Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm

Thứ hai, 15/11/2021 13:58
(ĐCSVN) - Để phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị UBND các huyện, thành phố thành lập các đoàn chỉ đạo, đôn đốc công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm, đồng thời tổ chức phun khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi cho các hộ chăn nuôi, đảm bảo tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường.
 Ảnh minh họa (Nguồn: BT)

Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, trên địa bàn tỉnh hiện nay không xảy ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi như: Cúm gia cầm, Lở mồm long móng gia súc, Tai xanh ở lợn... Tuy nhiên, nguy cơ các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi phát sinh và lây lan vào dịp cuối năm 2021 và đầu năm 2022 là rất cao do tổng đàn vật nuôi của tỉnh lớn; các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật các tháng cuối năm tăng mạnh. Trong khi các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ chiếm đa số, thời tiết chuyển mùa mưa, rét.

Do vậy, để chủ động tổ chức kiểm soát tốt, không để các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra trên diện rộng, giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe con người; đồng thời bảo đảm thực hiện đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh nhằm đạt được mục tiêu kép, vừa phòng chống có hiệu quả dịch bệnh COVID-19, vừa bảo vệ, phát triển sản xuất, UBND tỉnh chỉ đạo và yêu cầu UBND các huyện, thành phố bố trí nguồn lực, kinh phí để triển khai, thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch của UBND tỉnh về phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022 trên địa bàn quản lý. Cụ thể như: Kế hoạch số 153/KH-UBND ngày 11/9/2020 về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2025; Kế hoạch số 154/KH-UBND ngày 11/9/2020 về phòng, chống bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 194/KH-UBND ngày 10/12/2020 về phòng, chống bệnh Lở mồm long móng gia súc trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025,…

Bên cạnh đó, thành lập các đoàn kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm và tiêm phòng bổ sung các tháng cuối năm đảm bảo đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn gia súc, gia cầm; tiêm phòng triệt để vắc xin Dại cho đàn chó, mèo nuôi trong diện tiêm phòng; đồng thời tổ chức phun khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi cho các hộ chăn nuôi, đảm bảo tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường, hạn chế dịch bệnh phát sinh và lây lan trên đàn vật nuôi.

Cùng với đó, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND cấp xã tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh tới thôn, xóm, hộ chăn nuôi, đặc biệt là tại các ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao nhằm kịp thời phát hiện và xử lý, không để dịch bệnh lây lan rộng. Kiểm tra, giám sát tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trên địa bàn, kiên quyết xử lý các cơ sở giết mổ không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y; nghiêm cấm vận chuyển, giết mổ động vật ốm, chết, giết mổ động vật cạnh đường giao thông, trong chợ; xử lý nghiêm các trường hợp vứt xác động vật chết ra ngoài môi trường theo quy định.

Khi có dịch truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra, kịp thời công bố dịch theo quy định và áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch; tiến hành bao vây, ngăn chặn ổ dịch, không để lây lan, phát tán mầm bệnh ra xung quanh. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; các biện pháp ngăn chặn các loài véc tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài véc tơ truyền bệnh.

Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng chức năng như: Công an, Quản lý thị trường,.. tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm bệnh, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật nếu để dịch bệnh gia súc, gia cầm xảy ra trên địa bàn do nguyên nhân chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát hiện; đồng thời bảo đảm thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định.

Mặt khác, chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và thú y phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức, thực hiện tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm và phun khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi đảm bảo hiệu quả. Tăng cường giám sát chủ động, lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh động vật, đặc biệt là các địa phương có ổ dịch cũ và có sự lưu hành của các loại mầm bệnh để kịp thời cảnh báo, xử lý kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh Thú y đảm bảo theo quy định. Tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cung ứng, buôn bán các loại thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vắc xin không đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt là khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, tiêm phòng vắc xin theo quy trình; phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi các tháng cuối năm. Lập dự toán kinh phí thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh năm 2022, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt thực hiện.

Sở Tài chính bố trí nguồn kinh phí để tổ chức triển khai thực hiện các Kế hoạch về phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh năm 2022. Với Cục Quản lý thị trường tỉnh (Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh Vĩnh Phúc) tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các trường hợp vận chuyển vào địa bàn tỉnh nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm; xử lý nghiêm các trường hợp cản trở, lợi dụng tình hình dịch bệnh, tích trữ hàng gây khó khăn cho người chăn nuôi trong việc tiếp cận, mua vắc xin, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị các sở, ban, ngành, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công chủ động phối hợp với chính quyền các cấp, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống bệnh động vật các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực