|
Tiếp tục nguyên tắc “tính mạng của dân là quan trọng nhất, không được phép để một người dân nào không được quan tâm” |
Một là, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các hướng dẫn của Bộ Y tế về chủ động phòng chống dịch COVID-19. Thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 của Bộ Y tế.
Hai là, UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp y tế (giám sát, xét nghiệm, cách ly, điều trị,...), hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, mở cửa trường học, đi lại của người dân đảm bảo khoa học, thống nhất trong công tác phòng, chống dịch gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế xã hội.
Thực hiện triển khai mạnh mẽ, toàn diện “Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ” với các biện pháp truyền thông, tư vấn về phòng chống COVID-19; tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; xét nghiệm tầm soát phát hiện người mắc COVID-19 theo quy định; chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ; bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ khi người sống chung, người cùng gia đình bị mắc COVID-19; hỗ trợ chăm sóc thể chất và tâm lý xã hội.
Tiếp tục rà soát các đối tượng triển khai tiêm chủng phòng COVID-19 “thần tốc hơn nữa”; đảm bảo bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 12-17 tuổi. Chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn. Tổ chức tiêm chủng tại nhà cho những đối tượng khó khăn trong việc di chuyển.
Tiếp tục triển khai thực hiện cách ly, điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà, khẩn trương chỉ đạo UBND cấp xã hoàn thiện quyết định cách ly, điều trị; hồ sơ quản lý, cấp phát thuốc điều trị và hướng dẫn chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bố trí kinh phí, nguồn lực, nâng cao năng lực hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở; có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế, hỗ trợ công tác phòng chống dịch trong trường học. Quan tâm xây dựng bổ sung các chính sách, chế độ và các hình thức động viên, khen thưởng đối với đội ngũ nhân viên y tế và mạng lưới tham gia tư vấn, điều trị, chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà, các cơ sở y tế dự phòng, các Trung tâm hồi sức tích cực, các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.
Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, bến xe... trên địa bàn quản lý.
Ba là, riêng Sở Y tế cần chú trọng:
Chỉ đạo thực hiện điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu. Thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến; tổ chức thu dung, điều trị hiệu quả ở các tuyến.
Bảo đảm việc cung ứng đủ thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang bị phòng hộ..., đặc biệt là ô xy y tế tại các cơ sở điều trị.
Chỉ đạo Trung tâm y tế các huyện, thành phố; Trạm y tế xã; Trạm Y tế lưu động tăng cường tổ chức, giám sát cách ly, chăm sóc, kê đơn thuốc điều trị ngoại trú tại nhà theo quy định; công tác kết nối điện thoại/ nhóm zalo, hội chẩn, theo dõi, tư vấn điều trị từ xa; kịp thời chuyển tuyến, chuyển tầng điều trị; không để xảy ra tình trạng người mắc COVID-19 không liên hệ được với cơ sở y tế, không được quản lý, theo dõi y tế.
Trên cơ sở phân bổ vắc xin phòng COVID-19 của Bộ Y tế kịp thời thực hiện phân bổ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ bao phủ vắc xin.
Thực hiện đúng chế độ về thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm hàng ngày kết quả giám sát, điều tra, phòng chống dịch COVID-19 về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng, email: baocaobtn@gmail.com), UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh theo quy định.
Bốn là, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh và Truyền hình, UBND cấp huyện phải lưu ý:
Tăng cường công tác truyền thông nâng cao cảnh giác, chủ động phòng chống dịch của người dân, tự theo dõi sức khỏe và thực hiện nghiêm 5K, đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, tiếp xúc với người xung quanh; không tụ tập, không đến nơi đông người khi không cần thiết; tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ, không vì đã tiêm vắc xin mà lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch.
Tuyên truyền người dân, các cơ quan, đơn vị, trường học, xí nghiệp,... thực hiện thông thoáng nhà cửa, nơi làm việc để giảm nguy cơ lây nhiễm. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác...) thì báo ngay cơ quan y tế để được hỗ trợ, tư vấn, theo dõi và xử trí kịp thời.
Năm là, Sở Giáo dục & Đào tạo phải:
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục, Bộ Y tế.
Căn cứ vào việc đánh giá cấp độ dịch của địa phương (đến địa bàn cấp xã), tổ chức sớm đưa học sinh trở lại trường để tổ chức dạy, học trực tiếp; chủ động các biện pháp xử lý khi có trường hợp F0, F1 trong trường học một cách phù hợp, tránh xử lý cực đoan; bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, tạo sự yên tâm, đồng thuận cho trẻ em mầm non, học sinh đến trường an toàn.
Sáu là, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Ban Quản lý các KCN tỉnh quan tâm:
Tiếp tục tăng cường chỉ đạo các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện nghiệm các quy định về phòng chống dịch bệnh theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh; Thực hiện xét nghiệm tầm soát phát hiện người mắc COVID-19 theo đúng quy định.
Bảy là, các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc nghiêm túc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định./.