Vĩnh Phúc chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục

Thứ bảy, 09/04/2011 16:59

 

 Một buổi học của thầy trò trường chuyên Vĩnh Phúc

Trong những năm qua, ngành giáo dục Vĩnh Phúc phát triển vững chắc và toàn diện. Liên tục trong 7 năm liền, ngành đạt và vượt 10 chỉ tiêu thi đua do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra, được tặng Cờ thi đua xuất sắc, trở thành một trong 6 tỉnh, thành phố có chất lượng giáo dục cao nhất.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, sự nghiệp trồng người của tỉnh được quan tâm đầu tư. Quy mô trường, lớp được mở rộng; cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được tăng cường phục vụ cho công tác dạy và học. Đội ngũ giáo viên được bổ sung cả về số lượng và chất lượng đã thu hút học sinh trong độ tuổi đến trường ngày càng tăng, chất lượng đào tạo toàn diện được nâng cao rõ rệt. Nhiều năm liền, chất lượng giáo dục mũi nhọn bậc Tiểu học và THPT thuộc tốp các tỉnh dẫn đầu của cả nước.

Hàng năm, ngành Giáo dục và Đào tạo cử hàng ngàn lượt cán bộ, giáo viên đi đào tạo chuẩn hoá và nâng chuẩn, nhất là đội ngũ giáo viên trẻ. Phong trào tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người. Đến nay, đội ngũ giáo viên đã đủ về số lượng, đảm bảo cơ cấu bộ môn, được bố trí sắp xếp hợp lý theo chương trình và vùng miền. Toàn tỉnh có 560 cán bộ quản lý đang được đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, 77 giáo viên ngoại ngữ được cử đi đào tạo ở nước ngoài. Tỷ lệ giáo viên đạt trên chuẩn ở bậc giáo viên mầm non chiếm hơn 33%, bậc tiểu học 85%, bậc THCS 55,7% và THPT chiếm gần 24%.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, công tác đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy và học được ngành chú trọng. Mỗi năm có hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách và các nguồn hợp pháp khác được đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng quy mô trường lớp. Năm học 2010 - 2011, toàn tỉnh đã xây mới và đưa vào sử dụng 479 phòng học, 85 phòng học bộ môn; mở rộng được gần 77ha đất cho các trường học, nâng diện tích bình quân ở bậc mầm non lên 12,8 m2/học sinh; tiểu học 18,7 m2/học sinh; THCS 21,6 m2/học sinh và THPT 20,6 m2/học sinh. Toàn tỉnh có 53,2% trường mầm non; 72,5% trường tiểu học; 30,8 trường THCS và 28,9% trường THPT đạt chuẩn quốc gia; 100% các xã đủ 3 cấp học mầm non, Tiểu học, THCS. Công tác xây dựng thư viện, phòng học chức năng, phòng tin học được đẩy mạnh, tăng cường bổ sung thêm thiết bị, sách giáo khoa, sách nghiệp vụ, sách tham khảo bảo đảm đủ cho dạy và học theo phân phối chương trình. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học được quan tâm chú trọng đúng mức, đã có 100% trường THPT, 75% THCS 75,3% trường tiểu học, 158/168 trường mầm non có từ 2 - 3 phòng máy vi tính kết nối mạng Internet phục vụ nhu cầu học tin học và khai thác tài liệu tham khảo. Chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục tăng cả về số lượng và chất lượng. Số học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng tăng nhanh. Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2010, Vĩnh Phúc có gần 8000 em trúng tuyển, đạt tỷ lệ 255 sinh viên/1 vạn dân; 6 trường THPT của tỉnh được xếp hạng trong tốp 200 trường THPT có chất lượng tuyển sinh tốt nhất cả nước. Hàng năm, Vĩnh Phúc có trên 90% số học sinh dự kì thi Học sinh giỏi quốc gia đạt giải.

Để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương triển khai có hiệu quả Đề án phát triển Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2011 - 2015 và Quy hoạch phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2015” nhằm đánh giá các chỉ số phát triển và xây dựng chỉ tiêu phát triển giáo dục của trường học, địa phương và của tỉnh cho phù hợp. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng trường chuẩn quốc gia, hình thành mô hình trường chất lượng cao ở các huyện, thị, thành phố cho mỗi cấp học. Tiếp tục khai thác các nguồn lực đầu tư duy trì, mở rộng quy mô trường lớp ở tất cả các bậc học, ngành học. Quan tâm đầu tư phát triển phòng học bộ môn, thư viện, đi đôi với quản lý, khai thác sử dụng, bảo quản để phát huy tối đa hiệu quả trong đổi mới dạy và học…

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực