Quan Tử, Sơn Đông (Lập Thạch) – Làng khoa bảng của cả nước

Thứ bảy, 27/02/2010 09:28

 

 Đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn tại làng Quan Tử

X
uôi theo dòng Lô, Sơn Đông là địa phương cuối cùng ở phía Nam của huyện Lập Thạch. Sông Lô cùng với sông Phó Đáy hợp nhau ở ngã ba Tam Giang là nút giao thông thủy quan trọng để các thuyền bè ở Sơn Đông có điều kiện thông thương với các tỉnh, thành như Hà Nội, Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai..., đem về cho người dân trong xã nguồn lợi hơn 20.000 tỷ đồng mỗi năm.

Chứng kiến cảnh tàu bè tấp nập ngược xuôi sau hơn 1 tháng bị “cầm chân” bởi dòng nước cạn, Phó Chủ tịch UBND xã Trần Sơn phấn khởi cho chúng tôi biết, hiện toàn xã có hơn 200 tàu lớn nhỏ, chuyên ngược Tuyên Quang chở nguồn cát vàng quý giá đi Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… Sơn Đông không có nghề thủ công truyền thống, mỗi năm lại có tới 3 tháng nước ngập trắng đồng khiến người dân không cấy được vụ mùa nên phát triển dịch vụ, thương mại và xuất khẩu lao động đi các địa phương khác trong cả nước là điều tất yếu. Nằm trong vùng chậm lũ, mỗi năm, Sơn Đông bị ngập trong nước từ tháng 6 đến tháng 9. Nước bao vây nhà cửa, vườn ruộng, các tuyến đường…, khiến cho việc sinh hoạt, đi lại phần lớn phải nhờ đến thuyền bè. “Không biết bơi thì không phải người Sơn Đông”, bây giờ tôi mới hiểu sâu sắc hơn câu nói đùa mà rất thật ấy của đồng chí Phó Chủ tịch xã. Người Sơn Đông với ý chí và nghị lực được tôi đúc từ đặc điểm, từ truyền thống của quê hương, luôn biết vượt lên hoàn cảnh để thực hiện mơ ước của mình, đặc biệt là ước mơ thành danh từ sự học.

Có lẽ cả tỉnh Vĩnh Phúc không có nơi đâu nhiều tiến sỹ như Sơn Đông: 13 vị Tiến sỹ các triều được ghi danh ở Văn miếu Quốc tử giám và 14 tiến sỹ hiện đang sống, công tác tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, giữ nhiều cương vị quan trong trong các Viện nghiên cứu, có những đóng góp không nhỏ cho nền khoa học nước nhà. Mỗi năm, xã có từ 30 đến 40 học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, hàng chục học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện và hầu như năm nào cũng có học sinh giỏi quốc gia.

Sơn Đông – mảnh đất văn hiến và giàu truyền thống lịch sử, quê hương của Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn và 13 vị tiến sỹ các triều phong kiến. Người dân Sơn Đông cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất và cũng nổi danh hiếu học, xuất sắc trong đường khoa cử. Đây là làng khoa bảng từng được vinh danh, có tên trong danh sách 20 làng khoa bảng của cả nước.

Phó Chủ tịch xã Trần Sơn dẫn chúng tôi đi thăm làng Quan Tử - ngôi làng đã đưa lại cho quê hương mỹ danh “đất học”. Rảo bước trên những tuyến đường liên thôn, liên xóm được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp, đi giữa những ngôi nhà tầng xen kẽ nhà mái ngói đỏ tươi, chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay trên mảnh đất này. Ông Sơn vừa đi vừa kể về sự nghiệp học hành ở Quan Tử: Qua gần 800 năm dựng làng, người Quan Tử vừa hăng hái chăm lo lao động sản xuất, kiên cường chống giặc ngoại xâm vừa thường xuyên chăm lo việc học hành, khoa bảng. Nhiều người con nơi đây không chỉ để lại tấm gương hiếu học mà còn là tấm gương yêu nước, xả thân vì nghĩa lớn…

Quan Tử còn có tên là làng Gốm, nơi sinh ra Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn - con người văn võ toàn tài, bậc khai quốc công thần của triều Lê, là nơi cư trú và dạy học nhiều năm của Đỗ Khắc Chung - người đã góp nhiều công sức trong việc đào tạo nhân tài và khai trí cho nhân dân địa phương trước khi về làm quan với nhà Trần. Làng Gốm xưa xung quanh là hào nước, lũy tre làm rào với nhà cửa ngang dọc từng là thủ phủ của huyện Lập Thạch qua nhiều triều đại phong kiến.

Cảnh cũ, người xưa giờ đã đổi thay nhiều, nhưng truyền thống hiếu học ở Quan Tử thì như mạch nguồn chảy mãi. Đây là thôn có nhiều người thoát ly nông nghiệp nhất trong xã, cũng là thôn đóng góp nhiều nhân tài, học sinh giỏi, nhà nghiên cứu, người hoạt động chính trị…Quan Tử ngày nay là sự kết hợp hài hòa giữa nét cổ kính, yên bình với sự khang trang, sôi động. Và hơn hết, Quan Tử vẫn là một làng quê mà dân cư lấy sự học làm trọng. Ở đây, các dòng học đều có quỹ khuyến học, các bậc cha mẹ tảo tần, không ngại hy sinh để đầu tư cho tương lai, con em vượt mọi khó khăn để vươn lên học giỏi. Hằng năm, lượng học sinh giỏi, học sinh đỗ các trường đại học, cao đẳng của Quan Tử luôn dẫn dầu các thôn trong toàn xã. Sự học ở Quan Tử dường đã trở thành nhu cầu tự thân của các tầng lớp, thế hệ; học hành và thi cử đã trở thành truyền thống đáng tự hào và không thể thiếu của người dân nơi đây.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà đơn sơ nằm hút sâu trong một ngõ nhỏ, bà giáo Đặng Thị Trưng- một đại diện tiêu biểu của các gia đình hiếu học ở Quan Tử tâm sự: “Theo chồng về Sơn Đông sinh sống và dạy học từ khi còn trẻ, tôi thực sự thấy gắn bó với mảnh đất này. Sơn Đông với những đứa trẻ nghèo nhưng ham học là sự động viên lớn nhất cho lòng yêu nghề của tôi. Hàng chục năm chứng kiến cảnh ngày khai giảng, sân trường ngập nước mênh mông, đầu năm học mới, dù phải chèo thuyền đi học trong điều kiện vô cùng vất vả nhưng sĩ số của lớp không hề giảm, lòng tôi đều dâng lên niềm cảm động và cảm phục sự hiếu học ở mảnh đất này.” Niềm khát khao vươn lên đã giúp bà có thêm nghị lực khi chồng mất, một mình tần tảo nuôi 4 con gái tốt nghiệp đại học, hiện 3 cô đã trở thành thạc sỹ. Cô con gái út từng là học sinh giỏi quốc gia hiện đang là sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Ngoại thương.

Cái cảnh phải đi vay lãi để nuôi con ăn học của bà Trưng đã lùi xa những năm về trước. Quan Tử nói riêng và Sơn Đông nói chung hôm nay, đời sống đã khá hơn rất nhiều. Nhờ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ, tổng thu nhập toàn xã trong năm 2009 trên 67 tỷ đồng. Nông nghiệp chiếm 42%, dịch vụ thương mại chiếm 38% trong cơ cấu kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người đạt 6 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 8,6%. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư, 3 trường học ở 3 cấp: mầm non, tiểu học và trung học cơ sở được xây dựng khang trang và đều đã đạt chuẩn.

Rời Sơn Đông, tôi nhớ mãi câu nói của Phó Chủ tịch xã Trần Sơn: “Với người dân quê tôi, sự nghiệp giáo dục không chỉ của Đảng, Nhà nước; dân làng tôi coi như đó là nhiệm vụ của mỗi gia đình, dòng họ và cá nhân, vì thế mà ý thức học tập và phong trào khuyến học ăn sâu vào tâm trí từ cụ già đến các em nhỏ. Những năm qua, chúng tôi đã thực sự xây dựng được một xã hội học tập; công tác xây dựng dòng họ khuyến học, gia đình khuyến học đều được đưa vào hương ước và ngày càng phát triển”.

Sơn Đông đã giữ gìn và phát huy truyền thống của cha ông như thế!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực