Rơm rạ cũng là vàng

Thứ sáu, 10/09/2010 15:44

Cũng như bao thanh niên trong làng, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, Nguyễn Duy Vinh hăng hái lên đường nhập ngũ. Hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc, người cựu binh về quê hương với cuộc sống thường nhật bộn bề khó khăn. Thu nhập của cả gia đình trông vào mấy sào ruộng, không có khoản thu nhập nào khác. Ông xoay xỏa đủ nghề, thậm chí phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống và luôn trăn trở suy nghĩ phải tìm cách thoát nghèo.

Đến năm 1999, HTX NN Thanh Lãng (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) mở hội nghị tập huấn trồng nấm ăn tại địa phương, ông đã đăng ký tham gia. Với những kiến thức được học, ông nhận ra đây là hướng đi mới và bàn với gia đình quyết định trồng nấm. Bước đầu ông tận dụng đất ở của nhà để làm lán với tổng diện tích là 30m2. Mẻ nấm đầu tiên ông trồng nấm rơm cho thu hoạch khá. Từ đó ông tiếp tục mở rộng thêm diện tích lán để trồng nhiều loại nấm khác nhau (nấm rơm, nấm mỡ, nấm sò). Cứ 10 tấn nguyên liệu để trồng nấm (rơm, rạ, mùn cưa, bông phế liệu) trừ đi mọi chi phí cho thu lãi 40- 50 triệu đồng.

CCB Nguyễn Duy Vinh tâm sự: “Trồng nấm đã cho thu nhập khá nhưng muốn có lãi cao thì phải đầu tư vào diện tích lán trại, đầu tư vốn, đặc biệt là kỹ thuật. Tôi đã nhiều lần xuống Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam học kỹ thuật trồng nấm để về áp dụng tại địa phương.

Năm 2002, HTX trồng nấm ăn sạch được thành lập và đi vào hoạt động, ông là chủ nhiệm HTX. Ông chuyển toàn bộ số diện tích 1.130m2 ruộng lúa của nhà mình sang trồng nấm, từ đó cây nấm ngày càng phát triển. Với quy mô như vậy, để đảm bảo sản lượng nấm cung cấp cho thị trường và phục vụ sản xuất, ông đã thuê từ 5-7 lao động tại địa phương với mức lương gần 2 triệu đồng/ người/tháng. Hàng năm sản lượng nấm mà HTX cung cấp cho thị trường từ 3.500-4.000kg nấm các loại, thu lãi 105 triệu đồng. Đến bây giờ thì nghề trồng nấm của gia đình ông ngày càng phát triển. Ông dự tính xây dựng kế hoạch đầu tư máy móc như: máy sấy, máy đóng gói để cung cấp thành phẩm cho các hộ có nhu cầu trồng nấm, vì đây là khâu quan trọng để tận dụng nguyên liệu sẵn có của địa phương và thu hút được nhiều hộ dân ở địa phương tham gia trồng nấm, tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi mà thu nhập lại cao.

Ngoài việc trồng nấm, ông còn tìm tòi, học hỏi tham khảo nhiều tài liệu về kỹ thuật nuôi nhím sinh sản. Năm đầu ông thử nghiệm một cặp nhím bố, mẹ. Thấy nuôi nhím vừa tiết kiệm diện tích, đầu tư thức ăn ít, dễ kiếm, không mất nhiều công sức, không dịch bệnh mà thu nhập lại cao, ông đã quyết định mở rộng diện tích chuồng trại nuôi nhím, đầu tư tăng đàn nhím lên 5 cặp. Mỗi năm, mỗi cặp nhím sinh sản 2 lứa, mỗi lứa 1 cặp. Mỗi cặp nhím giống từ 2 tháng tuổi bán được 15 triệu đồng, tính ra hàng năm gia đình bán được 8-10 cặp nhím giống, thu được từ 100-130 triệu đồng.

Cuộc sống đủ đầy, công việc thuận lợi, CCB Nguyễn Duy Vinh tham gia tích cực công tác của Hội CCB địa phương; đặc biệt ông luôn sẵn sàng sẻ chia kinh nghiệm làm ăn với mọi người xung quanh. CCB Nguyễn Duy Vinh luôn được bà con trong tổ dân phố Hồng Hồ, thị trấn Thanh Lãng, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc mến phục, tin yêu.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực