(ĐCSVN) - Những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã tranh thủ các nguồn lực của Nhà nước, mặt khác đầu tư kinh phí từ ngân sách tỉnh tập trung cho các làng nghề truyền thống nhằm giúp các làng nghề phát triển hiệu quả hơn, nhất là thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người lao động vùng nông thôn, từng bước hướng tới sự phát triển bền vững.
|
Vĩnh Phúc hiện có 19.300 cơ sở ngành nghề. (Ảnh minh hoạ: A.N) |
Vĩnh Phúc hiện có trên 19.300 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn chủ yếu như: chế biến bảo quản nông lâm thủy sản; sản xuất thủ công mỹ nghệ; nghề trạm khắc đá; gây trồng, kinh doanh sinh vật cảnh; chế biến nguyên vật liệu phục vụ ngành nghề nông thôn; sản xuất vật liệu xây dựng... Một số làng nghề truyền thống đã và đang phát triển, sản phẩm làm ra được xuất khẩu phục vụ nhu cầu người tiêu dùng là người nước ngoài. Điển hình như làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Hải Lựu (Sông Lô); đan lát Triệu Đề (Lập Thạch); làng nghề mộc Thanh Lãng (Bình Xuyên); làng nghề rắn Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường); làng nghề rèn Lý Nhân (Vĩnh Tường)… Các cơ sở nghề đã tạo việc làm cho từ 55.000 - 60.000 lao động nông thôn và nhiều làng số hộ tham gia hoạt động nghề trong các làng nghề chiếm 50 - 80% tổng số hộ dân trong làng với thu nhập phổ biến tại các làng nghề đạt từ 1,7 - 1,9 triệu đồng/người/tháng.
Các làng nghề ở Vĩnh Phúc đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong khu vực nông thôn, tận dụng được lao động nông nhàn. Khi làng nghề phát triển cũng thúc đẩy các ngành nghề khác phát triển, các cơ sở sản xuất chế biến quy mô lớn hơn hộ gia đình được hình thành và được đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Sự xuất hiện của những cơ sở sản xuất được đầu tư toàn diện giúp người dân từ bỏ thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và sự thụ động trong sản xuất hàng hóa. Tính liên kết trong sản xuất giữa các cơ sở sản xuất lớn, nhỏ được hình thành có tác dụng hỗ trợ đắc lực trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, dự báo nhu cầu thị trường trong và ngoài nước để sản xuất phù hợp.
|
Các làng nghề Vĩnh Pphúc góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế (Ảnh minh hoạ: A.N) |
Tuy nhiên, đánh giá tổng thể, hiện các làng nghề truyền thống ở Vĩnh Phúc vẫn còn tồn tại không ít những hạn chế, khó khăn. Các cơ sở sản xuất phần lớn vẫn duy trì ở dạng kinh tế hộ gia đình, sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu dễ gây ô nhiễm môi trường, sản xuất mang tính tự phát, chưa thể mở rộng thị trường tiêu thụ mang tính ổn định... Thậm chí một số làng nghề có nguy cơ chết yểu như làng nghề gốm Hương Canh do thiếu mặt bằng sản xuất và thiếu đất nguyên liệu làm gốm tại địa phương này.
Để hoạt động các làng nghề truyền thống hiệu quả hơn, Vĩnh Phúc đã thực hiện các cơ chế, chính sách để duy trì làng nghề như khôi phục hỗ trợ phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp, quy hoạch cụm công nghiệp, làng nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, phấn đấu đến năm 2015 sẽ hình thành 24 cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề trên địa bàn để thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ sản xuất vào sản xuất tập trung.
|
Tỉnh còn hỗ trợ đào tạo thợ lành nghề, truyền nghề. (Ảnh minh họa: A.N) |
Bên cạnh đó tỉnh hỗ trợ đào tạo thợ lành nghề, truyền nghề, chuyển đổi mặt hàng sản xuất, từ sản xuất những sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước sang những sản phẩm để xuất khẩu. Vĩnh Phúc đã đầu tư hơn 219 tỷ đồng xây dựng 8 cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề với diện tích hơn 81 ha. Tỉnh thực hiện nhân cấy một số nghề mới trong khu vực nông nghiệp nông thôn như nghề mây tre đan xuất khẩu, thêu ren xuất khẩu, chế biến nông sản thực phẩm, nghề mộc mỹ nghệ. Đồng thời, xây dựng các doanh nghiệp "đứng chân" ngay trong những làng, xã có nghề truyền thống, coi đây là hạt nhân quan trọng cùng với chính sách khuyến công trở thành tiền đề cho phát triển làng nghề.
Ngoài ra, Vĩnh Phúc còn ban hành và thực hiện một số chính sách khuyến khích đầu ra cho sản phẩm, chính sách ưu đãi về thuế, vốn vay cho hộ sản xuất; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư khoa học - công nghệ, xử lý ô nhiễm môi trường cho các làng nghề; gắn công tác khuyến công, tư vấn hỗ trợ phát triển công nghiệp, làng nghề nghề với chương trình xây dựng nông thôn mới để làng nghề phát triển toàn diện hơn, hiệu quả hơn.