Những ngày giữa tháng 6, chúng tôi có dịp về huyện Sông Lô. Dọc hai bên đường, không khí ngày mùa rộn rã khắp nơi. Những khuôn mặt đẫm mồ hôi nhưng vẫn nở nụ cười tươi đã làm dịu đi cái nóng của ngày hè.
|
Nông dân xã Hoàng Lâu (Tam Dương) thu hoạch lúa mùa năng suất ước đạt 230 - 240 kg/sào. Ảnh Khổng Quý |
Ngay từ rất sớm, nhiều gia đình ở dọc hai bên đường các xã Tân Lập, Nhạo Sơn, Tam Sơn đã tranh thủ xuống đồng thu hoạch lúa để tránh cái nắng oi bức của mùa hè. Người gặt, người bó, người gánh, tiếng cười nói hòa quyện với tiếng máy tuốt tạo thành một âm thanh rất đặc trưng của ngày mùa. Thỉnh thoảng, vài cơn gió nhẹ đùa giỡn trên thảm lúa tạo thành từng đợt sóng nối nhau, khiến cho cả không gian như một bức tranh thơ mộng được vẽ bởi một họa sỹ tài ba. Một số ruộng đã gặt xong, người dân đang hối hả gánh những gánh lúa nặng trĩu lên phía trên đường, nơi những chiếc máy tuốt lúa đang chờ sẵn.
Thế nhưng, sự khởi đầu vụ mùa năm nay quả thực quá khó khăn đối với người dân nơi đây. Cuối năm âm lịch 2010, những đợt rét “thấu xương” tràn về đúng vào dịp người nông dân đang chuẩn bị reo mạ cho vụ chiêm xuân. Ngâm mạ chẳng lên nổi mầm, reo xuống đất thì mạ cứ thế “lịm” đi, cố cấy thì được vài hôm cả ruộng cũng vàng thẫm hết. Một lần, rồi hai lần, trong khi tết nhất đang đến gần, khiến bà con nông dân đứng ngồi không yên. Đến khi lúa đã bén được rễ rồi, thì cũng chẳng có ai tin được lúa năm nay lại được mùa như vậy.
Đặt ôm lúa vào trong quang gánh, bà Lan ở xã Tân Lập lau vội những giọt mồ hôi trên trán và nở một nụ cười thật tươi nói với chúng tôi: “Trời năm nay thương nông dân đấy chú, có ai dám nghĩ cấy đi, cấy lại mấy lần mà năm nay lúa lại chắc và được mùa như thế”. Nhà bà Lan năm nay cấy có hơn 2 sào ruộng, nhưng đã bao phen bà mất ăn mất ngủ chỉ vì không cấy được. Cả tháng 1, tháng 2 thời tiết lạnh buốt liên tục, reo mạ xuống chẳng có ánh nắng nên mạ cứ thế héo dần dẫu cho che phủ nilong kín mít. Tiền lúa giống, công bỏ ra thành công cốc, những lúc nhìn đám mạ chết, tiếc của mà nước mắt bà lăn từng giọt. Và cái tết đó, bà chỉ cầu làm sao cho thời tiết ấm lên để bà, mọi người còn kịp vụ. Cho đến khi nhìn lúa xanh hẳn, lúc đó bà mới thở phào nhẹ nhõm. “Năm nay lúa được mùa, sào lúa này của tôi năm ít thì cũng được gần 3 tạ thóc đấy chú” - bà Lan cho biết thêm.
“Đã làm nghề tuốt lúa thuê được mấy năm rồi, nhưng chưa năm nào lúa được mùa đều như năm nay. Bó nào cũng như bó nào, nặng trịch, nâng lên trĩu cả vai !” - ông Hải, một người chuyên làm dịch tuốt lúa thuê tâm sự. Có những năm ông chứng kiến nhiều nơi lúa tuốt ra thì gần nửa là chấu, nhiều người thẫn thờ trước những thành quả tồi của một vụ mùa. Nhưng năm nay nhìn mọi người đến thuê tuốt, mặt ai cũng tươi cười khiến cho ông lòng cũng vui lây.
Theo bà Trịnh Thị Bình, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Sông Lô thì đợt rét kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất của người dân. Tâm lý của người dân lúc đó rất lo lắng vì không cấy được; chính quyền từ huyện tới cơ sở tích cực vận động người dân chờ lúc thời tiết ấm áp mới cấy. Một số diện tích phải tỉa chân ruộng, một số thì áp dụng phương pháp gieo trực tiếp nên cũng bớt thời gian sinh trưởng của cây lúa. Bên cạnh đó, thời tiết năm nay lạnh kéo dài chính là một nguyên nhân tác động, làm cho sâu bệnh không phát triển được. Bởi vậy, trên toàn huyện hầu như không xảy ra dịch bệnh trên cây lúa, chỉ lác đác một diện tích rất nhỏ ruộng chiêm trũng ở xã Đồng Thịnh xảy ra rầy nâu nhưng cũng được kịp thời ngăn chặn. Chính vì vậy, nên năng suất lúa năm nay ở Sông Lô đạt rất cao và đồng đều, một kết qủa mà nhiều năm trước chưa từng có. Đến nay, toàn huyện đã thu hoạch được trên 60% diện tích lúa trong tổng số 2.900,5 ha, với năng suất ước đạt 51,2 tạ/ha, và sản lượng ước đạt khoảng trên 14.800 tấn.