|
Hệ thống giao thông nội đồng được bê tông kiên cố hóa (Ảnh: VP) |
(ĐCSVN) – Theo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết TW 7 khóa X về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Các cấp, ngành trong tỉnh đã chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong triển khai Nghị quyết.
Về cơ bản, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng lương thực - thực phẩm của nhân dân và có sản phẩm hàng hóa; đã xây dựng được nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, hỗ trợ đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; đổi mới xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ; phát triển kinh tế trang trại; đổi mới, sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp và khuyến khích đầu tư tư nhân; xây dựng kinh tế hợp tác xã. Mức thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh đạt 19,2 triệu đồng/người/năm, toàn tỉnh phấn đấu có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2013. Năm 2012, kết quả huy động, sử dụng các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đạt 898,921 tỷ đồng; tổng vốn huy động cho thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới 2 năm 2011-2012 đạt hơn 2.347 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện nghị quyết T.Ư 7 khóa X trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế: Vốn đầu tư thấp so với nhu cầu thực tế, đầu tư còn dàn trải, thiếu trọng tâm; sản xuất nông nghiệp còn manh mún, hiệu quả sản xuất thấp, khối lượng hàng hóa ít, giá trị ngày công lao động chưa cao...
Để tiếp tục thực hiện thắng lợi nghị quyết trong thời gian tới, tỉnh kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương tăng cường chiến lược xuất khẩu lao động; chỉ đạo tổng kết các mô hình điểm để hình thành các hình thức sản xuất mới; tiếp tục có các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ hình thành các hình thức hợp tác tiên tiến, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nông nghiệp, nông thôn; tăng mức hỗ trợ cho phát triển sản xuất nông nghiệp và bảo hiểm rủi ro, BHXH cho nông dân..
Theo đồng chí Phạm Văn Vọng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, mục tiêu của tỉnh là hướng tới một nền nông nghiệp tiên tiến, một xã hội nông thôn tiến bộ, văn minh với cơ sở hạ tầng đồng bộ cùng các thiết chế văn hóa mang đậm sắc thái dân tộc, các hoạt động y tế giáo dục và các dịch vụ công phát triển toàn diện. Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế nhưng sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn có bước phát triển nhanh và chuyển dịch theo hướng tích cực; nông dân trong tỉnh đã từng bước phát huy vai trò chủ thể, tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội; hệ thống hạ tầng thiết yếu được đầu tư, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi.
Có thể thấy, sau 5 năm triển khai, Vĩnh Phúc đã có sự chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong quá trình triển khai Nghị quyết, là tỉnh có số xã đạt được tiêu chí xây dựng nông thôn mới cao nhất cả nước. Mặc dầu vậy, tới đây, tỉnh cũng cần chú trọng gắn kết giữa phát triển công nghiệp và nông nghiệp, nông thôn; tạo môi trường cho doanh nghiệp về với nông dân, đưa khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế; điều chỉnh lại cơ chế đầu tư; xem xét, đề ra giải pháp khuyến khích phát triển công nghiệp - dịch vụ ở nông thôn.