UBND huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) vừa ban hành kế hoạch số 1544/KH-UBND về phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2025.
|
Phun hóa chất khử trùng tiêu độc ở những nơi có lợn mắc dịch (Ảnh minh họa: ĐT) |
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm chủ động phát hiện sớm, cảnh báo, áp dụng kịp thời và hiệu quả các biện pháp phòng, chống DTLCP trên địa bàn huyện, đảm bảo áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh nhằm giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tác động xấu của giá thịt lợn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), môi trường và các hoạt động thương mại động vật, sản phẩm động vật của huyện.
Trong đó, phấn đấu trên 90% số xã, thị trấn không có bệnh DTLCP trong 2 năm đầu thực hiện Kế hoạch; trên 95% số xã, thị trấn không có bệnh DTLCP trong 2 năm tiếp theo và trên 99% số xã, thị trấn không có bệnh DTLCP trong 2 năm cuối thực hiện Kế hoạch.
Để thực hiện mục tiêu, theo UBND huyện Sông Lô, cơ sở, hộ chăn nuôi cần thực hiện việc kê khai, cập nhật, khai báo hoạt động chăn nuôi với chính quyền địa phương, đảm bảo khoảng cách an toàn trong chăn nuôi trang trại theo quy định tại Điều 54, Điều 55, Điều 56 của Luật Chăn nuôi. Áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, bằng vôi bột, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm áp dụng có hiệu quả các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Đáng chú ý, cần sử dụng thức ăn dùng cho chăn nuôi có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn theo quy định. Hạn chế tối đa việc sử dụng thức ăn thừa, tái chế từ các nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp. Trường hợp sử dụng thức ăn thừa phải xử lý nhiệt để diệt được mầm bệnh trong thức ăn, đồng thời vệ sinh, sát trùng dụng cụ chứa đựng thức ăn trước và sau khi đưa vào khu vực chăn nuôi.
Về nguyên tắc nuôi tái đàn lợn, chỉ nuôi đàn lợn tại cơ sở chăn nuôi lợn chưa bị bệnh DTLCP hoặc tại cơ sở có bệnh nhưng đã qua 21 ngày và không tái phát DTLCP, bảo đảm các biện pháp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.
Đối với địa phương chưa công bố hết bệnh DTLCP, chỉ được nuôi tại cơ sở tập trung chưa bị bệnh DTLCP, đã được chứng nhận an toàn dịch bệnh, được cấp chứng nhận VietGAHP, GlobalGAP hoặc đảm bảo các yêu cầu an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học để tái đàn, tăng đàn theo quy định.
Bên cạnh đó, chủ cơ sở nuôi lợn, nhân viên thú y xã, thị trấn cần chủ động theo dõi, giám sát đàn lợn. Trường hợp phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc cần báo cáo Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện thuộc địa bàn quản lý. Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện thực hiện việc lấy mẫu để xét nghiệm bệnh DTLCP trước khi chính quyền cơ sở xử lý tiêu hủy theo quy định của pháp luật,…/,