Đến nay, toàn huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc có 2.917 liệt sỹ, 187 Mẹ VNAH, trong đó có 6 Mẹ còn sống, 17 cán bộ lão thành cách mạng, 60 cán bộ tiền khởi nghĩa, 1192 thương binh, 687 bệnh binh, 162 người bị địch bắt và tù đày, 605 người trực tiếp hoặc gián tiếp nhiễm chất độc màu da cam, 12 ngàn người được tặng Huân, Huy chương kháng chiến với hơn 3.600 người được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng.
Với phương châm: “Không để người nào có công với cách mạng mà không được hưởng chính sách của Nhà nước”, hàng năm huyện, mua, cấp trên 3500 thẻ BHYT, tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho trên 500 lượt người; cho vay vốn giải quyết việc làm, miễn giảm thuế, tự cấp ưu đãi giáo dục cho hơn 600 người đi học tại các trường đào tạo nghề và ĐH, CĐ. Đến nay, không còn hộ gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo. Từ năm 2005 đến nay, toàn huyện đã thu quỹ đền ơn đáp nghĩa được hơn 1,27 tỷ đồng, vận động thêm các nguồn hỗ trợ khác xây dựng được 70 nhà tình nghĩa trị giá 1,75 tỷ đồng, sửa chữa 150 nhà trị giá 1,8 tỷ đồng, tặng hơn 1200 sổ tiết kiệm. Công tác chăm sóc người có công được quan tâm đúng mức, mỗi năm đưa trên 500 người có công đI điều dưỡng tập trung, hơn 300 người điều dưỡng tại gia đình; cấp trang thiết bị chỉnh hình, trợ cấp khó khăn, cho vay vốn ưu đãi, ưu tiên tuyển dụng, xét tuyển đi học với số tiền trị giá hàng trăm triệu đồng; cấp giấy cho trên 650 người thân đi thăm viếng mộ liệt sỹ; quy tập 185 hài cốt liệt sỹ về nghĩa trang quê hương, nâng cấp 6 nghĩa trang liệt sỹ… trị giá 1,5 tỷ đồng. Xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa được 420 triệu đồng. Các xã, thị trấn thường xuyên làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công là: Thi trấn Yên Lạc, xã Trung Hà, Liên Châu, Đồng Văn, Nguyệt Đức, Trung Nguyên, Tam Hồng, Yên Đồng.
Theo lời giới thiệu của đồng chí Nguyễn Văn Ba, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện, chúng tôi đến xã Trung Hà một xã vùng đất bãi khó khăn nhưng là một địa phương tiêu biểu thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Đồng chí Trần Xuân Bồi, Bí thư Đảng uỷ xã Trung Hà cho biết: Bên cạnh việc phát triển kinh tế, xã hội, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân xã Trung Hà luôn chú trọng công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân những liệt sỹ, người có công với cách mạng, không để hộ gia đình thuộc diện chính sách nào chưa được hưởng chế độ, toàn xã không còn hộ đói, hộ nghèo. Ngay sau khi nhận được văn bản hướng dẫn của UBND huyện và Phòng LĐTB&XH huyện, BCĐ trực tiếp phụ trách công tác “Đền ơn đáp nghĩa” được thành lập, xây dựng kế hoạch cụ thể giao cho từng cán bộ thôn triển khai đến từng hộ dân; tiến hành rà soát lại những hộ thuộc diện chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn xã. Hiện toàn xã có 131 liệt sỹ, 8 nạn nhân trực tiếp và gián tiếp nhiễm chất độc màu da cam, 5 thương binh nặng, 46 thương, bệnh binh và 1 mẹ VNAH (đã mất). Hàng năm, công tác ủng hộ xây dựng quỹ ĐƠĐN được người dân hứng khởi thực hiện, mỗi lao động đóng góp 7 ngàn đồng, cán bộ CNVC ủng hộ 1 ngày lương, mỗi hộ sản xuất kinh doanh ủng hộ 20 ngàn đồng với chỉ tiêu mỗi năm quyên góp được 18 triệu đồng. Năm 2009, 2 hài cốt liệt sỹ ở miền Nam đã được tiếp nhận về nghĩa trang quê nhà; tặng 10 suất quà trị giá 3 triệu đồng cho các hộ gia đình liệt sỹ và thân nhân liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ sửa chữa 3 nhà thân nhân liệt sỹ mỗi hộ 2 triệu đồng; hỗ trợ 4 triệu đồng xây mộ mẹ VNAH Vũ Thị Khoan. Chào mừng kỷ niệm 63 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947- 27/7/2010), Ban LĐTB&XH xã đã xây dựng kế họạch thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, tiến hành tu sửa, quét vôi, làm cỏ 2 nghĩa trang liệt sỹ với tổng chi phí 4 triệu đồng và nhiều ngày công của nhân dân, tổ chức cho các em thiếu niên “thắp nến tri ân” tại nghĩa trang liệt sỹ vào tối 26/7.