Vĩnh Phúc: Chăm lo đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS từ 2005 đến nay

Thứ sáu, 08/05/2015 16:36

(ĐCSVN) Triển khai Chỉ thị số 54-CT/TW ngày 30/11/2005 “Về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới” của Ban Bí thư, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới.

Theo đó, để Chỉ thị đi vào cuộc sống, Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến Chỉ thị đến lãnh đạo các sở, ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể của tỉnh và các huyện, thành, thị. Sau hội nghị của tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện ủy, thành ủy, thị ủy, các xã, phường, thị trấn đã tổ chức học tập, triển khai thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW đến cán bộ, đảng viên thuộc ngành, đơn vị quản lý và tuyên truyền sâu rộng đến quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thành lập các Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm các cấp trong tỉnh; thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm.

Sau 10 năm, các cấp ủy đảng, chính quyền đã nhận thức rõ công tác phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài; đã tập trung chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hiểu biết, ý thức trách nhiệm, huy động được sức mạnh của toàn xã hội cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Coi công tác phòng, chống HIV/AIDS là trách nhiệm của các cấp, các ngành và là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội.

Đáng chú ý, từ năm 2006 đến nay, các cơ quan thông tin và truyền thông của tỉnh đã sản xuất trên 20 phóng sự truyền hình, đăng gần 700 tin bài trên các báo, tạp chí, bản tin trong và ngoài tỉnh, trên 400.000 bản tài liệu (tờ rơi, tờ gấp, sách mỏng, tạp chí…); phát gần 30.000 lượt nội dung thông điệp tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS trên đài phát thanh, truyền hình, đài truyền thanh cấp huyện và xã.

Công tác phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo và thực hiện các hoạt động tuyên truyền, đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS được đẩy mạnh; đã tổ chức 450 lớp tập huấn cho hơn 35.000 học viên thuộc các thành phần khác nhau gồm: cán bộ y tế, cán bộ các ban ngành đoàn thể khác, thành viên nhóm Nòng cốt phong trào toàn dân phòng, chống AIDS tại cộng đồng dân cư, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, công nhân, học sinh, sinh viên, bệnh nhân AIDS về tình hình dịch, các kiến thức cơ bản, Luật Phòng, chống HIV/AIDS và cách chăm sóc bệnh nhân AIDS tại nhà...; thành lập và duy trì hoạt động 7 nhóm đồng đẳng là người sống chung với HIV, người nghiện ma tuý, mại dâm và người có quan hệ tình dục đồng giới, nhóm bạn tình âm tính.

Thông qua các hoạt động tuyên truyền của các cấp, các ngành, sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV đã giảm về mức độ. Hầu hết người nhiễm HIV đều được gia đình, xã hội chăm sóc, động viên. Bản thân nhiều người nhiễm HIV không còn giấu giếm tình trạng của mình; những người nhiễm HIV đã tích cực tham gia vào các hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS như tọa đàm, tham gia các lớp truyền thông. Tại các cơ sở giáo dục, cơ quan, doanh nghiệp không còn tình trạng xa thải người nhiễm HIV/AIDS, thay vào đó là sắp xếp công việc hợp lý cho người bệnh để họ yên tâm, tin tưởng điều trị.

Tính đến ngày 28/02/2015, Vĩnh Phúc có 3.487 người nhiễm HIV (trong đó số người nhiễm HIV có hộ khẩu tại tỉnh là 1.698 người), số người chuyển AIDS là 1.769 người (trong đó có hộ khẩu tại tỉnh là 1.148 người), số người tử vong do AIDS là 682 người (trong đó có hộ khẩu tại tỉnh là 554 người), số người nhiễm HIV hiện còn sống là 2.805 (trong đó có hộ khẩu tại tỉnh là 1.144 người). Từ năm 2011-2014 tình hình dịch HIV/AIDS tại tỉnh có xu hướng chững và giảm dần số ca mắc mới.

Tỉnh đã triển khai chương trình can thiệp giảm hại có sự tham gia của các đồng đẳng viên, kết quả đã cấp được 578.800 bơm kim tiêm sạch, 345.870 bao cao su và 9.163 gói chất bôi trơn; triển khai điều trị nghiện thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho 136 người nghiện…

Cũng 10 năm qua, các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh đã xét nghiệm cho 47.020 trường hợp, phát hiện 3.466 trường hợp HIV dương tính. Hàng năm, đều phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tổ chức xét nghiệm HIV và ma tuý cho 20.330 tân binh khám tuyển quân sự theo kế hoạch của Hội đồng nghĩa vụ quân sự tỉnh.

Đặc biệt, từ năm 2009, đến nay đã điều trị phòng lây truyền mẹ con cho 60 trường hợp, tất cả các trẻ sinh ra từ những bà mẹ này đều được theo dõi, chăm sóc đầy đủ và con không bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Duy trì và nâng cao chất lượng công tác tư vấn, xét nghiệm tại các phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện. Tính đến hết tháng 02/2015, lũy tích số người được điều trị bằng thuốc kháng vi rút HIV là 658 người, hiện tại đang điều trị là 477 người (trong đó 455 người lớn và 22 trẻ em), 95% tổng số bệnh nhân được điều trị đáp ứng tốt với thuốc, hồi phục sức khỏe, hòa nhập cộng đồng và tham gia lao động sản xuất giảm gánh nặng kinh tế, tâm lý cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Tổ chức giám sát, đánh giá tuân thủ điều trị tại nhà cho tất cả các bệnh nhân đang điều trị ARV. Trong quá trình tổ chức khám chữa bệnh ngoại trú, các đơn vị trong ngành Y tế đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin nhằm theo dõi, giúp đỡ và tư vấn kịp thời cho bệnh nhân điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV.

Công tác sàng lọc HIV trước khi truyền máu: Tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có tổ chức lấy và truyền máu đều đảm bảo 100% đơn vị máu được sàng lọc HIV trước khi truyền cho người bệnh. Kết quả đã có trên 100.000 đơn vị máu được sàng lọc HIV truyền cho người bệnh an toàn…

Thống kê cũng cho thấy, tổng kinh phí đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS từ 2006 đến nay là 70,9 tỷ đồng, trong đó: Kinh phí sự nghiệp là 19,8 tỷ đồng; Kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản (xây dựng trụ sở, trang thiết bị) là 14,5 tỷ đồng; Nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS là 29 tỷ; Nguồn viện trợ là 7,6 tỷ.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW trên địa bàn tỉnh còn những hạn chế, khó khăn đó là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai Chỉ thị số 54-CT/TW ở một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa sâu sát, chưa thường xuyên. Lực lượng tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn còn mỏng; năng lực cán bộ còn hạn chế, đặc biệt là tuyến cơ sở, do phải kiêm nhiệm nhiều chương trình, chưa được đào tạo, bồi dưỡng nhiều về chuyên môn, kỹ năng; công tác nắm bắt tình hình thông tin, báo cáo tình hình hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của một số địa phương chưa đạt yêu cầu; kinh phí đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều hạn chế. Một số đối tượng nguy cơ lây nhiễm cao còn lẩn trốn, khó tiếp cận, kiểm soát nên hoạt động tuyên truyền, tư vấn trực tiếp tại hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn.

Để công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả hơn nữa, trong thời gian tới, các cấp, ngành liên quan quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 54-CT/TW ngày 30-11-2005 của Ban Bí thư Trung ương và Thông tri số 15-TT/TU của Tỉnh ủy; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc tham gia và phối hợp liên ngành trong phòng, chống HIV/AIDS. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác phòng phống HIV/AIDS các cấp. Triển khai đồng bộ các giải pháp chuyên môn kỹ thuật: Tư vấn, giám sát phát hiện, chăm sóc điều trị bệnh nhân HIV, điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV, điều trị lây truyền HIV từ mẹ sang con, quản lý điều trị lao/HIV, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone…

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực