lệ đói nghèo từ 28% đầu nhiệm kỳ xuống còn 7,36% năm 2009.

Năm 2005 có 72% Chi bộ được công nhận Chi bộ trong sạch vững mạnh (TSVM), năm 2009 có 56% Chi bộ TSVM. Tỷ lệ đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm đạt trên 80%, trong đó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt 22%. Mục tiêu trong nhiệm kỳ tới (2010 - 2015) phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân là 12%, trong đó tỷ trọng giá trị của các ngành: công nghiệp dịch vụ, sản xuất kinh doanh 85%; nông nghiệp - chăn nuôi 15%. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất kinh doanh, dịch vụ hàng hóa - nông nghiệp. Nói như đồng chí Đinh Kim Tuyên thì “Xác định cơ cấu kinh tế của phường là công nghiệp dịch vụ, sản xuất kinh doanh, nông nghiệp. Cần một giải pháp tăng cường và phát triển các loại hình dịch vụ , tăng cường liên doanh liên kết giữa các thành phần kinh tế đảm bảo kinh doanh ổn định lành mạnh. Bên cạnh đó, làm tốt công tác tìm kiếm, giải quyết việc làm cho người lao động, chú trọng công tác đào tạo nghề để xin làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, khuyến khích nhân dân xuất khẩu lao động. Đồng thời, coi trọng công tác xây dựng Đảng, chính quyền. Phát huy nội lực sức dân và thu hút đầu tư để phát triển là mục tiêu lớn”. Mục tiêu đó tin rằng sẽ tạo đòn bẩy để Phúc Thắng phát triển bền vững.

Từ những niềm tin sắt son với Đảng, Đảng bộ và nhân dân Phúc Thắng nhất định sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu trong nhiệm kỳ tới đề ra.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực