Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh

Thứ hai, 18/12/2023 14:28
(ĐCSVN) - Trước tình hình thời tiết giao mùa, nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh lây lan qua đường hô hấp, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành, địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa Đông Xuân năm 2023; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm ổ dịch để có biện pháp xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan.
Ảnh minh họa (Ảnh: N.D) 

Từ ngày 1/10 - 14/12/2023, trên địa bàn tỉnh phát sinh thêm nhiều trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm như 800 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue; hơn 4.400 trường hợp mắc bệnh do vi rút Adeno gây ra; hơn 200 trường hợp bị tay chân miệng; hơn 850 trường hợp mắc hội chứng cúm; 21 trường hợp mắc thủy đậu; gần 150 trường hợp bị tiêu chảy...

Ngoài ra, tỷ lệ người mắc COVID - 19 và các dịch bệnh khác duy trì ở mức thấp, không ghi nhận trường hợp mắc cúm A H5N1 và cúm A H7N9.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nguyễn Hoài Lê: “Hiện nay, miền Bắc đang trong giai đoạn vào mùa Đông Xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi thất thường, làm cơ thể giảm sức đề kháng, gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt đối với các bệnh lây qua đường hô hấp. Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, trung tâm phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, cung cấp kiến thức để người dân hiểu đúng về bệnh, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo 100% ổ dịch khi phát hiện được điều tra dịch tễ, đồng thời, hướng dẫn các trung tâm y tế cấp huyện, thành phố, trạm y tế cấp xã, phường điều tra, xử lý ổ dịch, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Về công tác tiêm phòng vắc xin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ động phối hợp với các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tích cực vận động, rà soát các đối tượng tiêm chủng, khuyến khích đối tượng đi tiêm hướng đến miễn dịch cộng đồng”.

Năm 2023, mặc dù việc thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt nguồn cung vắc xin, tuy nhiên, với sự nỗ lực của ngành Y tế, kết quả thực hiện các chỉ tiêu tiêm vắc xin trên địa bàn tỉnh vẫn đạt mức cao.

Đến hết tháng 11, đã có 5/11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch năm 2023 gồm: Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tiêm vắc xin VGB trong 24h sau sinh đạt 86%; tỷ lệ trẻ sơ sinh từ 9 tháng tuổi được tiêm vắc xin IPV2 đạt 84%; tỷ lệ trẻ sơ sinh 18 tháng tuổi được tiêm vắc xin Sởi - Rubella đạt 87%; tỷ lệ tiêm phòng viêm não Nhật Bản mũi 3 đạt 89%; tỷ lệ tiêm phòng uốn ván đạt 89%.

6/11 chỉ tiêu tiêm vắc xin đạt tỷ lệ cao gồm: Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm phòng đầy đủ đạt 85%; tỷ lệ trẻ được tiêm vắc xin DPT - VGB - Hib3 đạt 84%; tỷ lệ trẻ được uống vắc xin bại liệt OPV3 đạt 84%; tỷ lệ trẻ từ 5 tháng tuổi được tiêm vắc xin IPV1 đạt 85%; tỷ lệ trẻ được tiêm phòng vắc xin Sởi đạt 86%; tỷ lệ trẻ 18 tháng tuổi được tiêm phòng vắc xin DPT đạt 62%.

Chủ động phòng chống, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Y tế khẩn trương triển khai 5 nhóm giải pháp chính gồm:

Tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân trong cộng đồng, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền về vệ sinh cá nhân, môi trường, nơi ở, học tập và nơi làm việc…, thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vận động người dân đưa trẻ em đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi tiêm.

Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch.

Chủ động dự trù kinh phí đảm bảo nhu cầu về thuốc, vắc xin, vật tư y tế cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm, tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, tránh tình trạng lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong, đặc biệt tại các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập.

Thực hiện chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định của Bộ Y tế.

Bên cạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh của ngành Y tế, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp với Sở Y tế triển khai các hoạt động vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường trong các cơ sở giáo dục.

Tăng cường phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch động vật có khả năng lây sang người; đảm bảo vệ sinh môi trường tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh… tránh nguy cơ phát sinh nguồn bệnh.

H.S

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực