(ĐCSVN) – Kể từ Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 11/11/2002 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về một số nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, trong 10 năm qua, công tác giảng dạy lịch sử địa phương trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh, nhận thức của người dạy và người học được nâng lên, tài liệu dạy và học đã được biên soạn, có nhiều phương pháp giảng dạy sinh động.
Giáo viên và học sinh trong tỉnh đều có chung một nhận thức về tầm quan trọng của việc giáo dục truyền thống lịch sử địa phương. Công tác giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách, ý chí vượt qua khó khăn vươn lên của người dân Vĩnh Phúc, sức mạnh về truyền thống góp phần không nhỏ để Vĩnh Phúc thực hiện CNH, HĐH ngày nay.
Nhận thức đúng và triển khai bài bản
Đưa nội dung lịch sử địa phương vào giáo dục trong các nhà trường phổ thông góp phần cung cấp kiến thức lịch sử quê hương, giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống giúp học sinh có ý thức phấn đấu tu dưỡng rèn luyện, tinh thần yêu quê hương, đất nước. Thông qua đó còn giáo dục lòng tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương nơi mình sinh ra, rèn luyện tinh thần yêu nước và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho học sinh.
Hàng năm, lãnh đạo các nhà trường đã tiến hành kiểm tra các hoạt động giảng dạy của giáo viên, dự giờ đối với giáo viên dạy lịch sử, chú ý kiểm tra giáo án, chương trình giảng dạy lịch sử địa phương, đồng thời yêu cầu giáo viên sưu tầm tư liệu lịch sử địa phương để giảng dạy môn học này được phong phú hơn.
Ban giám hiệu các trường chủ động chỉ đạo tổ chức các hoạt động chuyên môn như: Thao giảng; nói chuyện truyền thống nhân ngày thành lập Đảng 3/2; Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11; Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12… Một số nhà trường tổ chức mời cựu chiến binh nói chuyện về anh bộ đội cụ Hồ, về lịch sử của huyện, của xã…đưa nội dung lịch sử Đảng bộ huyện và giảng dạy (huyện Yên Lạc), qua đó học sinh hiểu biết về lịch sử địa phương nơi minh sinh ra.
Nhiều nhà trường có những hoạt động ngoại khoá như chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ tại địa phương, nói chuyện về các chiến thắng diễn ra tại địa phương, như chiến thắng Khoan Bộ (1947), chiến thắng Xuân Trạch (1950) (huyện Sông Lô, Lập Thạch), Liệt sỹ Lê Xoay, anh hùng Nguyễn Viết Xuân (Vĩnh Tường) hoặc thi sưu tầm tư liệu về lịch sử địa phương, viết thu hoạch phần lịch sử địa phương (huyện Lập Thạch). Nhờ đó mà chất lượng bài dạy lịch sử địa phương được nâng cao hơn.
Công tác quản lý được sát sao công tác soạn giáo án, sổ ghi đầu bài thể hiện rõ nội dung các tiết dạy lịch sử địa phương theo quy định của chương trình.
Về tài liệu giảng dạy lịch sử địa phương, năm 2008 Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức biên soạn bộ sách Tài liệu giáo dục lịch sử địa phương, dùng cho giáo viên cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông toàn tỉnh. Theo đánh giá của các giáo viên các nhà trường, lãnh đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo tài liệu lịch sử địa phương do Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc biên soạn, về cơ bản có sự thống nhất chương trình và nội dung kiến thức giảng dạy cho các cấp học, đã giúp giáo viên trong việc tìm tư liệu, soạn bài và giảng dạy lịch sử địa phương có hiệu quả.
Tư liệu lịch sử mà tài liệu cung cấp đảm bảo tính khoa học, chọn lọc, sinh động, cơ bản phù hợp với đối tượng học sinh các cấp học, khi tốt nghiệp bậc học các em có thể hình dung được một cách khái quát nhất về lịch sử hình thành, phát triển và những truyền thống của quê hương Vĩnh Phúc từ xưa đến nay.
Ngoài ra khi giảng dạy giáo viên đã sử dụng các tài liệu khác có liên quan như Lịch sử Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc, lịch sử các huyện, xã, thị trấn, các văn kiện Đại hội Đảng các cấp, Dư địa chí tỉnh Vĩnh Phúc, Biên niên những sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc (1930-2010) để soạn giảng…
Cần triển khai đồng bộ các giải pháp để thu về hiệu quả to lớn hơn
Thực tế đã kiểm nghiệm và chứng minh việc giáo dục lịch sử truyền thống địa phương trong các nhà trường ở Vĩnh Phúc là đúng đắn và hiệu quả. Thiết nghĩ, để nâng cao chất lượng giảng dạy lịch sử truyền thống địa phương, thời gian tới, vẫn cần phải làm tốt và đồng bộ hơn một số giải pháp trọng điểm.
Thứ nhất, ngành giáo dục và đào tạo nên nghiên cứu đưa phân phối chương trình các tiết học lịch sử địa phương vào thời điểm hợp lý và trong kiểm tra học kỳ, thi học sinh giỏi, giáo viên giỏi cần có nội dung này. Hằng năm tổ chức bồi dưỡng, tham quan thực tế cho đội ngũ giáo viên dạy môn lịch sử, tạo điều kiện để giáo viên dạy lịch sử được tham gia dự các hội nghị, hội thảo, nói chuyện về lịch sử địa phương.
Thứ hai, xuất phát từ chính cán bộ, giáo viên dạy bộ môn lịch sử. Họ phải có một bộ tài liệu hoàn chỉnh, tài liệu đó phải mang tính hệ thống, xúc tích, mang tính cập nhật và hấp dẫn. Giáo viên lịch sử phải xây dựng giáo án tích hợp để khắc phục những hạn chế trong tiết dạy lịch sử địa phương để dạy học lồng ghép với các tiết dạy lịch sử dân tộc có liên quan. Cách làm này sẽ đưa lịch sử dân tộc gần gũi, sinh động, thực tế và tạo cho các em những ấn tượng sâu sắc hơn về lịch sử địa phương mình.
Dạy học tại di tích: hiện tại ở các địa phương, hệ thống các di tích văn hoá - lịch sử được trùng tu rất nhiều giáo viên nên khai thác những di tích đó để tiến hành một số tiết học lịch sử địa phương có nội dung liên quan thay cho những tiết dạy thuyết trình trên lớp, hoặc tổ chức ngoại khoá khi có điều kiện. Đây là biện pháp để giờ học lịch sử nhẹ nhàng, sâu sắc mà hiệu quả, bài học chứa đựng cả giá trị quá khứ, sự cảm phục, kính trọng của mỗi học sinh khi học về lịch sử.