Vĩnh Phúc: Chủ động ứng phó với thiên tai trong nuôi trồng thủy sản

Thứ năm, 02/09/2021 15:10
(ĐCSVN) - Từ nay đến cuối năm, có khả năng xuất hiện nhiều hình thái thiên tai gây bất lợi cho nuôi trồng thủy sản, do vậy, Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc đề nghị đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo kiểm tra tình hình sản xuất thủy sản trên địa bàn. Đồng thời, thông tin về dự báo thiên tai, thông báo kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường của Chi cục Thủy sản và đơn vị có liên quan đến người nuôi để chủ động phòng, tránh giảm thiểu thiệt hại.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Kim Chiến)

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm, có thể xuất hiện nhiều hình thái thiên tai (mưa giông, bão, lũ, thời tiết thay đổi cực đoan…) gây bất lợi cho nuôi trồng thủy sản. Để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả của thiên tai, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi thủy sản, ổn định và duy trì hoạt động nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo phòng, ban chuyên môn, UBND xã, phường, thị trấn tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra tình hình sản xuất thủy sản trên địa bàn. Đồng thời, thông tin về dự báo thời tiết, cảnh báo, dự báo thiên tai, thông báo kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường thủy sản của Chi cục Thủy sản và đơn vị có liên quan đến người nuôi để chủ động phòng, tránh giảm thiểu thiệt hại.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các hộ sản xuất thủy sản thực hiện các biện pháp phòng chống và khắc phục thiệt hại do mưa, bão cho thủy sản nuôi. Cụ thể, trước khi có mưa bão: Liên tục cập nhật, theo dõi diễn biến thời tiết và tình hình xả nước trên các hồ, đập để chủ động bảo vệ an toàn cho thủy sản nuôi. Cần thu hoạch toàn bộ hoặc một phần thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm, nhất là những khu vực xung yếu, hay ngập lụt. Chuẩn bị các điều kiện, vật tư để dùng trong trường hợp cần thiết phục vụ cho công tác phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai như: Lưới, đăng chắn, cọc tre, bao cát, máy bơm tiêu úng, thuyền, máy phát điện…

Sau mưa bão, tiến hành dọn sạch, khơi thông đăng cống giúp nước thoát nhanh, không để đọng, tắc làm nước thoát không kịp dẫn đến ngập tràn hoặc vỡ bờ, nhất là vùng kết hợp nuôi cá với cấy lúa. Kiểm tra, xử lý các yếu tố môi trường nước ao, đầm, nơi đặt lồng bè nuôi đảm bảo các yếu tố môi trường nằm trong giới hạn cho phép. Di chuyển lồng, bè đến vùng nuôi có chất lượng nước đảm bảo an toàn (nếu cần thiết). Đồng thời, bổ sung vitamin C hoặc chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi; thường xuyên theo dõi sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.

Sở NN&PTNT Vĩnh phúc yêu cầu Chi cục Thủy sản của tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các biện pháp chủ động ứng phó với mưa bão trong nuôi trồng thủy sản, nhất là các vùng trũng, thấp có nguy cơ ngập úng cao trên địa bàn tỉnh. Bố trí cán bộ bám sát địa bàn, chủ động tổ chức triển khai các biện pháp ứng phó với mưa bão. Thực hiện quan trắc môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản, kịp thời thông tin kết quả và cảnh bảo sớm diễn biến môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tới cơ quan chức năng và người nuôi thủy sản. Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn người nuôi thủy sản thực hiện tốt các quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản./.

 

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực