Vĩnh Phúc: Công tác giải quyết lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội nhiều chuyển biến

Thứ năm, 27/09/2018 16:10
(ĐCSVN) – Từ đầu năm đến nay, Vĩnh Phúc luôn chú trong công tác giải quyết lao động việc làm. Đi đôi với việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề đảm bảo nguồn cũng lao động ngày càng chất lượng. Bên cạnh đó Tỉnh luôn chú trọng đảm bảo an sinh xã hội tạo nền tảng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn.
Ảnh minh họa (Ảnh:N.H)

Tìm kiếm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động

Thời gian qua, Vĩnh Phúc luôn đẩy mạnh công tác thông tin về thị trường lao động, tư vấn và giới thiệu việc làm được các ngành chức năng duy trì thực hiện. Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh định kỳ mở phiên giao dịch việc làm tại Sàn giao dịch việc làm vào ngày thứ 5 hàng tuần, tích cực phối hợp với doanh nghiệp trong tỉnh, trao đổi thông tin với ngành chức năng của các tỉnh lân cận trong việc cung ứng lao động đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Tính từ đầu năm đến ngày 13/9/2018, Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh đã tổ chức 30 phiên giao dịch việc làm tại Sàn và mở các phiên sàn giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, các trường đào tạo nghề của tỉnh; đã có hàng nghìn lao động được tuyển trực tiếp tại sàn; hàng chục nghìn lượt người được tư vấn về chính sách lao động, việc làm, học nghề và bảo hiểm thất nghiệp…

Công tác đào tạo nghề trên địa bàn đã thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy và thực hành, đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất và trang thiết bị; nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên dạy nghề. Trong đó, Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc là một trong 45 cơ sở giáo dục đào tạo trên toàn quốc được lựa chọn để đầu tư thành trường nghề chất lượng cao đến năm 2020 với những ngành nghề phục vụ cho cách mạng công nghiệp 4.0, nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và cấp quốc gia như: công nghệ thông tin, cắt gọt kim loại, điện tử công nghiệp, cơ điện tử, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; kỹ thuật sửa chữa và lắp ráp máy tính.

Trong thời gian tới, các trường dạy nghề của tỉnh cần chủ động hơn nữa trong việc đào tạo nguồn lao động đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghiệp thời 4.0; chú trọng đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp, tác phong lao động công nghiệp; xây dựng các mô hình liên kết đào tạo theo nhu cầu xã hội, phối hợp kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh, sinh viên, kiểm tra kết quả thực tập tay nghề và giải quyết việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp.

Đảm bảo an sinh xã hội

Những năm qua, cùng với tập trung phát triển kinh tế, tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến công tác bảo đảm an sinh xã hội. Bằng những chủ trương, biện pháp cụ thể, thiết thực, hệ thống chính sách an sinh xã hội ngày càng đồng bộ, hoàn thiện; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao; an sinh xã hội đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo, cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn.

Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng thực hiện các chương trình thăm hỏi, tặng quà cho các hộ nghèo nhân các dịp lễ, tết và triển khai hỗ trợ tiền điện cho các hộ gia đình thuộc diện được trợ giúp; tiếp tục áp dụng chính sách cho vay và hỗ trợ lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.

Chế độ, chính sách cho các đối tượng chính sách, gia đình khó khăn được quan tâm thực hiện kịp thời, đầy đủ theo quy định. Tỉnh đã tổ chức thăm hỏi và tặng quà của Chủ tịch nước và của tỉnh tới đối tượng chính sách là người có công, các đơn vị trực tết và bệnh nhân mắc bệnh nặng không về nhà ăn Tết, góp phần động viên, thăm hỏi kịp thời các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh.

Trong kỳ, các cấp, các ngành đã trao tặng 1.275 suất quà tương ứng với số tiền trên 455,4 triệu đồng cho trẻ em; tặng 20 xe đạp, 130 suất học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn..., triển khai nhiều hoạt động truyền thông về quyền trẻ em, phát động tháng hành động vì trẻ em năm 2018, triển khai mô hình Hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng; xây dựng kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, tổ chức diễn đàn “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”, truyền thông về xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn” cho trẻ em...

Nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2018), tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân như: Tổ chức đoàn đại biểu đi dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn tỉnh Quảng Trị; tổ chức dâng hương và thắp nến tri ân tại toàn bộ nghĩa trang liệt sỹ trong tỉnh; thực hiện khám chữa bệnh miễn phí cho đối tượng chính sách, người có  công trên địa bàn; tổ chức Lễ Cầu siêu hương hồn các anh hùng, liệt sỹ tại Đài Tưởng niệm liệt sỹ tỉnh; tổ chức các hoạt động văn nghệ quần chúng nhằm vinh danh người có công và phát động phong trào đền ơn đáp nghĩa; thăm hỏi, tặng quà của Chủ tịch nước và của tỉnh đến các gia đình chính sách. Công tác thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách được thực hiện chu đáo, kịp thời, đúng quy định cho 28.938 người với tổng số quà tặng trên 16,659,8 triệu đồng, trong đó Quà của Chủ tịch nước 5.084,6 triệu đồng, quà của tỉnh 11.575,2 triệu đồng.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực