|
Ảnh minh họa (Nguồn: giaothongvietnam.vn) |
(ĐCSVN) - UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 5895/KH-UBND ngày 16/10/2013 về triển khai thực hiện Đề án thí điểm chế định Thừa phát lại tại tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2013-2015.
Theo đó, tháng 10/2013, UBND tỉnh phải ban Kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án thí điểm chế định Thừa phát lại tại tỉnh Vĩnh Phúc từ năm 2013 đến năm 2015. Đồng thời ban hành Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án thí điểm chế định Thừa phát lại tại tỉnh Vĩnh Phúc cũng như Quyết định phân công, Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện Đề án thí điểm chế định Thừa phát lại tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Bước sang tháng 11/2013, Sở Tư pháp phối hợp với Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh (TAND), Ban Nội chính Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan phải hoàn thành Báo cáo của UBND tỉnh với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả công tác chuẩn bị triển khai thí điểm tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Tháng 12/2013, UBND tỉnh cùng các đơn vị liên quan hoàn tất các thủ tục bổ nhiệm Thừa phát lại, cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại, đăng ký hoạt động và ổn định tổ chức nhân sự cho các Văn phòng Thừa phát lại. Theo đó, hoàn thành việc bổ nhiệm Thừa phát lại; Thành lập 03 Văn phòng Thừa Phát lại tại thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên và huyện Vĩnh Tường; Cấp đăng ký hoạt động cho các Văn phòng Thừa phát lại và khai trương hoạt động các Văn phòng Thừa phát lại.
Tháng 1/2014, tổ chức triển khai quán triệt thực hiện Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, các văn bản pháp luật về Thừa phát lại, các văn bản quản lý nhà nước của cơ quan địa phương về Thừa phát lại. Trong đó bao gồm việc ban hành Kế hoạch tổ chức Hội nghị của UBND tỉnh quán triệt thực hiện Đề án và chỉ đạo của Trung ương về thí điểm chế định Thừa phát lại; Kết luận Hội nghị của Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại của tỉnh; Phân công trách nhiệm triển khai Kế hoạch. Đồng thời phải chú ý tới Kế hoạch đảm bảo nguồn lực cho chỉ đạo thí điểm: Nguồn nhân lực của Sở Tư pháp để quản lý hoạt động Thừa phát lại; Nguồn lực tài chính để thực hiện đề án thí điểm chế định Thừa phát lại.
Đến tháng 7/2013, tổ chức sơ kết thực hiện Đề án thí điểm chế định Thừa phát lại. Trên cơ sở đó, sẽ hoàn thành Báo cáo của UBND tỉnh về sơ kết 1 năm thực hiện Đề án thí điểm chế định Thừa phát lại báo cáo Chính phủ và Bộ ngành Trung ương.
Sau đó, đến tháng 7/2015, tổng kết thực hiện Đề án và hoàn thành Báo cáo của UBND tỉnh về tổng kết 3 năm thực hiện Đề án thí điểm chế định Thừa phát lại báo cáo Chính phủ và Bộ Tư pháp.
Đối với việc tuyên truyền về Thừa phát lại, pháp luật về Thừa phát lại và phản ánh triển khai thí điểm tại Vĩnh Phúc từ 2013-2015, Sở Tư pháp phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông; Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc, Cổng thông tin giao tiếp điện tử tỉnh; Cục Thi hành án dân sự tỉnh, TAND tỉnh, Viện KSND tỉnh tập trung đẩy mạnh kế hoạch tuyên truyền về Thừa phát lại. Các chương trình đăng, phát, phản ánh của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc, Cổng Thông tin và Giao tiếp điện tử tỉnh cùng nhiều tin bài, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng.