Về quê “Ông Phủ Vĩnh Tường”

Thứ hai, 16/05/2011 17:26

Về quê hương “Ông phủ Vĩnh Tường” vào những ngày trung tuần tháng 5, thời điểm mà Vĩnh Tường đang cùng nhân dân cả nước nô nức chuẩn bị cho ngày hội lớn, mới cảm nhận rõ không khí sôi động và sự mong đợi trong mỗi người dân của huyện trọng điểm kinh tế trước sự kiện chính trị trọng đại: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Vài năm trở lại đây, giá trị sản xuất bình quân hàng năm của huyện Vĩnh Tường tăng 23,7%; cơ cấu giá trị sản xuất tăng từ 19% đến 35% đối với lĩnh vực CN - Dịch vụ, tỷ trọng nông nghiệp - thuỷ sản giảm còn 31,2%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 16 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 5,4%... tất cả đều vượt mục tiêu đề ra và vượt so với cùng kỳ. Ông Bùi Minh Hồng, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường khẳng định: Để vượt qua những khó khăn từ một xuất phát điểm thấp, Vĩnh Tường đã chọn cho mình một hướng đi thích hợp, đó là phát huy lợi thế của đồng đất phì nhiêu và mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, từng bước tạo dựng một vùng kinh tế mở, phát triển kinh tế theo hướng chất lượng, toàn diện và bền vững. Cùng với sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân; sự năng động, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền các cấp, Vĩnh Tường đã tạo ra sự bứt phá mới trên nền tảng của những gì đã có và sự kế thừa, phát huy sức mạnh, tiềm lực từ mỗi địa phương, mỗi con người.

 

 Đường về Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc (Ảnh: qwiki.com)


Xác định rõ mục tiêu lấy sản xuất nông nghiệp làm khâu đột phá để phát triển kinh tế, Vĩnh Tường đã thực hiện việc quy hoạch các vùng sản xuất, gắn với chuyển đổi dồn ghép ruộng đất để hình thành nên các vùng sản xuất hàng hoá; đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng tiến bộ KHKT. Do vậy, mặc dù diện tích gieo trồng giảm, nhưng những năm qua, tổng sản lượng lương thực có hạt của huyện vẫn đạt gần 90 ngàn tấn, tăng 4 ngàn tấn so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện đề ra; giá trị sản xuất bình quân trên ha canh tác đạt 88 triệu đồng, tăng 33 triệu so với mục tiêu và 42 triệu so với 5 năm trước. Chăn nuôi, thuỷ sản chuyển từ phương thức nuôi quảng canh, tận dụng, quy mô nhỏ sang phương thức nuôi thâm canh, công nghiệp, quy mô trang trại. Do vậy, tuy số lượng đàn gia súc, gia cầm giảm, nhưng nhờ áp dụng phương thức này mà sản lượng và giá trị sản xuất ngành chăn nuôi vẫn tăng. Sản lượng lợn hơi xuất chuồng tăng từ 6,1 ngàn tấn lên trên 10 ngàn tấn chỉ sau 5 năm; sản lượng gia cầm xuất chuồng tăng từ 780 tấn lên trên 1 ngàn tấn; tỷ lệ đàn bò lai tăng từ 79% lên 97%. Vĩnh Tường đã hình thành vùng chăn nuôi bò sữa ổn định ở các xã vùng bãi sông Hồng với tổng số đàn lên tới 1.130 con, tăng hơn 400 con so với mục tiêu đề ra. Huyện đã chú trọng đẩy mạnh chương trình cải tạo vùng trũng đi đôi với đầu tư phát triển sản xuất, phát triển thuỷ sản theo hướng trang trại tổng hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao, đưa sản lượng nuôi trồng thuỷ sản lên 5,2 ngàn tấn trên diện tích 1.540 ha. Cơ giới hoá nông nghiệp được áp dụng làm tăng năng suất lao động, tạo điều kiện cho các hộ dân chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động trong nông nghiệp sang ngành nghề khác có thu nhập cao hơn.

Để thu hút đầu tư và khai thác có hiệu quả nội lực của các thành phần kinh tế, Vĩnh Tường đã quy hoạch 521 ha đất dành cho phát triển khu, cụm công nghiệp, cụm KT-XH, thu hút được 52 dự án đầu tư, trong đó có 2 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 10 triệu USD và 50 dự án DDI với tổng số vốn 2.576 tỷ đồng. Các làng nghề truyền thống được khôi phục, từng bước nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Đến nay, toàn huyện đã có 7 làng nghề, 4 nghệ nhân, 24 thợ giỏi ở An Tường, Lý Nhân, Vĩnh Sơn, Việt Xuân. Các công trình xây dựng, phúc lợi, kết cấu hạ tầng KT-XH được chú trọng đầu tư; phong trào làm giao thông nông thôn được phát triển rộng khắp và thu được nhiều kết quả. Vĩnh Tường nhiều năm liên tục được Bộ Giao thông vận tải tặng Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu phong trào làm GTNT.

Phát huy thế mạnh của nhiều xã, thị trấn trong huyện, những năm qua, Vĩnh Tường đã đẩy nhanh tiến độ quy hoạch các bến xe, chợ thị trấn Vĩnh Tường, chợ đầu mới Thổ Tang, phát triển các thị tứ và các loại hình dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân và mở mang lưu thông hàng hoá. Vĩnh Tường đã có một trung tâm buôn bán, trung chuyển hàng hoá Thổ Tang; khu dân cư mới thị trấn Vĩnh Tường; cụm công nghiệp Đồng Sóc xã Vũ Di; khu công nghiệp Chấn Hưng, Yên Lập; cụm KT-XH Tân Tiến, Vĩnh Thịnh - An Tường; các làng nghề: Mộc An Tường, rèn Lý Nhân, rắn Vĩnh Sơn, vận tải thuỷ Việt Xuân và hàng trăm công trình, di tích lịch sử văn hoá, du lịch…

Đi đôi với phát triển kinh tế, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn và đời sống của người dân Vĩnh Tường cũng đang trên đà khởi sắc. Những điều kiện về ăn, ở, sinh hoạt, học tập, khám chữa bệnh, hưởng thụ văn hoá của người dân được cải thiện và nâng cao. Vĩnh Tường không còn hộ đói; số hộ nghèo giảm mạnh; tỷ lệ hộ khá và giàu năm sau luôn cao hơn năm trước.

Về Vĩnh Tường trong không khí chuẩn bị đón chào ngày hội lớn, được chiêm ngưỡng bức tranh toàn diện về kinh tế - xã hội đang dần được bổ sung những mảng màu mới, càng cảm nhận rõ hơn sự nỗ lực, quyết tâm của những con người trên vùng quê truyền thống. Những con người đó ngày mai sẽ cầm lá phiếu để chọn ra những đại biểu ưu tú nhất đại diện cho mình vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước và địa phương đem sức mình góp phần quyết sách những vấn đề trọng đại của đất nước, của tỉnh và địa phương vì sự ấm no hạnh phúc của nhân dân.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực