Thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh chuyên khoa Ung bướu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2013 – 2020

Thứ ba, 13/08/2013 14:49

(ĐCSVN) – Vĩnh Phúc đã xây dựng xong Đề án số 3349/ĐA-UBND về Bệnh viện vệ tinh chuyên khoa Ung bướu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2020. Đề án do Phó Chủ tịch Dương Thị Tuyến ký ban hành ngày 25/6/2013.

Sự cần thiết của Đề án

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển chung về y tế của cả nước, ngành Y tế Vĩnh Phúc nói chung và hệ thống khám, chữa bệnh nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những thành tựu quan trọng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được quan tâm đầu tư; nhân lực y tế được tăng cường; nhiều kỹ thuật, công nghệ y học tiên tiến được áp dụng trong khám, chữa bệnh. Khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế của người dân được cải thiện góp phần cứu chữa nhiều người mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo mà trước đây chưa được cứu chữa phải chuyển tuyến lên tuyến Trung ương hoặc ra nước ngoài để khám, chữa bệnh.

Tuy nhiên, do các bệnh viện công của Vĩnh Phúc còn thiếu cán bộ, đặc biệt là cán bộ chuyên môn có trình độ phù hợp để tiếp nhận việc chuyển giao kỹ thuật, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế đã được đầu tư, vì vậy một số chuyên khoa chưa được triển khai tích cực, trong đó có chuyên khoa Ung bướu.

Triển khai thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh nói chung và chuyên khoa ung bướu nói riêng là gắn thương hiệu của bệnh viện tuyến trên với bệnh viện tuyến dưới (Bệnh viện đa khoa tỉnh); đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ tuyến dưới; chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện tuyến trên cho bệnh viện tuyến dưới, giúp bệnh viện tuyến dưới (Bệnh viện đa khoa tỉnh) sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất được đầu tư, đảm nhận tiếp nhận khám bệnh, chữa bệnh cho trên 90% người bệnh thuộc chuyên khoa ung bướu; nhằm giảm quá tải cho tuyến Trung ương, giảm chi phí cho người dân khi được khám và điều trị tại địa phương. Từ thực tiễn trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng Đề án bệnh viện vệ tinh chuyên khoa Ung bướu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2013 – 2020.

Theo báo cáo và nhận định của Bộ Y tế mô hình bệnh tật ở Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 là mô hình kép. Bên cạnh các bệnh nhiễm trùng, suy dinh dưỡng của các nước đang phát triển, các bệnh về ung thư, tim mạch, tâm thần đang có nguy cơ tăng giống như các nước công nghiệp phát triển. Dự báo thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của bệnh ung thư, tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác. Qua số liệu ghi nhận ung thư tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, ước tính mỗi năm nước ta có khoảng 150.000 bệnh nhân ung thư mới mắc và 75.000 người chết vì ung thư. Dự báo đến năm 2015, mỗi năm có khoảng 250.000 trường hợp mắc mới và 150.000 trường hợp chết do ung thư, con số này có xu hướng ngày càng gia tăng. Các loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới là ung thư phổi, dạ dày, gan, đại trực tràng và Ung thư vòm mũi họng. Các loại ung thư hay mắc nhất ở nữ giới là ung thư vú, cổ tử cung, dạ dày, đại tràng và phổi. Tuy nhiên, mô hình bệnh ung thư ở Việt Nam không phải là một mô hình thuần nhất. Cho đến nay, bệnh ung thư đã trở thành nguyên nhân số một đe dọa sức khỏe cộng đồng trong nhóm bệnh không lây nhiễm. Ngoài các thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Hải Phòng có khả năng tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân ung thư toàn diện, còn lại đa số các tỉnh, thành khác đều chuyển bệnh nhân ung thư lên tuyến trên, một số ít bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh điều trị người bệnh ung thư bằng phương pháp phẫu thuật ở giai đoạn sớm, hoặc chỉ điều trị nội khoa đơn thuần chữa triệu chứng, nâng cao thể trạng, còn ở các giai đoạn khác, đặc biệt là giai đoạn cuối chuyển lên tuyến Trung ương. Nguyên nhân chính ở các địa phương do công tác chẩn đoán gặp nhiều khó khăn như: thiếu trang thiết bị y tế, thiếu nhân lực cho công tác xét nghiệm tế bào học nên bệnh nhân thường bị bỏ qua giai đoạn chẩn đoán sớm và khi được phát hiện thì đã quá muộn, gây khó khăn cho công tác điều trị.

Căn cứ các thông tin thống kê về y tế, báo cáo tình hình bệnh tật và tử vong hàng năm của Bệnh viện đa khoa tỉnh, cho thấy: Giai đoạn 2006 – 2010, tỷ lệ khám, phát hiện ung thư các loại, trung bình hàng năm chiếm tỷ lệ từ 0,3 – 0,5% so với tổng số người bệnh đến khám tại bệnh viện. Năm 2011, tỷ lệ này là: 0,76% và năm 2012 là: 1,1%. So với mô hình bệnh tật, tổng số người bệnh đến khám và điều trị nội trú tại bệnh viện (theo bảng phân loại bệnh tật Quốc tế - ICD X) thì giai đoạn 2006 – 2010, nhóm bệnh ung thư xếp thứ 17/21, đến năm 2012 nhóm bệnh ung thư xếp thứ 15/21. Như vậy, có sự gia tăng số người bệnh ung thư hàng năm đến khám và điều trị tại bệnh viện kể từ năm 2006 đến nay.

Vĩnh Phúc hiện có 02 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh (bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc và bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên), trong đó Bệnh viện đa khoa tỉnh là tuyến chuyên môn kỹ thuật cao nhất về khám, chữa bệnh; là bệnh viện hạng I, quy mô 600 giường bệnh. Bệnh viện hiện có: 38 khoa, phòng; tổng số cán bộ biên chế là 634 người, trong đó có 152 bác sỹ. Thời gian qua, Bệnh viện đa khoa tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai áp dụng các kỹ thuật hiện đại vào khám, chữa bệnh góp phần cùng các đơn vị y tế trong tỉnh phục vụ tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, hệ thống khám, chữa bệnh của Vĩnh Phúc nói chung và Bệnh viện đa khoa tỉnh nói riêng còn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức: mô hình bệnh tật kép (bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm); nguồn lực đầu tư cho ngành y tế hàng năm tuy có tăng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; nhân lực y tế cho lĩnh vực khám, chữa bệnh còn thiếu so với nhu cầu thực tế, đặc biệt là thiếu đội ngũ thầy thuốc có tay nghề, chuyên môn giỏi, chuyên khoa sâu; nhiều kỹ thuật y học cao tuy được triển khai nhưng không đồng đều, nhiều kỹ thuật theo phân tuyến chưa được thực hiện tại tỉnh. Việc triển khai các dịch vụ kỹ thuật không đồng đều giữa các tuyến, tập trung chủ yếu ở Bệnh viện đa khoa tỉnh dẫn đến sự mất công bằng trong chăm sóc sức khoẻ, người dân không tin tưởng chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh của tuyến dưới, vượt lên tuyến trên gây quá tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương mà lẽ ra có thể được khám, điều trị hiệu quả ngay tại địa phương. Trong số các nhóm bệnh gây quá tải trên phải kể đến nhóm bệnh về ung bướu.

Thực tế, Khoa Ung bướu của Bệnh viện đa khoa tỉnh được thành lập từ năm 2011 với nguồn nhân lực, trang thiết bị y tế và hoạt động chuyên môn còn nhiều hạn chế. Hiện nay, bệnh viện mới chỉ tổ chức khám, sàng lọc người bệnh ung thư và chuyển lên tuyến trên những trường hợp nghi ngờ ung thư để thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán xác định. Trong công tác điều trị, chủ yếu điều trị nội khoa và điều trị hóa chất cho các trường hợp sau phẫu thuật và các bệnh nhân hóa trị ở các bệnh viện tuyến Trung ương chuyển về.

Qua 3 năm hoạt động, số lượng người bệnh khám và điều trị ung bướu tại bệnh viện có xu hướng tăng, đặc biệt số bệnh nhân phải chuyển tuyến trên do thiếu trang thiết bị chẩn đoán, điều trị cũng tăng gây tốn kém nhiều cho nhân dân trong tỉnh và quá tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương.

Xuất phát từ cơ sở pháp lý và thực tiễn nêu trên cần thiết phải xây dựng Đề án bệnh viện vệ tinh chuyên khoa ung bướu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2013 – 2020.

Nội dung triển khai Đề án

Đề án nhằm hướng tới mục tiêu chung là: Nâng cao năng lực về khám, chữa bệnh cho đội ngũ thầy thuốc của các bệnh viện công trên địa bàn Vĩnh Phúc nói chung và Bệnh viện đa khoa tỉnh nói riêng; thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế, giúp người dân Vĩnh Phúc được khám, chữa bệnh chất lượng cao tại Bệnh viện đa khoa tỉnh không phải lên tuyến trên. Giảm tỉ lệ mắc bệnh ung thư trên địa bàn tỉnh thông qua công tác tuyên truyền phòng bệnh. Giảm tỷ lệ tử vong do bệnh ung thư qua khám sàng lọc phát hiện sớm, cải thiện chất lượng chẩn đoán và điều trị. Nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư qua điều trị giảm đau và chăm sóc giảm nhẹ.

Ngoài ra, tiến hành nâng cao năng lực khám, chữa bệnh ung thư thông qua việc tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và tư vấn khám, chữa bệnh từ xa bằng công nghệ thông tin (Telemedicine); bổ sung tăng cường về nhân lực; đầu tư về cơ sơ vật chất, trang thiết bị y tế, phương tiện cấp cứu vận chuyển; công nghệ thông tin… để đảm bảo việc chuyển giao, tiếp nhận kỹ thuật và triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao và bền vững.

Trên cơ sở đó, Đề án sẽ tập trung nâng cao năng lực về khám, chữa bệnh cho đội ngũ thầy thuốc chuyên khoa ung bướu của Bệnh viện đa khoa tỉnh; thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế, giúp người dân được hưởng dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao tại Bệnh viện đa khoa tỉnh không phải lên tuyến trên.

Đề án sẽ triển khai trong giai đoạn 2013 – 2020 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc do Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện.

Tổng kinh phí thực hiện tạm tính là 200.768 triệu đồng dành cho mua sắm trang thiết bị: 200. 768 triệu đồng; còn kinh phí đào tạo cán bộ: do Bộ Y tế cung cấp.

Trong giai đoạn năm 2013, tập trung xây dựng Đề án và trình phê duyệt; Kiện toàn tổ chức bộ máy Khoa Ung bướu, bổ sung số lượng cán bộ (gồm: bác sỹ; kỹ sư về sử dụng và vận hành thiết bị xạ trị; kỹ thuật viên và điều dưỡng viên), đảm bảo đủ để hoạt động và chuẩn bị cho việc thành lập Trung tâm Ung bướu thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh vào năm 2016; Xây dựng kế hoạch bố trí, sắp xếp địa điểm, vị trí làm việc của khoa ung bướu; Xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ của khoa và các bộ phận liên quan; kế hoạch tiếp nhận và triển khai các dịch vụ kỹ thuật chuyên khoa giai đoạn 2014 – 2015.

Giai đoạn 2014- 2015, đầu tư trang thiết bị cần thiết, chủ yếu để đáp ứng các kỹ thuật chuyên môn thực hiện được (mục I, phần phục lục). Tổng kinh phí (tạm tính) là: 13.363 triệu đồng. Đào tạo nhân lực và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện hạt nhân (Bệnh viện Bạch Mai) và các Bệnh viện Trung ương khác; Hoàn thiện kỹ thuật truyền hóa chất đường tĩnh mạch; điều trị giảm nhẹ.

Giai đoạn 2016 – 2020, Bệnh viện đa khoa tỉnh xây dựng và trình duyệt Đề án thành lập Trung tâm ung bướu thuộc Bệnh viện; Đầu tư, mua sắm các thiết bị còn thiếu với tổng kinh phí (tạm tính) là: 187.405 triệu đồng (Một trăm tám mươi bảy tỷ, bốn trăm linh năm triệu đồng); Tổ chức tiếp nhận và thực hiện các kỹ thuật đã đề ra.

Theo đó, nguồn kinh phí do Ngân sách Nhà nước, nguồn ngân sách Trung ương, nguồn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Hiệu quả về mặt xã hội và kinh tế của Đề án

Về mặt xã hội, Đề án góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Đầu tư thiết bị công nghệ cao có tác dụng thúc đẩy sự phát triển ứng dụng tiến bộ kỹ thuật; nghiên cứu khoa học vào công tác khám, chữa bệnh ung bướu trên địa bàn tỉnh; việc đào tạo cán bộ y, bác sỹ có đủ năng lực để khám, chữa bệnh và sử dụng có hiệu quả trang thiết bị hiện đại nhằm tạo điều kiện để người bệnh trên địa bàn tỉnh được hưởng dịch vụ khám, chữa bệnh tốt nhất nhằm rút ngắn thời gian điều trị, nằm viện, giảm đau đớn và di chứng do bệnh tật. Từ đó, nâng cao chất lượng cuộc sống sau điều trị, giảm gánh nặng về kinh tế, tinh thần cho gia đình bệnh nhân và xã hội.

Thông qua Đề án thúc đẩy việc phát triển hệ thống y tế, nguồn nhân lực trong lĩnh vực điều trị các bệnh về ung bướu với kỹ thuật công nghệ cao.

Về mặt kinh tế, việc trao đổi hợp tác với bệnh viện hạt nhân làm giảm sức ép đối với các bệnh viện tuyến Trung ương; giảm chi phí, thời gian của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trên địa bàn tỉnh không phải chuyển đến các bệnh viện tuyến Trung ương để điều trị và chẩn đoán.

Bệnh viện là cơ sở để nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung, bướu; là trung tâm bồi dưỡng, đào tạo và huấn luyện thực hành cho cán bộ y tế trong tỉnh.

Việc áp dụng kỹ thuật cao nhằm nâng cao chất lượng trong khám và điều trị bệnh ung, bướu sẽ mang lại nguồn thu, tăng quỹ phúc lợi cho bệnh viện.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực