Sau 5 năm thực hiện Quy định số 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về mô hình tổ chức của một số loại hình tổ chức cơ sở Đảng, toàn tỉnh đã phát triển được 24 tổ chức Đảng trong doanh nghiệp; kết nạp mới 1.100 đảng viên. Đến 31/10/2016, Vĩnh Phúc có 7.123 doanh nghiệp dân doanh với tổng vốn đăng ký 53.900 tỷ đồng, 226 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 3,47 tỷ USD, trong đó, số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97%. Toàn tỉnh có 119 tổ chức cơ sở Đảng trong các loại hình doanh nghiệp với hơn 4.000 đảng viên; 304 đơn vị có tổ chức công đoàn; 97 đơn vị có tổ chức đoàn thanh niên.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban chỉ đạo, việc phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các thành viên Ban chỉ đạo chưa cao; công tác lãnh, chỉ đạo rà soát, sắp xếp, chuyển giao tổ chức Đảng chưa thường xuyên, triệt để nên sau khi được chuyển giao không phát triển được đảng viên, chưa thể hiện rõ vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở; nhiều đảng viên làm việc ở các doanh nghiệp nhưng lại sinh hoạt Đảng tại địa phương. Ở cấp huyện, trong 5 năm mới phát triển được 5 tổ chức cơ sở Đảng, không đạt chỉ tiêu đề ra trung bình mỗi năm thành lập từ 6 – 8 tổ chức cơ sở Đảng.
Thừa nhận công tác quản lý nhà nước, nhất là trong thanh tra, kiểm tra vẫn còn chồng chéo, sự phối hợp trong tuyên truyền, vận động giữa các cấp ủy Đảng, các thành viên Ban chỉ đạo chưa thường xuyên là những nguyên nhân chính khiến công tác vận động phát triển tổ chức Đảng, xây dựng đoàn thể trong doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tại hội nghị, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp khắc phục tình trạng này như cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và chủ doanh nghiệp về nhiệm vụ xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp. Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các đảng bộ, chi bộ trong doanh nghiệp; tích cực xây dựng, phát triển tổ chức đảng và làm tốt công tác phát triển đảng viên; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trần Văn Vinh đánh giá cao kết quả công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Đồng thời, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị khắc phục khó khăn, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.
Về nhiệm vụ cụ thể, đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với Đảng ủy khối doanh nghiệp chỉ đạo các huyện, thành, thị khẩn trương rà soát, giới thiệu chuyển sinh hoạt Đảng cho những đảng viên đang sinh hoạt ở nơi cư trú về sinh hoạt tại các chi, Đảng bộ trong doanh nghiệp đảm bảo đúng quy định. Tham mưu Tỉnh ủy tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ việc thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp; giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển Đảng trong doanh nghiệp cho từng địa phương. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức để các cấp, ngành, doanh nghiệp chấp hành tốt chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Phối hợp với huyện, thành, thị ủy thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện Quy định số 01; định kỳ hằng năm báo cáo, đánh giá việc triển khai thực hiện, chỉ rõ những hạn chế, nguyên nhân để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.